Ngày đầu tiên Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, không có cảnh đổ xô mua hàng hóa

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 24/07/2021 08:53 AM (GMT+7)
Trong ngày đầu tiên Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch Covid-19, các chợ, siêu thị đã không còn cảnh người dân đổ xô đi mua sắm, tích trữ hàng hóa.
Bình luận 0

Tối 23/7, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ban hành Chỉ thị số 17 thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP để phòng chống dịch Covid-19.

Sáng 24/7, theo ghi nhận của PV, tại các chợ dân sinh ở Mỹ Đình, Cầu Giấy, Nghĩa Tân và một số siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, tình hình mua bán hàng hóa diễn ra ổn định, bình thường.

Theo nhận định của một số tiểu thương tại các chợ, lượng người mua ở mức trung bình, không xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi mua sắm như một số đợt dịch đầu.

Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 ngày đầu tiên, không còn cảnh đổ xô mua hàng hóa - Ảnh 1.

Lượng người tiêu dùng mua sắm hàng hóa không tăng đột biến trong sáng 24/7. (Ảnh: Thanh Phong)

Tại các chợ, siêu thị, người dân được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào mua hàng. Ngoài ra, giá cả các mặt hàng cũng được duy trì ở mức ổn định, lượng hàng hóa dồi dào.

Ghi nhận nhanh của PV, giá các loại thịt như ba chỉ, vai sấn giá dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg tùy loại; thịt thăn giá 140.000-160.000 đồng/kg; chân giò rút xương giá từ 140.000-150.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá các mặt hàng rau củ cũng dao động trong khoảng 10.000 đến 20.000 đồng tùy loại.

Theo đại diện hệ thống siêu thị Big C (thuộc tập đoàn Central Retail) cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tại khu vực Hà Nội, đơn vị này đã tăng cường nguồn cung hàng hóa, đa dạng các kênh bán hàng, kéo dài thời hoạt động đến 22h đêm, nếu sắp tới cần thiết sẽ kéo dài thêm để phục vụ khách hàng mua sắm, và tạo điều kiện mua sắm giãn cách.

Về nguồn hàng, hiện phía doanh nghiệp đã tăng cường lượng lớn hàng hóa dự trữ, sẵn sàng cho nhu cầu tăng cao của khách hàng. Cụ thể, đối với hàng thực phẩm khô, doanh nghiệp đã dự trữ tăng 30-50% với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao; hàng tươi sống.

Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 ngày đầu tiên, không còn cảnh đổ xô mua hàng hóa - Ảnh 2.

Các khu vực chợ dân sinh, siêu thị đều tổ chức đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho người dân ra vào mua sắm. (Ảnh: Thanh Phong)

Ngoài ra, tại các siêu thị Big C, Vinmart và Vinmart+, Hapro… trên địa bàn Hà Nội đã chuẩn bị đầy hàng hóa. Các mặt hàng được bổ sung nhiều so với những ngày đầu tuần là thực phẩm như rau xanh, thịt lợn… với giá cả ổn định, lượng người đi mua hàng cũng chỉ như những ngày thường.

Giá gạo tám thơm Điện Biên ở mức 21.500 đồng/kg; gạo thơm lài 21.000 đồng/kg; bí xanh 15.000 đồng/kg; bắp cải 15.000 đồng/kg; đậu đũa 25.900 đồng/kg;….

Tại một số siêu thị, hệ thống loa phát thanh thường xuyên phát đi khuyến cáo người dân chỉ mua vừa đủ lượng hàng thiết yếu, không tích trữ. Đồng thời, siêu thị áp dụng các hình thức mua hàng online, giao hàng tận nhà để khách hàng lựa chọn.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội lên các phương án cụ thể để phục vụ người dân. Theo đó, các doanh nghiệp Hà Nội đều có kế hoạch dự trữ và cung ứng rất tốt.

Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 ngày đầu tiên, không còn cảnh đổ xô mua hàng hóa - Ảnh 3.

Hàng hóa trong siêu thị dồi dào, các doanh nghiệp đều tăng mức dự trữ và có kế hoạch cung ứng. (Ảnh: Thanh Phong)

Cụ thể, số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng 30-50% trong thời gian 3 tháng và tăng 3 lần so với tháng bình thường.

Tổng giá trị hàng hóa ước tính là khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng. Các phương tiện, nguồn nhân lực được bố trí đầy đủ, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Cũng theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem