Giúp nông dân có nhiều lựa chọn

Thứ tư, ngày 26/03/2014 11:08 AM (GMT+7)
Hàng trăm tấn mía đã được chặt ở Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) và các vùng phụ cận bị phơi nắng trong nhiều ngày trong thời gian qua là chuyện không lạ.
Bình luận 0
Một điệp khúc vẫn thường lặp đi lặp lại đối với các mặt hàng nông sản ở Việt Nam là năm nào được mùa thì mất giá và ngược lại. Riêng cây mía thì hình như vượt ra ngoài quy luật này. Bằng chứng là, vụ mía năm nay không phải là năm được mùa nhưng giá mía thì rơi xuống tận đáy.

Giá đường xuống thấp cộng với nạn buôn lậu đường đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chống buôn lậu đã đẩy người trồng mía vào ngõ cụt. Các mặt hàng tiêu dùng tăng, giá công thuê chặt mía cũng tăng theo mà giá bán mía thì vẫn giữ nguyên, thậm chí bị o ép về chữ đường nên đã xảy ra tình trạng mía dồn ứ. Tức nước vỡ bờ, hàng trăm người dân Ninh Hòa đã ra chặn đường xe vận chuyển mía từ Đăk Lăk xuống, gây hỗn loạn buộc ngành chức năng phải can thiệp...
Người dân xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn, Hòa Bình) phải chở mía ra đường Hồ Chí Minh để bán lẻ cho khách đi đường.
Người dân xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn, Hòa Bình) phải chở mía ra đường Hồ Chí Minh để bán lẻ cho khách đi đường.

Bên cạnh nguyên nhân giá đường thất thường, còn một nguyên nhân sâu xa nữa là người trồng mía ở nhiều nơi không có sự chọn lựa nào khác trên khoảnh ruộng của mình. Biết cây mía không mang lại lợi nhuận để có thể sống được nhưng họ không biết trồng loại cây gì khác.

Với nhiều vùng chuyên canh ở Thanh Hóa hoặc ĐBSCL, mỗi hécta mía năng suất lên đến trên 100 tấn nhưng ở nhiều tỉnh miền Trung, nhất là vùng Ninh Hòa - “vựa mía” của Khánh Hòa thì năng suất bình quân cũng chỉ 50 tấn/ha. Đấy chính là lý do người nông dân không thể “kiếm lời” trên một đơn vị diện tích nếu trồng mía.

Cách đây chừng 15 năm, ở Quảng Ngãi - nơi được xem như xứ sở của mía đường, tình trạng than trời mỗi vụ mía về cũng đã xảy ra. Thế nhưng, kể từ khi xuất hiện nhà máy chế biến tinh bột mì, nông dân có thêm sự lựa chọn để trồng cây khác ngoài cây mía nên sự kêu ca cũng theo đó giảm dần.

Một nhà máy đường Quảng Ngãi buộc phải chuyển dời đi nơi khác vì không đủ nguyên liệu. Nhà máy đường còn lại, nhân viên ở các trạm nông vụ buộc phải “cởi mở” hơn với người trồng mía, công tác khuyến nông và sự ưu ái cho cây mía cũng như việc thu mua mía cũng bắt đầu có cải tiến hơn. Năng suất cây mía được nâng lên, việc thu mua không còn “o ép” nên người trồng mía ở Quảng Ngãi cũng dễ thở hơn.

Bài học từ vùng mía nổi tiếng này có lẽ các địa phương khác như Khánh Hòa cũng cần phải “thuộc”. Chỉ có sự xuất hiện nhiều loại cây trồng để người nông dân có sự lựa chọn trên mảnh đất của mình thì mới mong chấm dứt những lời ta thán từ những cánh đồng chỉ độc canh cây mía mà thôi.
Hà Nhiên (Hà Nhiên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem