GS.TS Trương Quốc Bình: Kinh doanh tâm linh thiếu kiểm soát đang thành vấn nạn

Hà Thúy Phương Thứ ba, ngày 19/02/2019 19:32 PM (GMT+7)
GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL nói về những biến tướng mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh hiện nay.
Bình luận 0

Đi lễ đầu năm, đi vãn cảnh chùa đầu xuân là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam từ trước đến nay để hướng đến chân thiện mĩ. Nhưng hiện nay nhiều nơi lợi dụng tâm linh, thúc đẩy mê tín dị đoan để thu lời. Giáo sư nghĩ sao về vấn đề này?

- Hiện nay, dường như cả xã hội đang mê muội như lên đồng với tâm lý đám đông, kéo theo cả một cộng đồng lớn đi theo những cái bị mê hoặc một cách không có căn cứ. Rõ ràng là trong vài thập kỷ gần đây, sự mê muội trong những hoạt động tâm linh ngày càng trở nên nặng nề. Nếu đặt đúng tên cho vấn đề thì đó chính là kinh tế tâm linh.

img

GS.TS Trương Quốc Bình - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Khá nhiều lễ hội mời lãnh đạo về dự để quảng bá cho tính chính thống và sự thu hút. Một trong những ví dụ điển hình là việc khai ấn đền Trần. Ngày xưa làm gì có việc đó, đây không phải ấn của nhà vua mà là của nhà đền. Các chuyên gia lịch sử, ấn chương cùng các nhà văn hóa dân gian đã xác định, chiếc ấn dùng trong lễ khai ấn đền Trần hiện nay không liên quan gì đến triều chính mà chỉ là chiếc ấn bình thường của phủ đền xưa, làm bằng gỗ. Do vậy, ấn không mang lại lợi lộc trong thăng quan tiến chức như nhiều người lầm tưởng.

img

Mỗi tờ ấn đền Trần này giá 100.000 đồng, đã được chuẩn bị từ trước để phát cho người đến xin

Tỉnh Nam Định bắt đầu có một nguồn lợi lớn thu hút khách đến từ đó đến giờ đã được gần 20 năm. Vào khoảng cuối những năm 1980, người ta đã thổi tính thiêng vào để mọi người hiểu theo ý nghĩa khai ấn là thăng quan tiến chức và lũ lượt kéo đến xin, thực chất là mua ấn. Đây rõ ràng là kinh doanh tâm linh. Lễ hội tại một đền miếu nhưng lại phải dựng các hàng rào ống thép để phân luồng cho khách, chống lại sự chen lấn, xô đẩy, phải huy động hàng nghìn cảnh sát, an ninh để bảo vệ, thế là cảnh sát hóa lễ hội rồi. Bảo các tờ ấn là thiêng nhưng thực ra đã được làm từ trước Tết rồi, hàng chục nghìn cái được để sẵn. Khoảng năm 2011-2012, trước  sức ép của công luận, địa phương đã thay đổi thời gian phát ấn vào buổi sáng rằm tháng giêng chứ không làm vào giờ Tý là lúc nửa đêm ngày 14, nhưng về cơ bản, tính thương mại của việc phát ấn vẫn không thay đổi.

Điều buồn cười là nếu ấn tượng trưng cho việc thăng quan tiến chức thì mấy người buôn bán ở chợ Đồng Xuân lấy làm gì? Rất vô lý nhưng người ta vẫn cứ tin. Ai không đến được thì gửi tiền nhờ người lấy, mỗi tờ ấn là 100.000 đồng, gửi gắm nhờ mua từ tận Sài Gòn. Vậy thì nguồn thu khủng khiếp đến như thế nào?

img

Những người không đến xin được ấn đền Trần thì đã có dịch vụ chuyển phát nhanh

Hiện nay cũng có rất nhiều khu tâm linh được xây dựng với quy mô rất lớn, hoành tráng, nhưng chùa chỉ chiếm một phần diện tích, còn kèm theo đó là các khu đón tiếp, khách sạn, thậm chí cả casino... Điều này có gì khác thường, thưa giáo sư?

- Vấn đề xây dựng các công trình tâm linh, mở đầu là chùa Bái Đính với quy mô rất đồ sộ, sau đó đầu tư xong cái gì đi vào hoạt động thì đưa lên thành kỷ lục: chuông lớn nhất Việt Nam, chùa lớn nhất Việt Nam… Sau Bái Đính thì đến dự án Khu tâm linh Hồ Núi Cốc, Thái Nguyên với tổng dự toán hàng nghìn tỷ. Rồi gần đây là chùa Hương mở rộng xây tháp thứ bao nhiêu, rồi đến chùa Tam Chúc được cho là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á và thế giới cũng hàng nghìn tỷ.

Việc xây dựng các khu chùa đồ sộ như thế là chưa từng có trong lịch sử phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Từ thời Lý, Trần đến thời Nguyễn, chúng ta không có các chùa với quy mô hàng hécta, kỷ lục nọ kia như thế. Các ngôi chùa của ta là các công trình tôn giáo, tín ngưỡng hòa nhập với thiên nhiên, là bao gồm sông, núi, đất đai và con người ở trong công trình đó, với cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên chứ không phải ở trước một thứ đồ sộ và cảm thấy mình thật nhỏ bé.

img

Việc xây dựng các khu chùa đồ sộ là chưa từng có trong lịch sử phát triển của Phật giáo ở Việt Nam

Theo giáo sư, nguyên nhân nào khiến người ta làm vậy?

- Nguyên nhân của việc này là khủng hoảng niềm tin. Trong số những người đi thờ cúng, cổ vũ xây dựng những cơ sở tôn giáo, cấp đất cho chùa, duyệt dự án có cả các lãnh đạo. Tôi kiến nghị các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải xem lại việc cho phép và ủng hộ những dự án này.

img

Siêu chùa Tam Chúc sẽ là ngôi chùa lớn nhất thế giới

Hiện nay các cơ quan quản lý văn hóa dường như chỉ tập trung nhiều vào quản lý di tích, ít chú ý đến các hoạt động diễn ra bên trong nhà chùa, dẫn đến nhiều hoạt động vượt ra khỏi khuôn khổ của tự do tín ngưỡng, bị lợi dụng để trục lợi bất chính? Giáo sư có suy nghĩ gì về việc này?

- Hiện chúng ta đang khuyến khích mô hình hợp tác công tư, nhưng nhiều nơi đang có vấn đề. Nhà nước đầu tư làm đường, đầu tư đủ thứ nhưng không được gì cả, mà lẽ ra nguồn thu đó phải được đưa vào công ích xã hội. Tài nguyên danh lam thắng cảnh là tài nguyên của quốc gia nhưng dân sử dụng lại bị thu tiền. Thăm thắng cảnh Hạ Long phải trả không ít tiền. Vào chùa Hương phải trả 80.000 đồng, khu di tích Huế mỗi điểm tham quan 50.000, vào công viên, vào chùa cũng phải trả tiền. Tây Yên Tử ở Bắc Giang, lên cáp treo xong sang chùa Đồng lại mất vé 40.000. Hà cớ gì tất cả những nơi là tài sản quốc gia, tài nguyên du lịch mà người ta mang ra bán vé? Cho đến những năm gần đây không có một đơn vị nào báo cáo doanh thu bao nhiêu từ những nguồn thu vào di tích danh làm thắng cảnh, ngoài khu di tích Bà chúa xứ An Giang. Đền Trần không nói, Bà Chúa kho bao nhiêu không nói. Kinh doanh có nguồn thu nhưng không ai biết là bao nhiêu.

Tôi thấy rất buồn với việc thu tiền ở Yên Tử. Trên địa phận Bắc Giang thì không thu vé thắng cảnh, nhưng sang đến chùa Đồng thì Quảng Ninh chặn lại thu. Báo chí thắc mắc thì họ bảo đấy là tỉnh quyết định bán vé thu tiền. Hỏi Bộ Văn hóa thì Bộ nói chỉ quản lý về bảo tồn di tích, còn việc thu vé vào cửa là thẩm quyền của các tỉnh. Chuyện đó không đâu vào đâu, cho thấy đang có vấn đề trong việc quản lý các khu di tích tâm linh.

GS.TS Trương Quốc Bình từng tham gia soạn thảo Luật Di sản văn hóa, tham gia và chủ trì việc xây dựng, bảo vệ hồ sơ đưa các di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam là Huế, Hạ Long, Mỹ Sơn, Hội An và Phong Nha - Kẻ Bàng vào Danh sách Di sản thế giới.

Để hạn chế những biến tướng, thay đổi tình trạng này, theo giáo sư cần làm gì?

- Do những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường, kinh doanh tâm linh thiếu sự kiểm soát đã và đang trở thành vấn nạn ở Việt Nam hiện nay, vì nó thu hút được rất đông đảo lực lượng tham gia và là đối tượng cho người ta khai thác, cũng chỉ bởi tâm lý đám đông mà không hiểu rõ. Có nhiều người cứ mải miết đi lễ nhưng không biết đến chỗ đó là thờ ai, thế nào là thờ Phật, Thiên Chúa giáo, Đạo giáo là gì, không hiểu và làm không chuẩn với văn hóa truyền thống, có những ứng xử không phù hợp và người ta đang bị lợi dụng mà không hề biết.

Để cải thiện và thay đổi được tình trạng này theo tôi, ngoài sự thay đổi các hoạt động quản lý nhà nước, cần phải đi từ gốc, phải giáo dục, giác ngộ cho mọi tầng lớp xã hội thậm chí từ bậc học đường, để mọi người hiểu và không làm những điều mê muội nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem