“Gói” sao được nắng gió cao nguyên

Thứ năm, ngày 30/08/2012 08:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày hội Tây Nguyên ở Hà Nội khai mạc lửng lơ giữa tuần nên ngày thứ hai, các gian trưng bày đều thênh thang vắng khách. Rộng mà lại hóa chật, vì trong không gian trưng bày hình hộp, làm sao tìm thấy cao nguyên.
Bình luận 0

Em vẫn là hoa pơlang

Trước cuộc tọa đàm “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên” sáng 29.8 ở Hà Nội là chương trình biểu diễn ca múa nhạc chào mừng của các đoàn nghệ nhân dân gian đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên.

img
Những cô gái Ba Na xinh đẹp đến từ làng Pleitoghia (Kon Tum).

Ấn tượng nhất với quan khách là tiết mục của đoàn Kon Tum với hơn 10 thiếu nữ trẻ măng, xinh đẹp, có em tóc nhuộm nâu, nhưng cái tay các em múa vẫn dẻo, chân vẫn đi đúng nhịp chiêng. Sau tiết mục của đoàn Kon Tum là đến tỉnh Lâm Đồng với đoàn nghệ nhân Churu, đi đầu tiên là một em gái tóc nhuộm vàng rực.

Ở dưới quan khách xì xào, ôi, người dân tộc bây giờ nhuộm tóc màu chóe thế á, nhưng chỉ ngạc nhiên chút thôi, rồi họ lại tiếp tục bị cuốn vào vẻ hồn nhiên, mắt lại hút theo những bàn tay mềm mại mô tả điệu trỉa lúa trên nương, bắt cá dưới suối mà các em đang diễn.

Touneh Nai Rem- cô gái 21 tuổi dân tộc Churu có mái tóc nhuộm vàng ngượng nghịu khi chúng tôi hỏi thăm, ở quê em có nhiều bạn trẻ nhuộm tóc thế này không, cô cười: “Em ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Lớp trẻ chúng em cũng không nhiều người nhuộm tóc thế này đâu. Em học múa từ năm lên 5 tuổi, ở thôn em, các bạn cũng yêu thích những điệu múa của dân tộc mình lắm, người nào không biết thì phải học”.

Cũng như vậy, nhóm các cô gái Ba Na trẻ đến từ làng Pleitoghia (Kon Tum) tâm sự: “Ở quê chúng em nếu bạn nào hết tuổi đi học mà không vào được đại học thì ở nhà trồng mì, trồng cao su, con gái, con trai thường được dạy múa, dạy hát để tham gia vào những dịp lễ lớn của người Ba Na như mừng nhà rông mới, mừng lúa mới”.

Tôi hỏi Yhles - năm nay 17 tuổi, rằng lớp trẻ như em liệu có còn thích các điệu múa của dân tộc mình, cô bé xinh đẹp gật đầu, có chứ, nhà em có 8 người con, 6 chị em gái ai cũng thích học múa, nếu có hội mà không vào múa được thì buồn lắm.

Nhìn lứa nghệ nhân trẻ này, tôi chợt thấy có thêm niềm tin cho văn hóa Tây Nguyên, tóc các em nhuộm nâu, nhuộm vàng thật đấy nhưng suy cho cùng thì cũng có sao, thanh niên thành phố được quyền làm đẹp, các em cũng vậy chứ, nhưng trong tim các em vẫn còn chỗ cho điệu múa, lời hát của dân tộc mình mới là điều quan trọng.

Đừng đổ lỗi cho ai

Chương trình tọa đàm kéo dài hết buổi sáng trong một không khí ảm đạm và tẻ nhạt, lần lượt lãnh đạo các sở VHTTDL 5 tỉnh Tây Nguyên lên đọc các tham luận mà kỳ cuộc nào cũng thấy nhàm chán na ná như nhau nên phát biểu của nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm và nghệ nhân Yke Brah đến từ Đăk Lăk lóe lên như những điểm hấp dẫn hiếm hoi.

Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm tha thiết lên tiếng: “Xin các cán bộ quản lý văn hóa đừng trổ tài đạo diễn để “sân khấu hóa” văn hóa Tây Nguyên. Là người dân tộc tôi hiểu rõ, không phải cái gì cũng mang lên sân khấu trình diễn được. Có nghệ nhân nói với tôi, người ta mang một cái ché rỗng lên sân khấu, cắm cột nêu vào, bảo các cụ cúng Giàng đi. Có ai đi cúng Giàng trên sân khấu như thế bao giờ mà phải cúng ngoài trời, bên đống lửa, làm thế này thì Giàng giận, Giàng phạt cho”.

Nghệ nhân Yke Bra, da nâu, tóc quăn, đứng phát biểu mà hai bàn tay cứ vo vo vào nhau vì ông không trình bày bằng tham luận. Ông nói từ cái bụng mình: “Nếu bản sắc văn hóa của người Tây Nguyên mất đi thì chúng ta đừng nên đổ thừa cho ai mà phải tự trách chính mình, vì mình là người đầu tiên phải có trách nhiệm giữ gìn nó, người dân tộc khác dù có giỏi cũng không thể làm thay.

“Những tiết mục trình tấu của người Tây Nguyên bao giờ cũng đi ngược chiều kim đồng hồ, nhưng các đạo diễn không hiểu điều đó, cứ bắt các nghệ nhân đi thuận chiều, thế là chiêng một nhịp, trống một nơi, cứ loạn hết cả lên. Những chi tiết như vậy chứng tỏ người tổ chức không hiểu gì về văn hóa”.

Nhưng tôi muốn các cơ quan chức năng phải làm việc với các nghệ nhân một cách chặt chẽ hơn, ví dụ phòng văn hóa bảo với nghệ nhân, tháng này ông đào tạo cho phòng một đội cồng chiêng chất lượng nhé, làm việc có hợp đồng, có trả lương thì mới có trách nhiệm với nhau, chứ đừng nói mồm. Hơn nữa, đi biểu diễn, nghệ nhân giỏi thì thù lao phải khác, ai cũng phát cho 100.000 đồng, kể cả các người diễn chính và người diễn đệm, thế là không đúng đâu”.

Nhìn không gian chật chội ở Vân Hồ, chợt thấy tiếc cho “Những ngày văn hóa Tây Nguyên” tại Hà Nội, vì cái không khí khoáng đạt của cao nguyên hầu như không còn nữa, ở Triển lãm Vân Hồ, chỉ duy nhất sân khấu trung tâm là được làm ngoài trời, còn lại mỗi tỉnh được “phát” cho một gian trưng bày như cái hộp kín mít, gói làm sao cho hết nắng và gió cao nguyên.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem