Giúp nông dân phát triển cây có múi

Thứ tư, ngày 18/12/2013 09:56 AM (GMT+7)
Ngày 17.12, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Hòa Bình tổ chức diễn đàn khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên cây có múi”.
Bình luận 0
Diễn đàn có có sự tham dự của các chuyên gia đến từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Bảo vệ thực vật, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội và hơn 200 các chủ trang trại, nông dân của 10 tỉnh như: Nghệ An, Hải Phòng, Bắc Cạn...

Còn nhiều bất cập

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trên cả nước hiện có khoảng 832.000ha cây ăn trái, sản lượng đạt bình quân 7 triệu tấn. Trong đó, diện tích cây ăn quả có múi là 138.200ha, chiếm 18% diện tích, với sản lượng 1,35 triệu tấn/năm. Riêng diện tích cây có múi ở khu vực phía Bắc là 35.800ha, chiếm diện tích khoảng 26%, với sản lượng 274.900 tấn/năm.

Mô hình trồng cam của gia đình anh Trần Quang Cảnh.
Mô hình trồng cam của gia đình anh Trần Quang Cảnh.

Ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá: Mặc dù diện tích và sản lượng cây có múi ở nước ta những năm gần đây gia tăng khá nhanh, tuy nhiên trồng cây ăn quả có múi vẫn còn kém bền vững. Thứ nhất do diện tích sản xuất còn manh mún, bấp bênh, chưa có quy hoạch vùng sản xuất. Thứ hai, nông dân còn sản xuất theo tập quán, ngại áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt các kỹ thuật thâm canh. Ba là khả năng đầu tư thấp nên năng suất không cao, hiệu quả sản xuất thấp. Bốn là thiếu sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ...

Phần trao đổi với các chuyên gia hết sức sôi động khi nhiều nông dân đặt câu hỏi. Anh Trần Quang Cảnh (thị trấn Cao phong, Hòa Bình) - chủ gia trại với tổng diện tích vườn 4.000m2, trồng 150 cây cam giống Valencia xen cam đường canh, trăn trở về việc phòng, chống dịch bệnh Greening. Dịch bệnh này đang gây nhiều khó khăn cho nông dân. “Các bệnh do virus và siêu vi khuẩn không chữa trị bằng thuốc hóa học mà phải phòng trị bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, bắt đầu từ khâu nhân giống sạch bệnh đến các kỹ thuật canh tác, vệ sinh vườn...” - TS Đoàn Văn Lư (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) khuyến cáo.

img
Làm đúng, tăng lợi nhuận

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, trong 3 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng bình quân của diện tích cây cam và cây có múi toàn tỉnh tăng 22,4%, từ 329ha lên 502ha, đưa Hòa Bình trở thành tỉnh đứng đầu khu vực miền núi Tây Bắc về sản lượng cây có múi. Hoạt động này tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, còn các chủ gia trại, trang trại tăng lợi nhuận nhờ phát triển cây có múi bình quân từ 100 - 500 triệu đồng/hộ/năm.

Các đại biểu mong muốn trong những năm tiếp theo, nhà nước cần định hướng và hỗ trợ bà con trong việc sản xuất cây có múi để nâng cao hơn nữa sản lượng cũng như chất lượng các loại cây có múi ở Việt Nam.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc áp dụng đúng kiến thức, cách bảo quản đối với cây có múi sẽ giúp nông dân tăng lợi nhuận kinh tế đáng kể.

Anh Nguyễn Văn Thắng (thị trấn Cao Phong, Hòa Bình) có trang trại với diện tích 1,5ha trồng trên 1.000 cây cam các loại như: Cam chín sớm, cam canh đường, cam Xã Đoài, quýt Ôn Châu... cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

Anh Thắng cho rằng: So sánh việc áp dụng thu hoạch đại trà 1 vụ/năm với việc thu hoạch rải vụ sẽ mang lại lợi nhuận tăng 2 - 3 lần. “Trước đây, bà con chúng tôi thu hoạch cam đại trà 2 - 3 tháng/vụ/năm. Sau khi tham gia dự án thâm canh, cải tạo vườn cây ăn quả do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai, nông dân cao phong chúng tôi hiểu và áp dụng tốt nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc - Đúng lúc - Đúng nồng độ và liều lượng - Đúng cách, đặc biệt là thu hoạch rải vụ. Nhờ đó, lợi nhuận kinh tế ngày càng tăng.
Thu Thủy - Ngô Xuân (Thu Thủy - Ngô Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem