Góc nhìn pháp lý vụ rao bán tiền giả trên mạng xã hội, chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng

Phi Long Thứ tư, ngày 07/08/2024 07:26 AM (GMT+7)
Công an TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng vừa phá đường dây chuyên rao bán tiền giả rồi giao 'tiền âm phủ' để chiếm đoạt tiền của người mua trên địa bàn cả nước. Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.
Bình luận 0

Khởi tố vụ án rao tiền giả trên mạng xã hội

Ngày 4/8, Công an TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 14 người để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Lãnh đạo Công an TP.Bảo Lộc cho hay, qua nguồn tin tố giác tội phạm, cơ quan điều tra ghi nhận có một nhóm chuyên quảng cáo bán tiền giả trên mạng xã hội Facebook đặt "trụ sở" tại TP.Bảo Lộc, hoạt động ở quy mô toàn quốc.

Qua khám xét 4 tụ điểm, cơ quan điều tra thu giữ nhiều tang vật cùng nhiều bao tải bên trong chứa nhiều giấy "tiền âm phủ" mệnh giá 200.000 đồng và nhiều hộp giấy bên trong chứa các loại hạt khử mùi, xi măng đã được đóng gói dán "tiền âm phủ".

Theo Công an TP.Bảo Lộc, để thực hiện hành vi lừa đảo, nhóm người nói trên đã tạo tài khoản Facebook ảo rồi thuê chạy quảng cáo rao bán tiền giả. Khi đặt mua, khách hàng không cần đặt cọc tiền, chỉ cần cung cấp số điện thoại và địa chỉ nhận hàng.

Góc nhìn pháp lý vụ rao bán tiền giả trên mạng xã hội, chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng- Ảnh 1.

Góc nhìn pháp lý vụ rao bán tiền giả, giao tiền âm phủ. Ảnh: CA.

Cách giao dịch của nhóm tội phạm nói trên là khi có khách hàng đặt mua tiền giả, nhóm đóng gói các hộp giấy thành các kiện hàng nhỏ. Sau đó cho các loại bột khử mùi, xi măng, "tiền âm phủ" vào bên trong hộp. Các kiện hàng này sau đó được gửi giao hàng tại các bưu cục chuyển phát nhanh cho khách mua tiền giả theo hình thức không được kiểm tra hàng trước khi giao.

Trong 6 tháng hoạt động, đường dây này đã giao thành công hơn 23.000 đơn hàng trong cả nước và chiếm đoạt số tiền hơn 6 tỷ đồng. Tỉ lệ giao hàng thành công của nhóm lừa đảo là khoảng 30%.

Nhóm đối tượng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho hay, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Để cấu thành tội lừa đảo, người thực hiện hành vi phải dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giá trị lên tới 06 tỷ đồng, các đối tượng trong vụ việc có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; ngoài ra họ còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo luật sư Hoàng Anh Sơn, các đối tượng trong vụ việc này còn rao bán tiền giả và khi có khách đặt mua thì giao tiền âm phủ. Do đó, họ có thể bị truy cứu tội liên quan tới tiền giả.

Cụ thể, Điều 207 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả. Trong đó, hành vi lưu hành tiền giả được thể hiện bằng hành vi đưa tiền giả vào sử dụng để thanh toán, trao đổi. Do đó, hành vi sử dụng tiền giả là một hành vi bị cấm của pháp luật và bất kỳ ai thực hiện hành vi này đều có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Việc sử dụng tiền giả thuộc vào hoạt động lưu hành tiền giả nên các đối tượng có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, với mức phạt tù từ 3 – 20 năm tù hoặc tù chung thân, tùy thuộc vào trị giá, tính chất, mức độ vi phạm. 

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 – 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem