Gỡ “điểm nóng” về đất dịch vụ ở Mê Linh (Hà Nội) từ quyết sách ở Nghị trường

Nhóm phóng viên Thứ tư, ngày 03/05/2023 08:38 AM (GMT+7)
Những “điểm nóng” được gỡ khi công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại tố cáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét định kỳ hằng ngày. Câu chuyện hơn 5.700 hộ dân huyện Mê Linh (Hà Nội) sẽ nhận đất dịch vụ là ví dụ cụ thể.
Bình luận 0

LTS: Quốc hội ngày càng nâng cao vai trò chủ động, sáng tạo, tích cực đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan nhà nước kịp thời xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển đất nước. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong quá trình hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Một trong những đổi mới, đó là công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân sẽ được UB TV QH xem xét định kỳ hàng ngày. Câu chuyện giải quyết đất dịch vụ tại Mê Linh (Hà Nội) phản ánh hiệu quả của sự đổi mới này.

Bức xúc gần 1/3 đời người

Ngày cuối tháng 4/2023, đài truyền thanh thôn Phú Nhi (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) phát thông báo mới nhất của UBND huyện Mê Linh về giải quyết, giao đất dịch vụ cho người dân. Bốn tháng qua, kể từ sau sau buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Thanh (tháng 11/2022), những thông báo, văn bản đôn đốc của thành phố, huyện về chính sách đất dịch vụ liên tục được phát đi.

Đổi mới công tác dân nguyện, “điểm nóng” được giải quyết từ Nghị trường - Ảnh 1.

Gần 20 năm qua, nhiều dự án có quy mô lớn đã thu hồi đất trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) chưa triển khai, người dân nhường đất vẫn mong nhận được đất dịch vụ theo quy định.

Người dân trở lại công việc đồng áng thường ngày. Câu chuyện lúc tụ họp, họ không còn bàn bạc về những lá đơn khiếu kiện, thay vào đó là hỏi nhau cụ thể về thời gian, lộ trình nhận được tiền đền bù hay đất dịch vụ. Đây là kết quả khả quan người dân nhận được sau gần 20 năm đi vác đơn đi đòi quyền lợi khắp nơi.

Giai đoạn 1/1/1997 đến 1/8/2008, trên địa bàn huyện Mê Linh có 6420 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, tương ứng với 28,2 ha đất dịch vụ. Đến nay đã giao được cho 715 hộ với tổng diện tích 3,8 ha đất dịch vụ; số hộ còn lại đề nghị được giao là 5705 hộ gia đình, cá nhân tương ứng với 24,4 ha đất dịch vụ.

“Chúng tôi hiểu rằng việc giao nhận đất dịch vụ không thể ngày một ngày hai mà được ngay. Nhưng theo dõi những chính sách quyết liệt, liên tục của Trung ương, thành phố và huyện trong thời gian qua khiến chúng tôi yên tâm, tin tưởng rằng lần này vụ việc sẽ được giải quyết dứt điểm”, ông Trương Vũ Thuật, Trưởng thôn Phú Nhi nói.

Gia đình ông Thuật cũng nằm trong số 200 hộ dân xã Thanh Lâm, hơn 5.700 hộ của huyện Mê Linh bị thu hồi đất nông nghiệp mà chưa được hưởng đất dịch vụ. “Gần 20 năm qua, quãng thời gian bằng một phần ba đời người, chúng tôi nhiều lúc sống trong cảm giác bức bối, không muốn làm ăn gì, không biết đến khi nào mới nhận được quyền lợi chính đáng” – ông Thuật nói. 

Từ năm 2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc thu hồi đất nông nghiệp và cam kết bồi thường, trường hợp bị thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên thì sẽ được bồi thường bằng đất dịch vụ. Nhưng năm 2008, huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội chính sách này đã không được thực hiện, trong khi ở Vĩnh Phúc, người dân bị thu hồi đất cùng thời điểm đều đã được nhận đất dịch vụ như cam kết trước đó.

Đổi mới công tác dân nguyện, “điểm nóng” được giải quyết từ Nghị trường - Ảnh 3.

Doanh nghiệp thu hồi đất để xây dựng các khu đô thị lớn, người dân bị thu hồi đất theo chính sách trước năm 2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được nhận lại bằng đất dịch vụ.

Từ đây, những lá đơn khiếu kiện của người dân được gửi đến thành phố, các cơ quan Trung ương, suốt gần 20 năm nguyện vọng của người dân chưa được giải quyết. Trong các văn bản chính thức của huyện Mê Linh, đã coi đây là điểm bức xúc của người dân địa phương chưa giải quyết được. 

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm kể: "Khi chưa sáp nhập về Hà Nội, chủ đầu tư  đã "hứa" với người dân là sẽ trả 17 triệu đồng/sào ruộng và hộ nào có 1 sào ruộng bị thu hồi thì được 10m2 đất, gia đình cứ có 1 khẩu thì được cộng thêm 2m2 nữa. Trường hợp các hộ gia đình bị thu hồi 70% đất nông nghiệp thì sẽ được nhận một suất đất dịch vụ". Khu đất nông nghiệp 888m2 của gia đình ông Quang thuộc diện thu hồi thực hiện dự án Khu biệt thự Nhà vườn, thương mại và dịch vụ tổng hợp Hưng Nga (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh), chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hưng Nga. Nhưng sau đó, lời hứa của chủ đầu tư từ năm 2004 với ông Quang vẫn chưa thực hiện được. Đất canh tác đã bị giải phóng mặt bằng, kênh mương bị lấp.

Đổi mới công tác dân nguyện, “điểm nóng” được giải quyết từ Nghị trường - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm cho biết, dự án khi khởi công năm 2004, người dân phấn khởi còn làm thơ chúc mừng.

Tại phiên họp thứ 2 UBTVQH khóa 15, tháng 8/2021, một quyết định được xem là bước ngoặt đối với công tác dân nguyện của QH được Chủ tịch Quốc hội đưa.“Kể từ phiên họp này trở đi, công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét định kỳ hằng ngày” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu.

Giải quyết “điểm nóng” từ nghị trường

Điểm nghẽn về các dự án chậm tiến độ, về giải quyết đất dịch vụ tại Mê Linh (Hà Nội) dần hạ nhiệt sau khi đơn thư của người dân được Ban Dân nguyện, Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp nhận và đặc biệt, sau các buổi tiếp xúc cử tri. 

Tháng 11/2022 tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh, ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Đại biểu Quốc hội đã khẳng định đây là quyền lợi chính đáng của người dân. “ Không có cớ gì bên Vĩnh Phúc cũng như vậy mà xử lý xong rồi, Mê Linh nợ mấy nghìn suất thế này không ổn. Lỗi là của chúng ta, ở cấp ủy, lãnh đạo huyện, lãnh đạo thành phố” – Người đứng đầu UBND TP.Hà Nội thẳng thắng nhìn nhận.

Đổi mới công tác dân nguyện, “điểm nóng” được giải quyết từ Nghị trường - Ảnh 6.

Người dân trên địa bàn huyện Mê Linh sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp vẫn hàng ngày trồng rau, trồng hoa trên chính mảnh đất của mình. Đến nay, người dân đang chờ thủ tục trả đất dịch vụ sau khi vướng mắc được tháo gỡ.

Ngay sau đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội đã tổng hợp báo cáo Thường vụ Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV (tháng 11/2022). Vướng mắc của người dân Mê Linh được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp của những cơ quan nhà nước có quyền lực cao nhất trong vấn đề này. Hơn 1 tháng sau kỳ họp, ngày 6/1/2023, Bộ TNMT có văn bản đồng ý với đề xuất hỗ trợ giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, hộ cá nhân có đất nông nghiệp thu hồi trên địa bàn huyện Mê Linh. Tiếp đó, ngày 9/3, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ký ban hành văn bản giải quyết tồn tại, vướng mắc về giao đất  dân cư dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh. Theo đó, UBND TP.Hà Nội đồng ý về chủ trương giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, tồn tại khiến gần 20 năm qua 5.700 hộ dân huyện Mê Linh bị ảnh hưởng. Tháng 4/2023, UBND huyện Mê Linh đã có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn hoàn thiện Đề án tổng thể về giải quyết đất dịch vụ cho nhân dân trên địa bàn. 

Từng nhiều năm làm công tác HĐND, ông Nguyễn Văn Quang - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm, cho hay, những năm qua kiến nghị nhiều nhất của người dân là về giải quyết đất dịch vụ. Các cuộc họp HĐND huyện, tiếp xúc cử tri, vấn đề này liên tục được đưa ra.  “Sau khi ý kiến người dân được đưa vào báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được đưa lên nghị trường, nhân dân thấy tin tưởng. Sau khi có thông tin từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao cho Bộ TNMT, chúng tôi đã gửi các nội dung này gửi đến các Chi bộ thôn để tuyên truyền cho người dân nắm được, để yên tâm hơn”, ông Quang thông tin. 

Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, hoạt động của Thường tực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn Huyện thời gian qua đã có chuyển biến tích cực; vai trò, vị thế của HĐND ngày càng được nâng cao. Hoạt động kiểm tra, giám sát, chất vấn, tái chất vấn của HĐND ngày càng thực chất. Hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, ý kiến, phản ánh của cử tri ngày càng được quan tâm, chất lượng được nâng lên.

Sáng 25/4 vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 10) đã tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.

Tai đây, cử tri Ngô Chí Nghĩa (Thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh) đánh giá, được sự quan tâm của các cấp, các đại biểu Quốc hội và đặc biệt là Chủ tịch UBND thành phố, một số khó khăn, vướng mắc của huyện Mê Linh tồn tại đã nhiều năm nay đã dần được tháo gỡ. Trong đó, khó khăn kéo dài nhiều năm như vấn đề giao đất dịch vụ thì nay đã có cơ chế, chính sách cụ thể, các hộ gia đình có đất nông nghiệp thu hồi trước ngày ban hành Quyết định 2502 cũng được giao đất dịch vụ tương tự như hộ có đất nông nghiệp thu hồi sau ngày ban hành Quyết định 2502, không có sự phân biệt.

Đổi mới công tác dân nguyện, “điểm nóng” được giải quyết từ Nghị trường - Ảnh 8.

Nhận được thông tin các cấp chính quyền từ thành phố đến địa phương đang lên phương án để bàn giao đất dịch vụ cho người dân trên địa bàn huyện Mê Linh khiến bà con vô cùng phấn khởi.

Hiện nay, TP.Hà Nội và huyện Mê Linh cũng đã chuẩn bị quỹ đất để giao đất dịch vụ cho người dân. Theo đó, 13 dự án đã và đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ với tổng quỹ đất được giao đất dịch vụ là 29,68ha (Diện tích đất hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ là 6,6ha thuộc 3 dự án, đã tổ chức giao 3,8ha, quỹ đất sạch chưa giao là 2,8ha). UBND TP.Hà Nội xác định đã bố trí đủ quỹ đất dịch vụ để giao các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Mê Linh.

UBND TP.Hà Nội đề nghị Bộ TNMT xem xét thống nhất cho UBND huyện Mê Linh (TP.Hà Nội) thực hiện giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, có đất nông nghiệp bị thu hồi cả trước và sau ngày 22/7/2004 tương tự như tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện. Điều này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đảm bảo mặt bằng chung, giải quyết dứt điểm và tránh phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Đổi mới công tác dân nguyện, “điểm nóng” được giải quyết từ Nghị trường - Ảnh 9.

Phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt trao đổi với lãnh đạo UBND xã Thanh Lâm liên quan đến nội dung bàn giao đất dịch vụ cho người dân trên địa bàn xã.

Tích cực giải quyết vấn đề nổi cộm

Ngày 19/4/2023, tại phiên họp giải trình, cung cấp thông tin về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Ban Dân nguyện Quốc hội đã liệt kê hơn 2.400 kiến nghị của cử tri đối với các cơ quan của Chính phủ. Trong đó, đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có 335 kiến nghị, Văn phòng Chính phủ đã gom lại có 289 kiến nghị trực tiếp và đã được giải quyết. Tổng số kiến nghị đã giải quyết xong là 21/289, kiến nghị giải quyết một phần là 251, đang giải quyết là 17/289 kiến nghị.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đánh giá, có thể thấy công tác dân nguyện không chỉ là nơi chung chuyển đơn thư, không phải là thùng thư của Quốc hội. “Đây là cơ quan đứng ra trực tiếp giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Ban Dân nguyện hàng tháng sẽ làm việc với một số ngành và các địa phương ở các vụ việc nổi cộm, đặc biệt là các vụ việc phức tạp, kéo dài, khiếu nại đông người” – ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Đổi mới công tác dân nguyện, “điểm nóng” được giải quyết từ Nghị trường - Ảnh 10.

Phần diện tích đất nông nghiệp được các doanh nghiệp thu hồi nhưng chưa xây dựng giờ thành bãi hoang, cỏ mọc um tùm.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng công tác dân nguyện rất quan trọng vì làm cho cả hệ thống chính danh. “Muốn nhà nước dân chủ, của dân, do dân và vì dân, phải đặt toàn bộ sự chính danh của hệ thống này phụ thuộc vào việc phản ánh dân nguyện và xử lý dân nguyện như thế nào. Đa số những kiến nghị của nhân dân, nếu Quốc hội không quyết Chính phủ cũng không thể thực hiện được. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng Quốc hội chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội là cơ quan đại diện, nếu đã là đại diện phải hiểu ý nguyện của người dân, hiểu họ muốn cái gì” – ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, bản chất của thiết chế nghị viện hay Quốc hội đòi hỏi phải có bộ phận làm việc với nhân dân, ý nguyện của nhân dân, làm việc với người mà mình đại diện, đó là nguyên tắc. “Nếu như trước đây, việc thực hiện công tác dân nguyện được báo cáo Thường vụ Quốc hội định kỳ 6 tháng đến 1 năm. Chủ trương đổi mới yêu cầu báo cáo mỗi tháng một lần trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy rõ ràng vấn đề dân nguyện được Quốc hội quan tâm. Qua đó những vụ việc nóng, kéo dài lâu năm được giải quyết rất kịp thời”, TS Dũng nói.

Ngày 28/3/2023, tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Ban Dân nguyện của Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh: Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề đã được nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp thu để hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, qua đó góp phần khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của Quốc hội, cùng các cơ quan của Quốc hội tạo được sự gần gũi, yêu mến và tin tưởng của cử tri và Nhân dân cả nước. Công tác dân nguyện đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân với Đảng và Nhà nước; là đầu mối, đồng thời là một kênh quan trọng để cử tri cả nước gửi gắm nguyện vọng đến Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp; là cầu nối để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân, thực hiện tốt phương châm Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem