Góp sức xây dựng thủ đô giàu đẹp

Thứ tư, ngày 10/10/2012 10:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kỷ niệm 58 năm Ngày Giải phóng thủ đô, TP. Hà Nội vinh danh 10 công dân ưu tú đã góp phần xây dựng thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn. NTNN xin giới thiệu 3 trong số 10 gương mặt ưu tú...
Bình luận 0

Đau đáu với hồ Gươm

Cái tên PGS - TS Hà Đình Đức - người có những công trình nghiên cứu đặc biệt về “cụ rùa” hồ Gươm đã nổi danh cả nước và quốc tế.

img
 

Trò chuyện với ông đúng dịp được TP.Hà Nội vinh danh là Công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2012, ông không giấu được niềm vui và hạnh phúc khi những nỗ lực trong suốt 20 năm nghiên cứu, cống hiến cho Hà Nội đã được công nhận.

Ông kể về những ngày đầu bắt tay vào công trình này, nhiều người cho ông là gàn dở, một số người còn cản trở công việc của ông. Nhưng sau đó, ông mừng vì dần dần mọi người đều hiểu những việc ông làm và bắt đầu ủng hộ ông.

“Năm 1992, khi Sở Giao thông công chính đề xuất việc hút bùn nạo vét hồ Gươm và bơm nước sông Hồng vào, lúc đó chỉ mình tôi lên tiếng cực lực phản đối. Nếu nạo vét hồ Gươm vô tình sẽ làm hỏng môi trường sinh thái, giết chết đàn rùa quý. Tôi đã làm tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ, sau đó Hội Khoa học lịch sử cũng có công văn đề nghị, cuối cùng thì việc nạo vét cũng được dừng lại.

Năm 1999, Hà Nội cho phép xây dựng khách sạn Hà Nội vàng với quy mô lớn ngay khu di tích tưởng niệm Vua Lê, tôi cũng lên tiếng phản đối. Sau đó, Hội Khoa học lịch sử và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tham gia, đến năm 2001 công trình này cũng chính thức dừng lại” – ông Đức kể.

Giờ, điều trăn trở nhất của ông là làm thế nào để rùa hồ Gươm có một cái tên riêng. “Rùa ở đây bị gọi là con Giải Thượng Hải, chưa có một tên riêng đặc thù cho sự thiêng liêng và ý nghĩa lịch sử của nó mang lại cho Hà Nội” – ông Đức trăn trở.

Giữ “lửa” cho làng nghề

Không được nhiều người biết đến, nhưng doanh nhân Hà Thị Vinh vẫn âm thầm cống hiến cho thủ đô văn hiến bằng chính ngọn lửa đam mê với nghề gốm truyền thống của làng quê Bát Tràng – nơi bà sinh ra và lớn lên.

img
 

Bà Vinh đến với gốm từ khi là nhân viên phụ trách xuất nhập khẩu của Công ty Gốm sứ Bát Tràng. Sau đó, bà thành lập Công ty cổ phần Gốm sứ Quang Vinh. Bằng công nghệ sản xuất tiên tiến và qua những đôi tay nghệ nhân tài hoa, “hòn đất sét” Bát Tràng đã trở thành những bảo vật ngự trị tại các sảnh, phòng khách sang trọng trên khắp năm châu. Bà Vinh tâm sự: Những ngày đầu tìm thị trường cho gốm, tôi đã gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là phải thay đổi tư duy “bán cái họ cần” chứ không phải “bán cái ta có”.

Sau 23 năm hoạt động dưới sự điều hành của bà Vinh, Công ty Gốm sứ Quang Vinh đã lớn mạnh với đội ngũ 400 công nhân tay nghề cao, mỗi năm xuất khẩu hàng nghìn container sản phẩm, thu về cho đất nước hàng triệu USD.

Ở cái tuổi xấp xỉ lục tuần, bà Vinh vẫn còn nhiều điều trăn trở với gốm: “Gốm sứ Bát Tràng là một thế mạnh của Hà Nội, vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa tích hợp văn hoá, lịch sử và du lịch. Tuy nhiên, làng nghề truyền thống vẫn chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức”. Bà cũng mong muốn thành phố sẽ coi đây là một nền kinh tế mũi nhọn để kêu gọi đầu tư và phát triển cho thủ đô.

Lão nông có bàn tay “vàng”

Với bà con thôn Bãi, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai), việc ông Lê Đức Giáp- người con của quê hương họ- được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú là hoàn toàn xứng đáng.

img
 

Sắp bước sang tuổi 60, nhưng hàng ngày ông Giáp vẫn quần mình chăm bón 1 mẫu ruộng cam, quýt. Đây là thành quả của mấy chục năm nghiên cứu, trồng trọt của ông. Xưa, người dân xã ông sống chủ yếu nhờ nghề làm pháo. Đến năm 1993, Nhà nước cấm pháo, ông chuyển sang đi buôn hoa quả rồi lạc vào đất Văn Giang (Hưng Yên) - lúc đó là cả một vùng cam, quýt. Thế là ông quyết định học nghề trồng cam ở đây. “Họ bảo gì tôi làm nấy, tôi tranh thủ học mót tất cả những kiến thức mà người ta dạy. Sau này tự tin với nghề, tôi quyết định mua cây giống về trồng”- ông kể.

Năm 2000, ông Giáp bỏ ra 40 triệu đồng trồng cam, cuối năm đó ông thu lại 70 triệu đồng. Thế nhưng diện tích sản xuất ít quá, ông liền đi đến các hộ trong xã thuê lại đất. Từ 3 sào ruộng, chỉ trong vòng 1 năm, ông đã nâng diện tích này lên 1 mẫu. Nhiều người cùng có chí hướng như ông cũng mạnh dạn mở rộng diện tích, xóa lúa trồng cam, quýt. Bà con bàn nhau dồn điền đổi thửa để làm, ông được bầu làm hội trưởng của 6 thôn.

Từ nghề trồng cam ăn quả, ông phát triển thành trồng cam, quýt cảnh với cách làm hết sức sáng tạo. Hiện nay, mỗi năm ông Giáp thu nhập trung bình khoảng 700 triệu đồng. Trong vườn nhà ông không chỉ có cam, quýt, mà còn có phật thủ, cam Ma Lai, bưởi Diễn, chanh đào... Ông có thể cắt 7 loại quả khác nhau ghép lên thân cây bưởi. Các loại cây ghép trong vườn nhà ông gần đến tết đều được đặt hàng mua trước, có cây giá cả chục triệu đồng.

Tuy rất bận rộn nhưng hàng tuần ông vẫn tới một số vùng như Hòa Bình, Hải Dương, Bắc Giang... hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.

Lễ vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012 đã được tổ chức tối 8.10. Ngoài 3 nhân vật tiêu biểu nói trên còn có 7 cá nhân: Nhạc sĩ Hoàng Vân, thượng tá Lê Đức Đoàn (Đội CSGT số 1, Công an Hà Nội); bà Nguyễn Thị Hiền -Tổ trưởng Công đoàn mương 1, Xí nghiệp Thoát nước số 1, Công ty Thoát nước Hà Nội; ông Phạm Lợi - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố; GS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tài Thu; bà Tạ Ngọc Thuý (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm); bà Nguyễn Thị Vui - Chủ nhiệm HTX Sơn khảm Ngọ Hạ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên).
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem