Góp ý Luật Đất đai 2003 (sửa đổi): “Cần có 80% ý kiến đồng thuận”

Thứ năm, ngày 29/08/2013 09:28 AM (GMT+7)
Sau khi đăng tải loạt phóng sự "Lụn bên dòng vàng trắng", Báo NTNN nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và góp ý của bạn đọc liên quan đến sửa đổi quy định của Luật Đất đai (sửa đổi).
Bình luận 0
NTNN xin trích đăng 3 ý kiến tiêu biểu từ tỉnh Phú Yên:

Ông Ksor Y Tôn - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bá, huyện Sông Hinh:


Trước khi thu hồi đất, chính quyền địa phương cần phải hỏi ý kiến cụ thể người dân trong vùng. Khi nào 80% số người đồng ý, lúc đó mới tiến hành các bước tiếp theo. Điển hình cho việc không hỏi ý kiến dân là Khu tái định buôn Chao (xã Ea Bá) được xây dựng bề thế nhưng người dân không đến ở. Bởi địa điểm tái định cư không thuận lòng bà con, đi lại khó khăn, thiếu đất sản xuất. Bản thân tôi là một đảng viên, cán bộ lãnh đạo xã nhưng cũng đã phải đi nơi khác ở, không thể sinh sống ở Khu tái định cư buôn Chao! Hầu hết người dân di dời để nhường đất làm Thủy điện Sông Ba Hạ, đều lụn bại trong đời sống kinh tế, do bị xáo trộn cuộc sống và việc hỗ trợ đền bù sơ sài của chủ đầu tư và chính quyền. Ai sẽ chịu trách nhiệm về điều này?

Việc thu hồi đất cần có ý kiến của nông dân.
Việc thu hồi đất cần có ý kiến của nông dân.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan (56 tuổi, ở phường 9, TP.Tuy Hòa):

Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần phải lấy ý kiến của những người bị thu hồi đất và cả những người sử dụng đất trên địa bàn có đất bị thu hồi. Bởi đối với người Việt Nam, mỗi khi thay đổi địa điểm sống là một điều rất hệ trọng, ảnh hưởng đến cả dòng tộc, cộng đồng dân cư.

Còn về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo tôi phải được ít nhất 80% ý kiến người dân đồng thuận. Đây là điều cần thiết để tạo sự minh bạch, dân chủ đối với người dân trong khu vực. Không có cuộc thu hồi đất, tái định cư nào mà không râm ran bất bình, kiện tụng, nhất là thu hồi đất để phục vụ cho dự án của các doanh nghiệp. Mọi việc chỉ được "phổ biến" sơ sài, nhà đầu tư luôn "cầm cán". Khi người dân có ý kiến thì được chính quyền trả lời thiếu thuyết phục: "Đây là chủ trương của Nhà nước, mức đền bù hỗ trợ này theo quy định". Người dân phải có quyền tự quyết trên tài sản là đất đai của mình.


Ông Nay Hờ Uy (47 tuổi, ở buôn Học, xã K'rông Pa, huyện Sơn Hòa):


Muốn thu hồi đất của dân, nhà đầu tư và chính quyền bắt buộc phải hỏi ý kiến bà con (người bị thu hồi đất và cả người sống trong vùng ảnh hưởng); theo tôi phải trên 80% số người được hỏi đồng ý thì lúc đó mới có quyền lên phương án thu hồi đất. Bên lấy đất phải cung cấp cho dân đầy đủ thông tin về mức giá đền bù, hỗ trợ tái định cư; khi nào các thông tin công khai, được bà con bàn bạc kỹ thì mới bắt đầu áp giá, xây khu tái định cư. Việc thu hồi đất, bố trí tái định cư không chỉ giải quyết bằng tiền, mà phải tạo điều kiện cho dân ổn định đời sống làm ăn, chứ như bà con buôn Học này, sau 5 năm nhường đất cho Thủy điện Sông Ba Hạ, đời sống cứ ngày càng đi xuống. Lý do là chủ đầu tư và chính quyền đã thất hứa với bà con, không cung cấp tương ứng đất sản xuất, điều kiện canh tác. Nhiều hộ trước khi tái định cư thuộc loại giàu có, bây giờ phải đi làm thuê từng ngày, trong lúc tiền đền bù thì đã cất nhà và tiêu sạch.
Hùng Phiên (Hùng Phiên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem