Hà Giang: Người Lô Lô ở Lũng Cú đắp nhà đất, "rủ" khách về cuốc đất trồng rau, nấu món bốc khói, ai cũng mê

Trần Quang Thứ tư, ngày 17/03/2021 08:25 AM (GMT+7)
Hàng chục hộ dân ở bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) mạnh dạn đầu tư làm nhà đất (nhà trình tường), phục dựng các phong tục, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình để đón khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm. Nhờ thế mà nhiều hộ có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Bình luận 0
Người Lô Lô dưới chăn núi Rồng làm nhà đất, đón khách xa đến hưởng dịch vụ "tự làm" mà kiếm gần trăm triệu đồng/năm - Ảnh 1.

Nhà vườn của gia đình anh Sình Dỉ Gai - Trưởng thôn kiêm Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Lô Lô Chải đẹp như một bức tranh.

Người Lô Lô phất lên nhờ làm du lịch

Đầu năm mới 2021, đến xông đất miền biên ải, vượt qua những con đường uốn lượn như dải lụa được vẽ trên đá, hai bên đường hoa cải đua nở, chúng tôi lên Lô Lô Chải, nơi sinh sống của đồng bào Lô Lô, một trong những dân tộc thiểu số rất ít người của nước ta. Bản có hơn 100 hộ, trong đó có 10 hộ đồng bào Mông, còn lại là người Lô Lô.

Nằm nép mình dưới chân núi Rồng, bên cột cờ quốc gia Lũng Cú (Ðồng Văn, Hà Giang), bản Lô Lô Chải đẹp như một bức tranh giữa miền sơn cước. Từ các mái ngói âm dương, những bức tường đá rêu phong... tất cả tạo cho Lô Lô Chải một vẻ đẹp cổ kính, đơn sơ, mộc mạc.

Cuộc sống của người dân Lô Lô Chải trước đây chỉ dựa vào một vụ lúa nương, một vụ ngô trên núi đá. Năm nào mất mùa có khi phải ăn mèn mén thay cơm. Nơi này được thay đổi nhanh chóng từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu vào năm 2010; đến năm 2011 các tổ chức đến thôn hỗ trợ người dân làm nhà truyền thống và phát triển du lịch.

Người Lô Lô dưới chăn núi Rồng làm nhà đất, đón khách xa đến hưởng dịch vụ "tự làm" mà kiếm gần trăm triệu đồng/năm - Ảnh 2.

Con đường chính dẫn vào trung tâm thôn. Ba năm gần đây, được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, Lô Lô Chải trở thành thôn văn hóa du lịch cộng đồng với những homestay đậm chất cao nguyên đá Đồng Văn.

Là người đi đầu làm du lịch cộng đồng (homestay) ở Lô Lô Chải, anh Sình Dỉ Gai - Trưởng thôn kiêm Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Lô Lô Chải cho biết, so với công việc làm nương thì nghề làm du lịch nhẹ nhàng và thu nhập cao hơn rất nhiều.

Cơ duyên đưa anh đến với nghề làm dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch là từ năm 2014. Năm đó anh được một du khách người Nhật Bản truyền cảm hứng và hỗ trợ, hướng dẫn anh làm nghề và giờ anh đã có thu nhập cao từ công việc mới này.

Thấy nhà anh Gai làm homestay cho thu nhập cao lên đến gần 100 triệu đồng/năm, nhiều hộ khác trong thôn cũng học tập làm theo. Tính trung bình mỗi tháng thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Lô Lô Chải đón hơn hàng nghìn lượt khách lưu trú; nhất là vào mùa hoa tam giác mạch, nơi đây gần như “cháy” phòng.

Đưa chúng tôi vào nhà văn hóa khang trang được xây dựng ngay đầu làng với hai dãy nhà kiên cố. Một dãy được bố trí các phòng ngủ có hướng nhìn ra cột cờ Lũng Cú; dãy còn lại là hội trường, nơi sinh hoạt văn hóa của người dân trong thôn. Khoảng sân ở giữa là nơi tổ chức lửa trại, giao lưu văn nghệ của người dân và du khách...

