Gỡ dần khó khăn dạy nghề

Thứ sáu, ngày 09/07/2010 03:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong hai ngày 7 và 8-7, tại Nam Định, Ban chỉ đạo T.Ư thực hiện Quyết định 1956 tổ chức Hội nghị giao ban về tình hình thực hiện Quyết định 1956. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng ban chỉ đạo chủ trì Hội nghị.
Bình luận 0
 img
Một lớp dạy nghề về trồng cây lạc cao sản ở huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh, nông dân làm quen với cách học lý thuyết và thực hành.

“Một đề án với tính bao quát rộng lớn sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, tiêu cực là không thể tránh khỏi. Khi triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg các cơ quan quản lý đã tính nhiều phương án để kiên quyết khắc phục những khó khăn, tiêu cực này”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH). Trong bối cảnh các tỉnh sôi sục triển khai Quyết định, một cái nhìn thẳng thắn sẽ giúp cho việc thực hiện đi đúng hướng...

Từng có sai sót, tiêu cực...

Sai sót mà ông Dũng chỉ ra từ các Chương trình dạy nghề nông dân trước đây (theo Quyết định 81/QĐ-TTg năm 2005 và các Quyết định trước đó) là: “Từng xảy ra hiện tượng khai khống thời gian học, học viên đi học chỉ để lấy chế độ hỗ trợ đào tạo nghề của nhà nước, đào tạo nghề không theo khảo sát nên khi tốt nghiệp, tỉ lệ người lao động xin được việc không cao”.

Ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - đơn vị có hệ thống dạy nghề khá “hùng hậu” cho biết, sẽ đa dạng hoá hình thức dạy nghề, kết hợp dạy nghề tập trung và dạy nghề lưu động.

Năng lực của các trung tâm dạy nghề cũng là vấn đề đáng bàn. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Giám đốc (Tổng công ty cổ phần May 10) cho biết: “Nhiều cơ sở đào tạo chính quy tập trung dạy nghề chưa phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Chúng tôi thường phải đào tạo lại. Vì vậy, để lao động đỡ mất thời gian học nghề ở địa phương, chúng tôi nhận vào luôn từ lúc chưa biết việc rồi vừa học vừa làm”. Thực tế này làm cho nhiều trung tâm có dạy nghề may đành “đắp chiếu” thiết bị.

Nhìn từ góc độ địa phương, ông Lê Hùng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nam cho biết, trước kia, do kinh phí ít nên tỉnh chủ yếu đào tạo cho lao động trẻ. Thế nhưng, nhóm lao động này lại thích “phiêu bạt”, đang học có khi bỏ ngang, hoặc học xong không làm nghề đã học. “Chúng ta không có chế tài ràng buộc người học. Vì vậy, học xong họ có làm nghề hay không, không thể kiểm soát được”...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng, việc đào tạo ngành nghề gì trong nông nghiệp hiện nay cũng phải tính toán kỹ và có chính sách hỗ trợ người học rõ ràng. Chẳng hạn như nhân lực ngành thuỷ sản hiện vô cùng thiếu “nhưng có trường, khoa Thuỷ sản chỉ có 25 em đăng ký dự thi. Nhóm ngành đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngành thủy sản cũng chưa được coi trọng” - Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ.

Gỡ dần khó khăn

Nhìn thẳng vào những khó khăn đó, Quyết định 1956 giao cho các tỉnh chủ động xây dựng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh mình, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế và có khảo sát nhu cầu kỹ lưỡng.

Việc dạy nghề cho nông dân hiện được thực hiện theo cơ chế “đặt hàng”. Ông Nguyễn Viết Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định cho biết: “Khi triển khai mở lớp, chúng tôi có thực hiện ký hợp đồng 3 bên: Doanh nghiệp (hoặc trường dạy nghề), nông dân và UBND xã. Theo đó, UBND xã xác định nhu cầu thực sự về nghề đó, doanh nghiệp hoặc trường nghề xác nhận có năng lực đào tạo, tạo việc làm và nông dân cam kết học nghề, làm đúng nghề đã học. Nếu 1 trong 3 bên vi phạm phải hoàn lại tiền học nghề”. Ông Quý nói vui, hồ sơ cho một nông dân đi học ở Nam Định làm cẩn thận ngang với hồ sơ thi đại học “để đảm bảo không có gian lận”.

Quyết định 1956 cũng ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các nghệ nhân. Ông Nguyễn Tấn Thỉnh - nghệ nhân đúc đồng, Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ Lộc cho biết, hiện ông đang có kế hoạch đào tạo khoảng 600 LĐ tại một số tỉnh với mong muốn phát triển nghề này ở nhiều địa phương. “Không có hỗ trợ từ Quyết định, chúng tôi vẫn dạy nghề, nhưng chỉ là nhỏ lẻ. Sự hỗ trợ sẽ giúp người dân vượt khó khăn đi học và tổ chức làm nghề”- ông nói.

Từ góc độ quản lý, để đảm bảo các cơ sở dạy nghề tổ chức lớp có chất lượng, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Bộ LĐ-TB&XH ban hành “chuẩn” của cơ sở dạy nghề tham gia Đề án này. Ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - đơn vị có hệ thống dạy nghề khá “hùng hậu” cho biết, sẽ đa dạng hoá hình thức dạy nghề, kết hợp dạy nghề tập trung và dạy nghề lưu động. Đặc biệt, Hội Nông dân các cấp cũng đẩy mạnh vai trò giám sát để đảm bảo Đề án thực sự phát huy hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Trước tháng 7 các Hội Nông dân, làm vườn, làng nghề… phải ký xong văn bản phối hợp thực hiện đề án này, ngành khuyến nông tham gia như lực lượng chủ lực cả về kỹ thuật và quản lý. Thành lập tổ thông tin truyền thông để tập hợp thông tin tuyên truyền các nội dung của đề án tới người dân. Đến tháng 10 hoàn thành điều tra nhu cầu học nghề ở các địa phương, hoàn thành hai chương trình hành động về đào tạo nghề cho nông dân và công chức xã. Đồng thời, hoàn thành việc xác định mỗi tỉnh có một huyện điểm, một cơ sở dạy nghề mẫu mực và ít nhất một hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp. Dự kiến trong tháng 10 sẽ tổ chức hội nghị giao ban qua mạng, một hội nghị tổng kết trước 15-12 và công bố tiêu chí đánh giá xếp hạng các tỉnh vào dịp cuối năm.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem