Gọi là "quyền im lặng" rất dễ gây hiểu lầm

Thắng Quang Thứ tư, ngày 01/04/2015 06:46 AM (GMT+7)
Ngày 31.3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể cho ý kiến về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Một trong những vấn đề lớn trong dự thảo luật còn có nhiều ý kiến khác nhau đó là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Bình luận 0

img
Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung cũng là để bảo vệ cơ quan tố tụng (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Theo ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng qua các cuộc thảo luận, báo chí chúng ta gọi là “quyền im lặng”, nhưng thế giới không gọi như vậy. Luật nhiều nước và Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền dân sự, chính trị của con người thì gọi là “quyền không buộc đưa ra lời khai chống lại mình”.

“Anh ta chỉ được im lặng, nhận tội hoặc không nhận tội, nhưng không được im lặng khi nói về tội của người khác. Anh ta im lặng khi khai về tội của mình thì đấy không phải tình tiết tăng nặng, nhưng anh ta im lặng khi khai về đồng bọn thì hoặc đó là tình tiết tăng nặng, hoặc anh ta sẽ bị truy tố thêm về tội không tố giác tội phạm. Không nên gọi đây là “quyền im lặng” để người ta hiểu nhầm bị can, bị cáo có quyền im lặng. Đây là vấn đề nhạy cảm nên chúng tôi đề nghị 2 phương án, một là bỏ, hai là ghi nhận” – ông Bình nói.

Về vấn đề ghi âm ghi hình khi hỏi cung, ông Bình góp ý: “Đây không chỉ là giải pháp chống bức cung, nhục hình mà còn là để bảo vệ các đồng chí công an. Bị can, bị cáo “tố”, nhưng ghi âm ghi hình không có. 90% các đơn đều nói bị bức cung, nhục hình nên đây cũng là giải pháp để bảo vệ các cơ quan tố tụng. Điều kiện kinh phí có cho phép hay không do Quốc hội quyết định. Đầu tư cho tư pháp đang yếu nhất so với tất cả các lĩnh vực khác”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay: Đa số ý kiến đề nghị không đưa vào luật này quyền im lặng. Luật không cấm nhưng ai cũng hiểu rằng chúng ta không khuyến khích bị can, bị cáo im lặng. Chúng ta dạy con chúng ta cũng không khuyến khích chúng im lặng. Đề nghị học nước ngoài phải học cho đúng, cho bài bản.

“Tôi hoan nghênh việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung nhưng trong điều kiện của nước ta thì mở từ từ thôi. Cấp huyện, vùng sâu vùng xa đâu phải lúc nào họ cũng ghi âm ghi hình được hết” – ông Hiện góp ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem