Hà Nội chính thức có phố mang tên vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Hoàng Thành Thứ sáu, ngày 10/12/2021 09:06 AM (GMT+7)
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên phố Lưu Quang Vũ và phố Xuân Quỳnh tại quận Cầu Giấy.
Bình luận 0

Sáng nay (10/12), với 100% đại biểu có mặt tán thành tại kỳ họp thứ ba, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội năm 2021.

Hà Nội chính thức có phố mang tên vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh - Ảnh 1.

Đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội năm 2021, sáng 10/12. Ảnh: Xuân Hải.

Theo đó, có 38 tuyến đường, phố mới và  9 tuyến đường và phố được điều chỉnh độ dài.

Đáng chú ý, trong số 38 tên được lấy ý kiến đặt tên đường, phố lần này có trường hợp đặc biệt là vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.

Hà Nội chính thức có phố Lưu Quang Vũ và  Xuân Quỳnh - Ảnh 1.

Phố Lưu Quang Vũ có điểm đầu ở từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang, kết thúc ở đoạn trường Tiểu học và THCS Trung Hòa (ngõ 22 Trung Kính) rộng 26 m, đoạn còn lại đến THCS Trung Hòa rộng 17,5 m. Ảnh: Khôi Lâm.

Cụ thể, HĐND TP.Hà Nội quyết định vị trí phố Lưu Quang Vũ nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện trường THCS Yên Hòa. Chiều dài phố là 430m, rộng 17,5-26m (lòng đường 7,3-13m, vỉa hè mỗi bên từ 5-6,5m).

Phố Xuân Quỳnh cũng nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại tổ dân phố 28, phường Trung Hòa. Phố dài 470m, rộng 10m (trong đó lòng đường rộng 6m, vỉa hè mỗi bên rộng 2m).

Hà Nội chính thức có phố Lưu Quang Vũ và  Xuân Quỳnh - Ảnh 2.

Phố Xuân Quỳnh (quận Cầu Giấy) sẽ bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại tổ dân phố 28, phường Trung Hòa. Phố dài 470m, rộng 10m (trong đó lòng đường rộng 6m, vỉa hè mỗi bên rộng 2m). Ảnh: Khôi Lâm.

Sau khi được HĐND TP.Hà Nội thông qua Nghị quyết, Ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết đề ra.

Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền quận, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp đường, vỉa hè và hạ tầng kỹ thuật đối với các đường phố được đặt tên đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và mỹ quan đô thị.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân biết và hiểu được ý nghĩa của các đường, phố được đặt, đổi tên. Chỉ đạo công tác gắn biển tên, đánh số nhà đối với các đường, phố mới được đặt, đổi tên theo đúng quy định, tập trung thực hiện điều chỉnh quản lý dân cư và các giấy tờ liên quan...

Ngắm phố Lưu Quang Vũ và phố Xuân Quỳnh từ trên cao. VIDEO: KHÔI LÂM.

Được biết, ngoài Hà Nội, ở TP.Quy Nhơn - Bình Định và TP.Đà Nẵng cũng đã có hai con đường mang tên "Lưu Quang Vũ". Tại TP.HCM cũng có một con đường nội khu của một khu đô thị mang tên "Xuân Quỳnh".

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) được xem là một tài năng lớn của văn chương và sân khấu Việt Nam. Ông là tác giả của 50 vở kịch từng được nhiều đoàn kịch, nhà hát xây dựng thành những vở diễn nổi tiếng, tầm cỡ… Một số vở kịch trở thành mẫu mực của sân khấu Việt Nam như: Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita…

Ông còn là tác giả của nhiều truyện ngắn, bài thơ nổi tiếng đã đi vào lòng nhiều thế hệ như: Và anh tồn tại, Tiếng Việt, Vườn trong phố, Bầy ong trong đêm sâu.... Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Hà Nội chính thức có phố Lưu Quang Vũ và  Xuân Quỳnh - Ảnh 5.

Chân dung nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Ảnh: GĐCC.

Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942-1988), tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh. Bà nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như: Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa Thu, Tiếng gà trưa...

Thơ của nữ thi sĩ giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình với cuộc sống của bà. Những bài thơ khi thì hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ. Bà được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017 với hai tập thơ Lời ru trên mặt đất và Bầu trời trong quả trứng.

Năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Quỳnh, Google đã chính thức thay đổi ảnh đại diện logo trên trang chủ của mình thành bức họa cách điệu mang dáng hình nhà thơ Xuân Quỳnh cùng với hình ảnh con thuyền lướt trên sóng và đàn chim trên bầu trời. Sau cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thì nữ sĩ Xuân Quỳnh là danh nhân Việt Nam thứ 3 và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Google vinh danh.

Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, hồ sơ đề xuất đặt tên đường theo tên nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh ngay từ đầu đã đạt được sự đồng thuận cao của Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng TP.Hà Nội và nhân dân sở tại. Sau khi có quyết định chính thức, nếu không có gì thay đổi việc cắm biển đặt tên phố Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh sẽ được thực hiện trong tháng 12/2021.

Bên cạnh hai tuyến phố được đặt tên vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, tướng lĩnh nổi tiếng sống không xa ngày nay cũng được đưa vào đặt tên đợt này.

Đó là nhà thơ Chế Lan Viên được dự kiến đặt cho một con đường dài 700m, rộng 12,5m tại quận Bắc Từ Liêm. Nhà văn Nguyễn Minh Châu được dự kiến đặt tên đường ở quận Long Biên; nhạc sĩ Huy Du được dự kiến đặt tên đường ở quận Nam Từ Liêm. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản được dự kiến đặt tên đường ở quận Cầu Giấy.

Ngoài ra còn có nhiều danh nhân thời trung đại cũng được dự kiến đặt tên đường phố lần này như Hoàng Giáp Nguyễn Như Uyên, ông tổ nghề vàng quý Kiêu Kỵ Nguyễn Quý Trị, Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh, Dương Trực Nguyên (một nhà thơ, tiến sĩ thời Lê Thánh Tông), Học sĩ viện Hàn lâm các thời Lê sơ Lý Tử Tấn…

Chi tiết 38 tuyến đường, phố mới ở Hà Nội

1. Đường Đống Ba (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ dốc Đống Ba, cạnh trường Mầm non Đông Ba, đến ngã ba giao cắt tại tổ dân phố Đông Ba 2 (cạnh trạm biến áp Đông Ba 2 và nhà bà Lê Thị Hiền). Dài: 710m; rộng: 6-7,5m;

2. Phố Kẻ Giàn (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba giao phố Phạm Văn Đồng tại SN 6, đối diện khu đô thị Nam Thăng Long đến ngã tư giao cắt đường Hoàng Tăng Bí - Tân Xuân tại Nhà văn hóa tổ dân phố Tân Xuân 4. Dài: 350m; rộng: 30m;

3. Đường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã tư giao cắt đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên (số 36 Hoàng Quốc Việt) đến ngã tư giao cắt đường đường Nguyễn Xuân Khoát tại Đại sứ quán Hàn Quốc. Dài: 2.300m; rộng: 50m (lòng đường 36m, vỉa hè mỗi bên 7m);

4. Phố Minh Tảo (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố dự kiến đặt tên "Hoàng Minh Thảo" tại Công an và Trạm y tế phường Xuân Tảo đến ngã ba giao cắt đường Xuân La tại cổng chào làng nghề Xuân Tảo.Dài: 780 m; rộng: 30m;

5. Phố Phúc Đam (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Vãn Tiến Dũng cạnh cầu sông Pheo (tổ dân phố Phúc Lý) đến ngã ba giao cắt đường Phú Minh tại số nhà 16 và điểm cuối phố dự kiến đặt tên "Phúc Lý". Dài: 1.100m; rộng: 12m;

6. Phố Phúc Lý (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố dự kiến đặt tên "Phúc Đam" tại trụ sở Công an quận Bắc Từ Liêm đến ngã ba giao cắt đường Phú Minh tại số nhà 16 và điểm cuối phố dự kiến đặt tên "Phúc Đam". Dài: 900m; rộng: 24m;

7. Đường Hoàng Minh Thảo (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Võ Chí Công tại Trung tâm VHTT quận Tây Hồ (đối diện số 49 Võ Chí Công) đến ngã ba giao cắt đường Phạm Văn Đồng, cạnh Công viên Hòa Bình.

8. Phố Chế Lan Viên (quận Bắc Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba giao đường Phạm Văn Đồng tại lối vào khu đô thị Ressco đến ngã ba giao cắt cạnh tòa nhà cán bộ Thành ủy.Dài: 700m; rộng: 12,5m;

9. Phố Nguyễn Bá Khoản (quận cầu Giấy): Cho đoạn từ ngã tư giao cắt phố Vũ Phạm Hàm tại số nhà 134 Vũ Phạm Hàm đến ngã ba giao cắt tại tòa nhà Ánh Dương (Sky Land).Dài: 470m; rộng 17m (lòng đường: 5-7m, vỉa hè mỗi bên từ 3 đến 5m);

10. Phố Xuân Quỳnh (quận cầu Giấy): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm lưu trữ Quốc gia I (số 5 phố Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại tổ dân phố 28 - phường Trung Hòa.

Dài: 470m; rộng 10m (lòng đường: 6m, vỉa hè mỗi bên 2m);

11. Phố Lưu Quang Vũ (quận cầu Giấy): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện Trường THCS Trung Hòa. Dài: 430m; rộng 17,5-26m (lòng đường: 7,5-13m, vỉa hè mỗi bên từ 5 đến 6,5m);

12. Phố Nguyễn Như Uyên (quận cầu Giấy): Cho đoạn từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính " Yên Hòa (số 299 phố Trung Kính) đến ngã tư giao cắt phố Nguyễn Chánh - Nguyễn Quốc Trị (số 150 Nguyễn Chánh).Dài: 73Om; rộng 21,25m

13. Phố Cửa Quán (quận Hà Đông): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Hoàng Đôn Hòa tại Lô 13-BT9, thuộc tổ dân phố 9, phường Phú La đến ngã ba giao cắt đường kết nối phố Văn Khê tại Lô 01-LK15, khu đô thị Văn Phú. Dài: 890m, rộng: 16,5m ;

14. Phố Hạnh Hoa (quận Hà Đông): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Xa La, đối diện cổng làng Xa La đến ngã ba giao cắt tại tòa nhà Hemisco, cạnh cầu Mậu Lương 1, bắc qua sông Nhuệ. Dài: 750m, rộng: 25m (lòng đường 17m, vỉa hè mỗi bên từ 4 đến 5m);

15. Phố Văn Phúc (quận Hà Đông): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Văn Khê tại lô BT1.Ô 01, khu đô thị Văn Phú đến ngã ba giao cắt ngõ 793 đường Quang Trung, đối diện nhà máy nước Hà Đông. Dài: 560m, rộng: 13,5m (lòng đường 7,5m, vỉa hè mỗi bên 3m);

16. Phố Nguyễn Sơn Hà (quận Hà Đông): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Phùng Hưng tại số 203 và Bệnh viện đa khoa Thiên Đức đến ngã ba tại lô 30 BT2 Văn Quán - Yên Phúc, thuộc tổ dân phố 13, phường Phúc La. Dài: 700m, rộng: 12,5m (lòng đường 7m, vỉa hè mỗi bên 2,5m);

17. Phố Nông Vụ (quận Long Biên): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Phúc Lợi tại số 285 đến ngã ba giao cắt đường quy hoạch 13,5m, đối diện Khu căn hộ mẫu Ruby City CT3.

Dài: 520m, rộng: 13,5m (lòng đường 7,5m, vỉa hè mỗi bên 3m);

18. Phố Nguyễn Ngọc Chân (quận Long Biên): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Cổ Linh, cạnh siêu thị AEON - Long Biên đến ngã ba cạnh mương tiêu nam quốc lộ 5.

Dài: l.000m, rộng: 25m (lòng đường 15m, vỉa hè mỗi bên 5m);

19. Phố Nguyễn Minh Châu (quận Long Biên): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố quy hoạch 30 m, đối diện 012- dự án hồ điều hòa phường Việt Hưng đến ngã ba giao cắt đường quy hoạch 13,5m, đối diện Trường tiểu học Vinschool, thuộc tổ dân phố 3, phường Phúc Đồng.

Dài: 1.200m, rộng: từ 17-30m (lòng đường từ 7-14m, vỉa hè mỗi bên từ 5-6m);

20. Phố Hà Văn Chúc (quận Long Biên): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Trần Danh Tuyên tại tổ dân phố 12, phường Phúc Lợi (đoạn rẽ tuyến sông cầu Bây) đến ngã ba giao cắt phố cầu Bây tại số nhà 36.

Dài: 500m, rộng: 13,5m (lòng đường 7,5m, vỉa hè mỗi bên 3m);

21. Phố Đoàn Văn Minh (quận Long Biên): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Bùi Thiện Ngộ tại số nhà 107 đến ngã ba giao cắt phố Đào Văn Tập tại tòa nhà EcoCity.

Dài: 530m, rộng: 13m (lòng đường 7m, vỉa hè mỗi bên 3m);

22. Phố Nguyễn Khắc Viện (quận Long Biên): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Văn Hưởng tại tòa nhà Happy Star đến ngã ba giao cắt đường tiếp nối phố Mai Chí Thọ (đối diện ô quy hoạch C.6 CXTP).

Dài: 75Om, rộng: 13,5m (lòng đường 7,5m, vỉa hè mỗi bên 3m);

23. Phố Hồng Đô (quận Nam Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Lê Quang Đạo tại số 06 Lê Quang Đạo đến ngã ba giao bờ đê sông Nhuệ cạnh trạm bơm Đồng Bông 1 (tại tổ dân phố 2, phường Phú Đô).

Dài: 810m; rộng: 17m (lòng đường 9m, vỉa hè mỗi bên 4m);

24. Phố Huy Du (quận Nam Từ Liêm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Cơ Thạch (cạnh Chi cục thuế quận Nam Từ Liêm) đến ngã ba giao cắt đường Nguyễn Đổng Chi (đối diện số nhà 156 Nguyễn Đổng Chi).

Dài: 630m; rộng: 13m (lòng đường 7m, vỉa hè mỗi bên 3m);

25. Đường Kính Nỗ (huyện Đông Anh): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt tại điểm cuối đường Đản Dị và đường Ga Đông Anh đến ngã ba giao cắt đường Thụy Lâm tại thôn Lương Quy.

26. Đường Bát Tràng (huyện Gia Lâm): Cho đoạn từ đầu làng Bát Tràng tại đoạn giáp danh địa giới Chiêm Mai (Hưng Yên), đến hết xóm 3 cuối làng Bát Tràng tại điểm giao cắt đường dự kiến đặt tên Giang Cao. Dài: 2.000m; rộng: 5-7m;

27. Đường Giang Cao (huyện Gia Lâm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường dự kiến điều chỉnh độ dài Bát Khối đến hết làng Giang Cao, giáp xóm 3 cuối làng Bát Tràng và đường dự kiến đặt tên đặt tên Bát Tràng.Dài: 1.500m; rộng: 5-6,5m;

28. Đường Gia Cốc (huyện Gia Lâm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Kiêu Kỵ tại Trường mầm non Kiêu Kỵ đến ngã ba giao đường quy hoạch nối khu đô thị Ecopark và VinhomeOceanPark tại thôn Xuân Thụy.

Dài: 920m; rộng: 30m (lòng đường 20m, vỉa hè mỗi bên 5m);

29. Đường Đào Xuyên (huyện Gia Lâm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (quốc lộ 5B) đến ngã ba giao cắt đường Đa Tốn tại chợ Bún.

Dài: 1.050m; rộng: 1 lm (lòng đường 7m, vỉa hè mỗi bên 2m);

30. Phố Thuận An (huyện Gia Lâm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Mậu Tài (cạnh trụ sở mới của ƯBND huyện Gia Lâm) đến ngã ba giao cắt phố Thành Trung (cạnh lô đất đấu giá CT2 Handico), tại khu 31 ha, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm.

Dài: 620m; rộng: 30m (lòng đường 15m, vỉa hè mỗi bên 7,5m);

31. Đường Trung Thành (huyện Gia Lâm): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Đức Thuận (cạnh Ngân hàng NN&PTNN huyện Gia Lâm tại thôn Vàng, xã cổ Bi) đến ngã ba giao cắt tại khu Đìa 1, thôn Vàng, xã cổ Bi.

Dài: 850m; rộng: 3Om (lòng đường 20m, vỉa hè mỗi bên 5m);

32. Đường Dương Đức Hiền (huyện Gia Lâm): Cho đoạn từ ngã tư giao cắt đường Nguyễn Huy Nhuận - Ỷ Lan tại số nhà 240 Ỷ Lan đến ngã ba giao cắt cạnh trụ sở UBND xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm. Dài: 2.500m; rộng: 23m;

33. Đường Nguyễn Quý Trị (huyện Gia Lâm): Cho đoạn từ ngã tư giao cắt đường Kiêu Kỵ tại chợ Kiêu Kỵ đến ngã ba giao cắt đường quy hoạch 3Om " khu đô thị VinhomeOceanPark, cạnh đền Kiêu Kỵ, thôn Trung Dương, xã Kiêu Kỵ.

Dài: 93Om; rộng: từ 7-17m (lòng đường 7m, mặt cắt theo quy hoạch là 25m);

34. Đường Chùa Thầy (huyện Quốc Oai): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đại lộ Thăng Long tại chân cầu vượt Sài Sơn đến ngã ba giao đê hữu Đáy tại dốc Phúc Đức, cạnh cổng làng và đình làng Phúc Đức.

35. Đường Đại Hưng (huyện Thanh Trì): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt cạnh chùa Lạc Thị đến ngã ba giao cắt đường đi xã Khánh Hà - huyện Thường Tín (cạnh chợ Đám), hết địa phận huyện Thanh Trì.

Dài: 3.280m; rộng: 15,5m (lòng đường 10,5m, vỉa hè mỗi bên 5m);

36. Đường Nguyễn Quốc Trinh (huyện Thanh Trì): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường dự kiến đặt tên "Đại Hưng" cạnh cổng làng Đại Áng đến ngã ba giao cắt đường dự án liên xã: Liên Ninh-Đại Áng-Tả Thanh Oai. Dài: 1.500m; rộng: 16,5m;

37. Đường Dương Trực Nguyên (huyện Thường Tín): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Phi Khanh tại tổ dân phố Trần Phú - thị trấn Thường Tín, cạnh Trường THPT Thường Tín đến cầu Thụy ứng, xã Hòa Bình (KmlO - đường 427(71)).

Dài: 1.580m; rộng: 16,5m (lòng đường 10,5m, vỉa hè mỗi bên 3);

38. Đường Lý Tử Tấn (huyện Thường Tín): Cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường dự kiến đặt tên "Dương Trực Nguyên" tại tổ dân phố Trần Phú - thị trấn Thường Tín, (đối diện Bảo hiểm xã hội huyện Thường Tín) đến ngã ba giao cắt đường liên xã Văn Bình cạnh Trạm điện 550kv.Dài: 1.430m; rộng: 7,5m;


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem