Tịch thu tài sản căn cứ theo quy định nào?
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe cho biết, việc tịch thu tài sản trong xử lý vi phạm hành chính là hình thức xử phạt bổ sung.
Theo đó, việc tịch thu ngoại tệ, đồng Việt Nam và một số tài sản khác như kim cương, đá nhân tạo được thực hiện theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phân tích vào vụ việc, luật sư Hà dẫn chứng, việc ông Nguyễn Cà Rê (TP.Cần Thơ, Cần Thơ, người đem đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực) bị phạt 90 triệu đồng và tịch thu 2,26 triệu đồng Việt Nam là dựa theo điểm a, khoản 3 và khoản 8 điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối.
Luật sư Vũ Thái Hà nhận định, về mặt pháp lý, việc tịch thu tài sản là đúng quy định.
Với Công ty Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực bị phạt 295 triệu đồng, bị tịch thu 20 viên kim cương và 19.910 hột đá nhân tạo trị giá 548,664 triệu đồng được căn cứ theo điểm a, khoản 14, điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.
“Về mặt pháp lý, nếu người vi phạm hành chính có các hành vi nêu trên, việc xử phạt và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tài sản như trên là đúng quy định” – luật sư Vũ Thái Hà nêu quan điểm.
Tuy nhiên, cũng theo luật sư này, việc xử phạt một cá nhân đổi 100 USD với mức phạt 90 triệu, khi người ta có thể hoàn toàn không biết mình đang đổi tiền tại tổ chức có được phép thu đổi ngoại tệ hay không, là quá nặng và cứng nhắc.
Theo ông Hà, nên xử lý tổ chức nhận đổi ngoại tệ là phù hợp vì họ là tổ chức kinh doanh, nắm rõ các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình. Về mặt quản lý nhà nước, việc để một tổ chức chưa được phép thu đổi ngoại tệ hoạt động thì lỗi trước tiên là của chính quyền địa phương. Việc xử phạt người dân có thể xem là quá cứng nhắc và khiên cưỡng.
“Pháp luật bảo hộ quyền sở hữu tài sản của công dân. Việc tịch thu tài sản theo hình thức xử phạt bổ sung phải được pháp luật cho phép và phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Các tài sản nếu chứng minh được không liên quan tới các vụ việc vi phạm pháp luật thì sẽ không có căn cứ để cơ quan chức năng tịch thu” – luật sư Vũ Thái Hà nói.
Thu giữu kim cương, đá quý: Không đúng luật
Cũng liên quan đến sự việc này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa cho biết, không được dựa trên căn cứ hành vi vi phạm là mua, bán ngoại tệ từ đó ra quyết định khám những đồ vật vượt ra ngoài phạm vi của căn cứ xác định vi phạm hành chính và Quyết định khám hành chính.
Theo thông tin từ ông Dương Tấn Hiển - người ký hai quyết định khám xét nhà ông Lê Hồng Lực - cho biết, việc ban hành lệnh khám xét nhà do ông ký là dựa theo điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Còn chuyện công an bắt quả tang đổi 100 USD là chuyện khác, hai chuyện mang tính chất khác nhau hoàn toàn.
“Vậy rõ ràng cơ quan chức năng loại trừ hành vi mua ngoại tệ là căn cứ xác định nhà ở của ông Lê Hồng Lực có cất giấu tang vật vi phạm hành chính. Căn cứ của việc ban hành lệnh khám đó là theo đề nghị của Công an thành phố Cần Thơ số 61/ĐN-PC46 ngày 23/01/2018. Nên công khai văn bản này để xác định nội dung căn cứ nơi ở của ông Lực có tang vật vi phạm” – luật sư Lực nói.
Cũng theo Giám đốc Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa, nếu 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo ông Lực cất giữ tại phòng riêng, không có chứng cứ, lời khai thừa nhận mang số tài sản đó để kinh doanh thì không có cơ sở xác định đó là tang vật vi phạm hành chính.
Luật sư Quách Thành Lực có quan điểm ngược lại, ông cho rằng, việc khám, lập biên bản, xử phạt hành chính đối với 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo là không đúng pháp luật.
Vị này dẫn chứng, Điều 32 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu của công dân với tài sản được pháp luật bảo hộ. Công dân có thể xác lập sở hữu với tài sản thông qua nhiều trường hợp.
Việc ông Lực sở hữu tài sản cá nhân không đem ra kinh doanh thì không phải là cơ sở xác định đó là vi phạm hành chính, ông không có nghĩa vụ phải chứng minh về nguồn gốc với cơ quan Nhà nước trong trường hợp sở hữu này.
Trong Quyết định xử phạt hành chính đều thể hiện tang vật vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh như kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất hàng không công bố tiêu chuẩn.
“Theo tôi đánh giá với biên bản, quyết định xử phạt hành chính đã có cơ sở khẳng định không có căn cứ để khám nơi ở, tài sản sở hữu cá nhân ông Lực khi ông không sử dụng kinh doanh.
Thời gian lập biên bản 08 tháng sau khi xảy ra vi phạm, khám nhà riêng đối với tài sản sở hữu tư nhân, thiếu căn cứ xác định địa điểm đó chứa tang vật vi phạm thì có thể khẳng định việc khám, lập biên bản, xử phạt hành chính đối với 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo là không đúng pháp luật. Dù ông Lực không thắc mắc, nhưng cơ quan ra quyết định nếu rà soát xác định Quyết định hành chính của mình ban hành sai thì phải chủ động thu hồi hủy bỏ” – luật sư Quách Thành Lực nêu quan điểm.
Vị luật sư cũng nói thêm, việc xác lập sở hữu nhà nước đối với đồ vật có nhiều cơ sở khẳng định không phải tang vật vi phạm hành chính, sẽ gây hiểu nhầm Nhà nước xác lập sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu tư nhân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.