Anh Hùng ở ngõ 354, đường Trường Chinh (quận Đống Đa) cho hay, trong các ngày 27 - 28.5, trong nhà anh xuất hiện 2 cá thể bọ xít, mỗi con dài gần 2 cm. Một số hộ dân gần đó, cũng phát hiện loài bọ xít này trong nhà. Qua tìm hiểu thông tin trên mạng, anh Hùng thấy hình dạng không khác gì bọ xít hút máu người.
Bọ xít hút máu người được người dân phát hiện tại Hà Nội - Ảnh: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cung cấp
Trước đó, anh Trần Văn Thái ở số 7, phố Giáp Nhất (quận Thanh Xuân) cũng bắt được một cá thể bọ xít tại cửa chính trong nhà. Anh Thái cho hay: “Buổi tối tôi phun thuốc muỗi khắp trong phòng. Sáng ra, thấy một con bọ xít nằm ngọ nguậy trước cửa. Khi lấy tăm dí vào bụng, bên trong có rất nhiều trứng con màu trắng. Tôi chỉ thấy ngứa tay, chân, rất may là chưa ai trong nhà bị đốt”. Đây không phải lần đầu anh Thái phát hiện bọ xít trong nhà. Mùa hè năm ngoái, bọ xít hút máu xuất hiện trong bếp nhà anh. Khi giết bọ xít, trong bụng máu phun ra.
Đáng chú ý, nếu trước đây bọ xít chỉ xuất hiện ở ngoại thành, nay đã “tấn công” lên phố cổ. Tại phố Hàng Thiếc (quận Hoàn Kiếm), người dân cũng đã tìm thấy loài bọ xít này trong nhà tắm, nhà vệ sinh và vô cùng lo lắng.
Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) bọ xít hút máu thuộc giống Triatoma đã được ghi nhận ở Việt Nam từ trước, trong đó phổ biến là loài T.rubrofasciata. Tại Hà Nội, có 21/29 quận, huyện ghi nhận sự có mặt của loài T.rubrofasciata. “Số lượng cá thể bọ xít hút máu thu được rất cao ở vùng ngoại thành, đặc biệt là ở Cổ Nhuế và Gia Lâm đã ghi nhận hơn 1.000 cá thể/1 ổ”, ông Lam cho biết.
Ông Lam thông tin thêm: bọ xít hút máu có chiều dài từ khoảng 1 - 3,5 cm, phần bụng rộng và dẹp, ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng. Thông thường rất dễ phát hiện vì các vết đốt to hơn nốt muỗi đốt, có màu đỏ hoặc màu sẫm nối liền nhau. Vị trí các vết đốt thường ở sau gáy, cổ, bả vai, sau lưng, cánh tay và chân. Sau khi bị đốt và hút máu, các vết đốt có biểu hiện đau, rát, sưng và rất dễ lan rộng ra xung quanh. Có trường hợp vết đốt gây sưng to, phù nề diện rộng, mưng mủ và bị sốt (nhất là trẻ em).
Mặc dù đến thời điểm này ở Việt Nam chưa phát hiện ra trường hợp nào bị bệnh do bọ xít này là trung gian lây truyền bệnh, tuy nhiên, trước tình hình bọ xít hút máu xuất hiện ở nhiều nơi và có thể đốt người, trong tuần này, các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật sẽ đến những nơi phát hiện ra bọ xít để lấy mẫu phân tích.
Viện sốt rét- Ký sinh trùng T.Ư khuyến cáo, người dân khi thấy bọ xít xuất hiện trong nhà, khe tủ, dưới đệm, giường tốt nhất là dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho côn trùng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh các nơi ẩm thấp, mở cửa cho ánh nắng chiếu vào để ngăn chặn loại côn trùng này sinh sôi. Ở vùng đã phát hiện có bọ xít đốt hút máu thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người.
Nếu bị bọ xít hút máu người đốt, nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm và đến ngay cơ sở y tế chuyên về da liễu để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổng kết: loài bọ xít hút máu, trong đó có
loài ở Việt Nam, có khả năng truyền ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma
cruzi gây ra bệnh Chagas. Bệnh này có khả năng hủy hoại tim và gây rối
loạn tiêu hóa.
|
Thanh Niên (Theo Thanh Niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.