Bọ xít đã no máu và đầy ký sinh trùng
Bà Lưu Thị Ninh (ở xóm 3 Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình bà tìm ra ổ bọ xít hút máu trên từ 4 ngày trước và đã báo với nhiều cơ quan chức năng song không có cơ quan nào đến. Thậm chí theo lời chị Nguyễn Thị Thơm, người sống ngay cạnh gia đình bà Ninh thì có nơi còn bảo gia đình "tự mua thuốc diệt côn trùng về xử lý".
|
Thu mẫu bọ xít hút máu tại nhà bà Lưu Thị Ninh ngày 20-9. |
"Gia đình rất hoang mang và bức xúc, ổ bọ xít này không chỉ là vài chục con để tự giết được. Hơn nữa, khi lật ra tạm thời để diệt thì con nào cũng no đầy máu" - chị Thơm nói. Cho tới khi Báo NTNN vào cuộc và gọi tới Viện Sinh thái và Tài Nguyên sinh vật, cơ quan này đã cử cán bộ tới xem xét, xử lý.
Được biết, trước đây tại các điểm miền Trung và một số điểm khác ở Hà Nội, người dân phát hiện ổ bọ xít hút máu và đều phát hiện có người bị đốt sưng tấy, có trường hợp phải nhập viện chữa vết đốt. "Tuy nhiên, hiện chưa có ai bị bệnh nguy kịch hoặc tử vong, do vậy người dân cũng không nên hoang mang" - TS Lam trấn an.
Ngày 20-9, "khai quật" đống củi nhà bà Ninh, các cán bộ của Phòng Côn trùng học thực nghiệm của Viện đã giật mình bởi đây là ổ bọ xít đang phát triển mạnh với hàng nghìn con trưởng thành. Ngoài ra còn có nhiều con nhỏ và trứng.
Họ đã thu về khoảng 600 mẫu trưởng thành, nhỏ và trứng để nghiên cứu. TS Trương Xuân Lam - Phòng Côn trùng học thực nghiệm của Viện đã tiến hành mổ ngay 7 con và kết quả cả 7 con đều có máu và chứa ký sinh trùng. Trong ngày 20-9, ổ bọ xít hút máu trên 1.000 con đã được xử lý sạch sẽ.
Chị Nguyễn Thị Thơm cho biết: "Gia đình tôi và một vài gia đình hàng xóm thường gặp bọ xít bò ở nền nhà từ một tháng nay".
Thấy có con vật lạ vào nhà cộng với thông tin chị đã đọc được trên báo chí về bọ xít hút máu trước đây ở xóm 8 trong xã, chị Thơm đã dùng điện thoại di động chụp ảnh và mang so sánh với con vật đăng trên báo, kết quả giống nhau. Để chắc chắn, chị Thơm còn thử dùng chân giẫm nát con bọ và thấy cơ thể con bọ đầy máu.
Ký sinh trùng lây nhiễm trên chuột
TS Trương Xuân Lam cũng cho hay, kết quả kiểm nghiệm mới đây cho thấy ký sinh trùng ở bọ xít hút máu đã lây nhiễm sang chuột bạch tại phòng thí nghiệm của Viện. Do vậy, tới đây cần có công trình nghiên cứu để xem ký sinh trùng này có lây nhiễm sang người không.
TS Trương Xuân Lam cho rằng: "Điều nguy hiểm nhất hiện nay là chúng ta chưa biết mức độ nguy hiểm của nó như thế nào nếu chẳng may có gây bệnh cho người. Bởi vì bản thân chúng chứa ký sinh trùng trong máu.
Do vậy, nếu truyền bệnh cho người sẽ gây ra các bệnh đường máu không thể lường hết được như tắc nghẽn động mạch, ô nhiễm máu, giảm miễn dịch…".
Để phòng trừ bọ xít hút máu lây lan, người dân cần thực hiện biện pháp dự phòng là vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, giường đệm. Trong trường hợp phát hiện một vài con, vài chục con, người dân có thể dùng panh gắp bắt thủ công và chổi lông quét trứng rồi tiêu diệt. Nếu phát hiện ổ lớn thì người dân nên báo đến cơ quan chuyên môn, như Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, điện thoại: 04. 37565899, 0912201588 để được tư vấn, xử lý.
Hồng Hoa
Vui lòng nhập nội dung bình luận.