Áp dụng biện pháp thích ứng với từng giai đoạn xuống giống

Thứ ba, ngày 02/11/2010 11:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) dự báo, vụ lúa đông xuân 2010-2011 ở Nam bộ sẽ phải đối mặt với việc thiếu nước ngọt, hạn hán nặng, xâm nhập mặn sâu hơn, do mực nước trong nội đồng vào mùa mưa lũ đang rất thấp.
Bình luận 0

Tình hình này dẫn đến thời vụ gieo sạ lúa đông xuân sớm hơn. Vì vậy bà con nông dân cần áp dụng các biện pháp thích ứng với từng giai đoạn xuống giống để hạn chế được bệnh, nâng cao năng suất cây lúa.

Theo khuyến cáo của Thạc sĩ Lê Văn Thiệt (Cục Bảo vệ thực vật, bộ phận thường trực tại TP.HCM), đối với lúa vụ đông xuân sớm, bà con nên làm đất kỹ, chôn vùi tàn dư thực vật và đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 3 tuần. Bón hết phân lân ở đợt bón đầu tiên 7-10 ngày sau sạ hoặc bón hết vào đợt bón thúc lần 2 (18-22 ngày sau sạ) để phòng ngừa ngộ độc hữu cơ.

Nếu phát hiện ruộng bị ngộ độc hữu cơ thì thay nước 2-3 lần, tăng cường bón phân lân từ 200- 300kg/ha, phun phân bón lá giàu lân (Hydrofos), ngưng bón phân đạm. Đất thâm canh ở Nam bộ bằng phẳng nên cần áp dụng thuốc cỏ tiền nảy mầm ngay khi sạ hoặc 1 ngày sau sạ để diệt cỏ và lúa cỏ trên ruộng.

Khi bước vào chính vụ, bà con cần gieo sạ đồng loạt né rầy, né hạn theo lịch khuyến cáo của từng địa phương. Áp dụng biện pháp “ba giảm ba tăng” ngay từ đầu vụ để tạo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Làm đất kỹ, gieo sạ thưa với lượng giống từ 100-120 kg nếu sạ bằng tay. Nếu sạ hàng, chỉ gieo sạ với lượng giống 70-80 kg.

Bón cân đối giữa N-P-K để tránh việc thừa đạm. Tuyệt đối không phun thuốc phổ rộng hoặc thuốc có gốc Cúc tổng hợp trước 40 ngày sau sạ để trừ sâu ăn lá. (vì các loại thuốc này giết chết thiên địch và gây bộc phát sâu hại nhất là rầy nâu). Bà con cũng cần tưới tiết kiệm nước để cân bằng được nguồn nước cho lúa.

Rút nước giữa vụ là biện pháp kỹ thuật quan trọng, rút cạn nước cho đến khi đất khô nứt như dấu chân chim càng tốt. Tùy theo giống lúa dài ngày hay ngắn ngày, giống nảy chồi kém hay nảy chồi mạnh mà rút nước trong khoảng 25 – 30 ngày sau sạ nhằm: Hạn chế chồi vô hiệu mọc, giúp cây lúa tập trung dinh dưỡng nuôi chồi; cây lúa được thông thoáng ít bị sâu bệnh gây hại; giúp cây phát triển tốt bộ rễ, rễ ăn sâu hơn, hút nhiều dinh dưỡng nuôi bông, cây lúa cứng cáp hơn tránh đổ ngã ở giai đoạn sau…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem