Một huyện của tỉnh Thái Bình có 265 hộ tích tụ đất sản xuất lớn, hộ nhiều có tới 10ha
Một huyện của tỉnh Thái Bình có 265 hộ tích tụ đất sản xuất lớn, hộ nhiều có tới 10ha
Thứ ba, ngày 05/09/2023 16:31 PM (GMT+7)
Với quan điểm không để tài nguyên đất đai bị lãng phí, thời gian qua, với những cơ chế hỗ trợ kịp thời, nhiều nông dân của huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã tập trung tích tụ ruộng đất, mạnh dạn đầu tư máy móc để hiện thực hóa khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nông dân Quỳnh Phụ, Thái Bình biến “tấc đất” thành “tấc vàng”
Gia đình anh Nguyễn Viết Kha, thôn Minh Đức là một trong những hộ đi đầu trong tích tụ ruộng đất của xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Năm 2015, nhận thấy địa phương có nhiều diện tích đất của bà con bỏ không, gia đình anh đã thuê lại để quy hoạch thành những vùng sản xuất lúa tập trung, mạnh dạn mua sắm máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Anh Kha tâm sự: Nhìn những mảnh ruộng của người dân ngay trên mảnh đất quê hương bỏ không, tôi thấy tiếc lắm. Không phải họ không biết làm mà do việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều gia đình có những thửa ruộng chỉ có 1 - 2 sào, rồi cấy nhiều giống lúa nên việc gieo cấy, chăm sóc gặp rất nhiều khó khăn.
Khi được địa phương tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất của bà con xã viên, tôi đầu tư theo quy trình khép kín từ mua máy làm đất, máy cày, bừa, máy cấy và máy gặt để vừa phục vụ cho gia đình vừa gặt thuê cho bà con địa phương. Từ vài sào ruộng của gia đình đến nay tôi đã tích tụ được hơn 10ha.
Cũng theo anh Kha, việc tích tụ ruộng đất không chỉ tận dụng được diện tích bỏ hoang, hạn chế chuột phá hoại, nâng cao năng suất, hạn chế chi phí sản xuất mà mở ra cơ hội trong sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi cung ứng liên kết từ nhà nông, nhà khoa học đến doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Như vụ lúa xuân năm 2023, gia đình anh chủ yếu cấy giống lúa nếp Nhật được HTX ký kết với đơn vị thu mua với giá 7.000 đồng/kg thóc tươi. Với hơn 10ha, trừ chi phí một năm mang lại cho gia đình anh trên 200 triệu đồng.
Tại Quỳnh Phụ, việc tích tụ ruộng đất không chỉ tập trung để sản xuất lúa, với sự năng động, sáng tạo, người dân còn chuyển sang trồng cây màu hay quy hoạch trang trại chăn nuôi.
Chị Phạm Thị Họa, thôn Bương Hạ Tây, xã Quỳnh Ngọc là người mạnh dạn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Năm 2013, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi diện tích đất hoang hóa, canh tác kém hiệu quả sang xây dựng trang trại, gia trại tập trung, chị mạnh dạn thuê 3 mẫu ruộng bỏ hoang của gần 20 hộ dân trong thôn để canh tác. Được các đoàn thể của địa phương hỗ trợ về kỹ thuật thông qua các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chị trồng ổi, bưởi, thanh long kết hợp với một số cây trồng ngắn ngày như đỗ, đậu tương, ớt...
Sau một vài năm canh tác, thấy việc trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, năm 2016 chị đã mạnh dạn thuê thêm 7 mẫu từ những diện tích cấy lúa kém hiệu quả của các hộ dân để mở rộng quy mô sản xuất, tập trung trồng cây ăn quả.
Đến nay, sau 10 năm tích tụ, vùng quy hoạch tập trung cây ăn quả của chị cho giá trị kinh tế cao, bình quân mỗi năm trừ chi phí và thuê nhân công mang lại nguồn thu trên 200 triệu đồng.
Đồng hành cùng nông dân
Tích tụ, tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi phù hợp trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cùng với các địa phương trong tỉnh, Quỳnh Phụ đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó ban hành cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh việc tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Sau khi có Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, huyện Quỳnh Phụ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp, bước đầu có nhiều khởi sắc.
Đến nay, toàn huyện đã có 265 hộ tích tụ 1.520ha (tăng 169 hộ và 1.227,14ha) so với năm 2019 (khi chưa có Nghị quyết số 29), quy mô tích tụ mỗi hộ từ 2ha trở lên, trong đó có 25 hộ thuê với quy mô từ 10ha trở lên để cấy lúa, trồng cây dược liệu và cây rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,2 - 2 lần so với sản xuất nhỏ lẻ thông thường.
Trong sản xuất nông nghiệp của huyện đã xuất hiện một số mô hình đem lại hiệu quả cao, bền vững như: mô hình cánh đồng liên kết sản xuất lúa Nhật ở xã Quỳnh Thọ với quy mô trên 40ha; mô hình cánh đồng không bờ cấy lúa TBR225 ở các xã: An Tràng, Quỳnh Thọ, Quỳnh Trang, Quỳnh Ngọc với quy mô từ 40 - 50ha; mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm tại xã An Mỹ với quy mô gần 200ha...
Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 29 về hỗ trợ mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp, toàn huyện hiện có trên 200 máy cấy, hàng trăm máy làm đất, máy gặt... Nhiều hộ tích tụ ruộng đất đã đầu tư máy móc theo quy trình khép kín từ khâu cấy đến thu hoạch và sấy sản phẩm.
Ông Ngô Doãn Đô, Giám đốc HTX DVNN Quỳnh Thọ khẳng định: Tích tụ ruộng đất là xu hướng chung của các địa phương hiện nay. Tại Quỳnh Thọ, trong tổng số 268ha lúa xuân năm nay, số diện tích tích tụ ruộng đất lên đến 170ha của 25 hộ theo quy mô từ 2 - 30ha. Hiện nay, việc tích tụ chủ yếu áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất giúp tăng năng suất lao động, tăng hiệu suất sử dụng đất trồng trọt, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế từ 20 - 30%, tiến tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, bền vững, góp phần nâng cao đời sống của nông dân.
Thời gian tới, để nông dân tiếp tục gắn bó với đồng ruộng, theo ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ, huyện tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch diện tích đất sản xuất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch vùng huyện; phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung, phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các nông sản đặc trưng để khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương.
Cùng với đó, phát triển, nhân rộng mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; mô hình sản xuất nâng cao giá trị lúa gạo; mô hình xóa bỏ bờ ngăn, từng bước bỏ bờ thửa với diện tích từ 50ha trở lên để tăng quy mô đồng ruộng, tiết kiệm đất, gieo cấy cùng một loại giống, áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác và cơ giới hóa các khâu trong sản xuất.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển đổi số, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, phòng, trừ sâu bệnh... và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.