Anh Gai cho biết thêm, thôn Lô Lô Chải hiện có 22 gia đình kinh doanh dịch vụ homestay. Mỗi căn nhà homestay đều được bố trí theo phong cách truyền thống, hệ thống nhà vệ sinh, bàn uống nước, không gian sinh hoạt chung được bố trí rộng rãi, hợp vệ sinh. Các hiện vật cổ của người Lô Lô cũng được trưng bày tại nhà.

Người Lô Lô dưới chăn núi Rồng làm nhà đất, đón khách xa đến hưởng dịch vụ "tự làm" mà kiếm gần trăm triệu đồng/năm - Ảnh 3.

Các homestay được thiết kế, sang sửa lại từ chính nền tảng sẵn có của những ngôi nhà cổ của người Lô Lô: từ vách, tường theo kiến trúc trình tường đắp đất, đến mái âm dương xưa cũ, tường rào đá.

Cùng với các hộ khác trong thôn, giờ đây, nhà anh Gai đã trở thành địa chỉ homestay có tiếng được nhiều du khách xa gần biết đến. Khách du lịch rất thích các món ăn địa phương, như: Thịt gà, lợn đen, thịt treo, đậu chúa, mèn mén, thắng cố... Khách có thể cùng gia đình hái rau cải, bắt gà trong vườn để làm cơm.

Đón khách đến nhà, anh Dìn Dỉ Thuế (37 tuổi) nhiệt tình giới thiệu các dịch vụ mới mẻ của gia đình. Anh Thuế bảo: Khách du lịch khi đến với Lô Lô Chải đều thích quay trở lại nhiều lần bởi nơi đây có sức hút kỳ lạ. Khí hậu rất mát mẻ, phong cảnh đẹp, người dân thân thiện và đặc biệt bởi văn hóa địa phương đặc sắc. 

"Người dân trong thôn luôn coi văn hóa là tài sản vô giá, là tiền đề để thu hút khách du lịch, chính vì có khách du lịch mà người dân càng nâng niu giá trị văn hóa hơn", chủ homestay Dỉ Thuế ở Lô Lô Chải chia sẻ.

Người Lô Lô dưới chăn núi Rồng làm nhà đất, đón khách xa đến hưởng dịch vụ "tự làm" mà kiếm gần trăm triệu đồng/năm - Ảnh 4.

Đến Lô Lô Chải, ngoài trải nghiệm các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Lô Lô, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng cao núi đá như Gà đen, cá chép sông Nho Quế, vó bò om, xôi ngũ sắc...

Theo anh Thuế, các món ăn được chế biến theo phong cách ẩm thực truyền thống của người Lô Lô với nhiều món ngon như: Gà đen, cá chép sông Nho Quế, vó bò om, xôi ngũ sắc...Từ khi phát triển du lịch đã tạo thêm nhiều việc làm cho bà con trong thôn, thu nhập của gia đình anh và bà con ở Lô Lô Chải tăng lên cao hơn trước.

"Có tháng đón nhiều khách gia đình tôi thu về vài chục triệu đồng là chuyện bình thường. Tuy nhiên từ khi có đại dịch Covid-19 đến giờ khách quốc tế đến ít nhưng lượng khách trong nước vẫn lên nghỉ dưỡng nên bà con vẫn đảm bảo được thu nhập", anh Thuế tiết lộ.

Người Lô Lô dưới chăn núi Rồng làm nhà đất, đón khách xa đến hưởng dịch vụ "tự làm" mà kiếm gần trăm triệu đồng/năm - Ảnh 5.

Cổng dẫn vào ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi ở thôn Lô Lô Chải. Tường bao quanh hai bên cổng là rào đá, nhà mang không gian kiến trúc theo phong cách truyền thống của người Lô Lô, nhà trình tường đắp đất, mái phủ ngói âm dương.

Cần nâng cấp và đa dạng dịch vụ phục vụ khách du lịch

Để tiếp sức cho người dân Lô Lô Chải làm du lịch, vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã giải ngân quỹ hỗ trợ nông dân cho 10 hộ ở bản này vay 500 triệu đồng. Mỗi hộ được vay 50 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ khách du lịch.

"Đồng vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân đã đến đúng lúc bà con cần giúp cho mọi người có thêm động lực đến phấn đấu làm du lịch ngày càng tốt hơn", anh Gai khẳng định.

Kiến nghị với đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, anh Gai bộc bạch: Hiện nay còn hàng chục hộ khác ở Lô Lô Chải mong muốn được vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để nâng cấp nhà vườn, dịch vụ du lịch. Rất mong các cấp hội từ Trung ương đến tỉnh, huyện sớm hỗ trợ kịp thời để bà con yên tâm làm ăn lớn.

Người Lô Lô dưới chăn núi Rồng làm nhà đất, đón khách xa đến hưởng dịch vụ "tự làm" mà kiếm gần trăm triệu đồng/năm - Ảnh 6.

Quán cà phê Cực Bắc là điểm đến nổi tiếng nhất thôn, được đông đảo du khách check-in khi đến Lũng Cú.

Qua quan sát, trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống và dịch vụ du lịch ở Lô Lô Chải, các thành viên trong đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đều cảm thấy rất chất lượng. Trong đó, mọi người rất ấn tượng khi được trải nghiệm công việc sản xuất, thu hoạch nông sản đặc sản và được người dân hướng dẫn chế biến, thưởng thức các món ăn bản địa đặc sắc của người Lô Lô.

"Điều chúng tôi cảm thấy rất vui là người dân ở đây vẫn giữ các nét đẹp văn hóa và bảo tồn được kiến trúc ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình. Hơn nữa các dịch vụ du lịch ở Lô Lô Chải cũng khá đa dạng, các món ăn cũng rất ngon", người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen ngợi.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội ND Việt Nam lưu ý Hội ND huyện Đồng Văn cần tiếp tục phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp để nâng cao trình độ ngoại ngữ và nâng cấp chất lượng dịch vụ nhất là dịch vụ ăn uống, văn hóa để thu hút ngày càng nhiều hơn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm nâng cao thu nhập cho bà con ở đây.

Người Lô Lô dưới chăn núi Rồng làm nhà đất, đón khách xa đến hưởng dịch vụ "tự làm" mà kiếm gần trăm triệu đồng/năm - Ảnh 7.

Người Lô Lô dưới chăn núi Rồng làm nhà đất, đón khách xa đến hưởng dịch vụ "tự làm" mà kiếm gần trăm triệu đồng/năm - Ảnh 8.

Để phục vụ du lịch, phụ nữ Lô Lô còn tranh thủ những lúc nông nhàn để may quần áo trang phục truyền thống. Hiện mỗi bộ trang phục truyền thống có giá lên tới 15 triệu đồng.

Người Lô Lô dưới chăn núi Rồng làm nhà đất, đón khách xa đến hưởng dịch vụ "tự làm" mà kiếm gần trăm triệu đồng/năm - Ảnh 9.

Sau vài năm tham gia làm du lịch cộng đồng (Homestay), đến giờ anh Dìn Dỉ Thuế (37 tuổi) ngày càng chuyên nghiệp hơn trong việc quảng bá, tiếp đón, chăm sóc khách du lịch trong và ngoài nước. Theo anh Thuế, nhà anh có 5 phòng cho khách nghỉ dưỡng, trong đó 2 phòng đơn có giá từ 640.000 đồng đến 900.000 đồng/phòng/đêm (chưa bao gồm tiền ăn), 3 phòng lớn có giá vài triệu đồng/đêm, tùy khách.

Bên cạnh việc nâng cấp, đa dạng các dịch vụ phục vụ khách du lịch, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam gợi ý lãnh đạo huyện Đồng Văn và tỉnh Hà Giang cần nghiên cứu tổ chức các lễ hội văn hóa, nông nghiệp như lễ hội hoa cải, hoa đào, hoa lê... nhằm tạo thêm sân chơi, trải nghiệm văn hóa cho du khách khi đến du lịch ở địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem