Hà Nam: Hàng nghìn phụ nữ được học nghề, có việc làm

Thứ năm, ngày 12/04/2012 09:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhờ mô hình đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam thực hiện, hàng nghìn phụ nữ được học nghề, học xong được giới thiệu vào làm tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn, hoặc làm tại nhà, gắn sản xuất với tiêu thụ...
Bình luận 0

Mô hình này nằm trong Chương trình “Hỗ trợ phụ nữ tỉnh Hà Nam học nghề, tạo việc làm, giai đoạn 2010-2015”.

img
Một lớp dạy nghề thêu ren tại xã Thanh Tuyền, huyện Thanh Liêm.

Ưu tiên lao động nữ

Theo bà Hà Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Nam, hiện toàn tỉnh có trên 480.000 lao động, trong đó lao động nữ là 245.038 người, do đó việc hỗ trợ dạy nghề cho chị em là rất cần thiết. "Đa phần phụ nữ ở nông thôn khó xin việc vì không có tay nghề. Tuổi tác, trình độ của chị em cũng khác nhau, nên khi mở lớp dạy nghề, chúng tôi phải xây dựng giáo trình phù hợp với các cấp trình độ, từ lao động kỹ thuật bậc cao cho đến lao động thủ công truyền thống, để làm sao sau khóa học họ có thể tự kiếm sống bằng chính nghề mình được học" - bà Tâm cho biết.

Mặc dù được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, nhưng do nhận thức hạn chế, một số chị em vẫn từ chối đi học nghề với suy nghĩ học nghề mất thời gian, mất tiền công đi làm thuê hàng ngày. Để việc dạy nghề đạt hiệu quả, Hội Phụ nữ đã kết hợp với Hội Nông dân các cấp vận động, giải thích cặn kẽ lợi ích của việc học nghề. Nhờ đó, chỉ riêng năm 2011, tỉnh đã tổ chức được 100 lớp, thu hút trên 6.000 lượt chị em tham gia học nghề.

Chị Nguyễn Thị Hiền (xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm), một học viên được học nghề thêu ren phấn khởi nói: "Trước đây, tôi làm nghề phụ vữa, công việc vất vả nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Sau khi học nghề thêu ren, tôi nhận hàng về làm, vừa làm được việc nhà, vừa có tiền mà mưa không đến mặt, nắng không đến đầu!".

Học xong là có việc làm

Bà Hà Thị Minh Tâm cho hay, trước khi tổ chức dạy nghề, cán bộ hội đã về tận các thôn, xã để điều tra, tổng hợp, nắm bắt tình hình nhu cầu học nghề của từng địa phương, nhất là những vùng bị thu hồi đất, từ đó quyết định dạy nghề nào cho người dân. Các ngành nghề được nông dân lựa chọn nhiều nhất là trồng trọt, chăn nuôi, làm mây tre đan, thêu ren...

Sau khi học nghề, nhiều địa phương đã hình thành các nhóm trồng lúa hàng hóa; trồng cây vụ đông; trồng rau an toàn... Điển hình như ở huyện Duy Tiên, Hội Phụ nữ đã vận động chị em xây dựng được 137 cánh đồng chuyên canh, với thu nhập 70-250 triệu đồng/ha/năm và có 28 CLB “Cánh đồng 100 triệu/ha”...

Năm 2011, Hội LHPN tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đào tạo nghề cho 2.272 lao động, giới thiệu 1.700 lao động. Ngoài ra, Hội Phụ nữ cơ sở còn mở 589 lớp dạy nghề cho gần 19.000 phụ nữ và tạo việc làm tại chỗ cho 1.000 lao động với các nghề thêu ren và khâu chiếu trúc.

Để giải quyết khâu đầu ra cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trồng trọt, chăn nuôi, Hội đã liên kết với 3 công ty may của tỉnh tổ chức dạy nghề may cho hàng trăm lao động nữ, giúp họ có thu nhập ổn định, liên kết với các doanh nghiệp chế biến nông sản để tiêu thụ nông sản cho người dân. Ngoài việc dạy nghề mới, nghề truyền thống cũng được khuyến khích dạy và học. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều cơ sở dạy nghề như dạy nghề thêu ở xã Tân Sơn (Kim Bảng); khâu chiếu trúc ở xã Thanh Tuyền (Thanh Liêm), xã Nhật Tân (Kim Bảng)... thu hút hàng trăm lao động nữ tham gia học và phát triển nghề tại địa phương.

Nhờ đẩy mạnh dạy nghề và tạo việc làm, đến nay khoảng 82% số phụ nữ nghèo ở Hà Nam được hỗ trợ học nghề và 52% trong số này đã thoát nghèo. Chị Lê Thị Hằng ở xã Nhật Tân cho hay: "Gia đình tôi có 4 người nhưng chỉ có 2 sào ruộng, cấy hái xong chẳng có việc gì để làm. Năm 2010, tôi được Hội Phụ nữ xã cho đi học thêu, sau 3 tháng vừa học, vừa làm, tôi đã thành thạo. Làm nghề này nếu chịu khó mỗi người cũng có 3 triệu đồng/tháng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem