Giúp vốn, giúp cả hướng làm ăn

Quốc Dinh Thứ tư, ngày 21/10/2015 11:00 AM (GMT+7)
Từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo của tỉnh Kon Tum đã dần thoát ra khỏi nếp nghĩ, cách làm cố hữu.
Bình luận 0

Vực dậy niềm tin vào tương lai

Trước đây, nhà chị Trần Thị Tuyết, tổ 1, phường Nguyễn Trãi (TP.Kon Tum) nghèo nhất địa phương. Năm 2009 chị được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 5 triệu đồng tín dụng hộ nghèo. “Có vốn, tôi bắt đầu xoay xở theo lối “mèo nhỏ bắt chuột con”. Đầu tiên tôi trồng rau xanh bán quanh thành phố, mỗi ngày gom lại chút lãi. Khi có được chút vốn kha khá, tôi xoay sang nuôi heo lứa…”. Cứ kiên trì trồng rau, chăn nuôi lợn, đến năm 2012 chị Tuyết trả được nợ cho ngân hàng. Thấy chị sử dụng vốn hiệu quả và có nhu cầu, Ngân hàng CSXH cho chị vay tiếp 10 triệu đồng. Đồng vốn rộng hơn, chị Tuyết quay sang nuôi bò. Sau hơn 2 năm chăm bẵm, nay 2 con bò mẹ đã đẻ thêm được có 2 chú bê con. “Vốn ngân hàng như cái “cần câu”, còn cán bộ đoàn thể, khuyến nông dạy mình cách “câu” - chị Tuyết thổ lộ.

img

Nhờ được vay 2 chu kỳ vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, chị Trần Thị Tuyết ở tổ 1, phường Nguyễn Trãi (TP. Kon Tum) đã gây dựng được đàn bò sinh sản.  Ảnh: Q.D

Gia đình A Nhen ở thôn 9, xã Đăk La, huyện Đăk Hà (Kon Tum) so với gia đình chị Tuyết còn khó khăn hơn. A Nhen có đến 9 đứa con nên chỉ mong đủ cơm ăn cũng khó, nói gì đến mơ thoát nghèo. Nhờ chính sách Nhà nước, A Nhen được cấp đất trồng 6ha cao su. Viễn cảnh thoát nghèo có vẻ đã mở ra thì lại đụng đến vốn để chăm sóc. “May được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng lấy vốn đầu tư chăm sóc, chứ không thì vườn cao su cũng đã trở nên hoang hóa. Nay 4ha cao su của nhà mình đã cho mủ rồi, mỗi ngày nhà mình cũng có 300.000 đồng tiền lời…”- A Nhen thật thà chia sẻ.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

 Ngân hàng CSXH chi nhánh Kon Tum đang thực hiện 13 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 1.600 tỷ đồng. Một số chương trình tín dụng có dư nợ tăng trưởng cao như cho vay hộ nghèo (596 tỷ đồng), cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (343 tỷ đồng)...  

Kon Tum là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì khu vực Tây Nguyên. Trong nhiều lý do, thiếu vốn sản xuất là nguyên nhân hàng đầu. Ông Lê Danh Thứ - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Kon Tum bộc bạch: Với đồng bào nghèo, “cái khó bó cái khôn”. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ cho vay vốn mà phải cùng đoàn thể, khuyến nông gợi mở, hướng dẫn bà con...”.

Ngân hàng CSXH tỉnh Kon Tum sau hơn 3 năm thực hiện “Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng”, đến nay đã phục vụ đến khắp các thôn, làng, tổ dân phố với 1.615 tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp khách hàng tiếp cận vốn dễ dàng. Theo ông Thứ, từ năm 2013 đến nay, doanh số cho vay của chi nhánh đạt 1.539 tỷ đồng với hơn 75.100 lượt hộ được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 842 tỷ đồng... Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Kon Tum hàng năm từ 4-5%, với 16.513 hộ  thoát nghèo; hơn 42.156 lao động có việc làm mới; hơn 1.850 học sinh-sinh viên được vay vốn để học tập...

Tuy nhiên, thành công lớn nhất, theo ông Lê Danh Thứ là Ngân hàng CSXH đã góp phần làm thay đổi tâm lý buông xuôi, “được đến đâu hay đến đó” vốn hằn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS. “Thay đổi được tâm lý đồng bào nhưng cũng phải “có thực mới vực được đạo”- nghĩa là phải giúp đồng bào về vốn. Đồng vốn chính là công cụ, phương tiện hỗ trợ hiệu quả cho công tác vận động, tuyên truyền thay đổi hành vi...” - ông Thứ khẳng định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem