Góc nhìn pháp lý vụ khởi tố Phó Chủ tịch huyện ở tỉnh Bình Phước

Phi Long Thứ sáu, ngày 25/10/2024 06:18 AM (GMT+7)
Cơ quan chức năng đã khởi tổ, bắt tạm giam đối với Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) do vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Luật sư Hoàng Anh Sơn đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.
Bình luận 0

Bắt tạm giam Phó Chủ tịch huyện Bù Gia Mập

Chiều 22/10, Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét nơi làm việc, nơi ở đối với Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập và 3 bị can khác về tội "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất".

Các bị can gồm: Nguyễn Xuân Hoan (ngụ thị xã Phước Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập); Lê Minh Bảo và Nguyễn Thế Vinh (cùng ngụ thị xã Phước Long, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bù Gia Mập); Hoàng Huy Phương (ngụ thị xã Phước Long, Chuyên viên Đội Quản lý công trình đô thị huyện Bù Gia Mập).

Đây là các bị can trong vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước khởi tố từ tháng 5/2024.

Trước đó, vào tháng 5/2024, Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Hữu Hóa (ngụ thị xã Phước Long, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bù Gia Mập và Nguyễn Thị Hải (ngụ thị xã Phước Long) để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".

Góc nhìn pháp lý vụ khởi tố Phó Chủ tịch huyện ở tỉnh Bình Phước- Ảnh 1.

Cơ quan điều tra đọc quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Xuân Hoan, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập. Ảnh: CA.

Theo hồ sơ điều tra, từ năm 2015 đến nay, Nguyễn Xuân Hoan với vai trò là Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập (phụ trách kinh tế) lợi dụng chức năng, quyền hạn của mình để chỉ đạo các ban ngành của huyện và cán bộ cấp dưới thực hiện trái quy định trong công tác quản lý Nhà nước về 38 ha đất rừng trồng thành rừng được chuyển giao về địa phương quản lý. 

Cụ thể, Hoan đã chỉ đạo cấp dưới là Lê Minh Bảo, Nguyễn Thế Vinh và Hoàng Huy Phương, thuộc Hội đồng và tổ chuyên viên giúp việc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Bãi rác tập trung huyện Bù Gia Mập), thực hiện việc kiểm kê hiện trạng và áp giá bồi thường, hỗ trợ bồi thường cây trồng, kiến trúc trên diện tích 3ha (trong 38ha) trái quy định, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hơn 798 triệu đồng.

Người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho hay, bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất của diện tích đất thu hồi cho người có đất thu hồi.

Tái định cư là việc Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác phù hợp cho người có đất thu hồi hoặc hỗ trợ bằng giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người không đủ điều kiện bồi thường về đất ở theo quy định của Luật này nhưng không còn chỗ ở nào khác. 

Tùy thuộc vào diện tích đất bị thu hồi và quỹ đất hiện có của Nhà nước, người dân sẽ được bồi thường số lượng suất tái định cư phù hợp.

Cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư, bồi thường về tài sản, bồi thường về sản xuất kinh doanh gây thiệt hại về tài sản cho người khác.

Điều 230 Bộ luật hình sự 2015, quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư; Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh.

Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem