Hà Nội có một loại quả đặc sản, mùi thơm nức, giá trị 280 tỷ đồng/năm, được trồng nhiều nhất ở Sơn Tây, Phúc Thọ

Bình Minh Thứ hai, ngày 08/07/2024 11:30 AM (GMT+7)
Mít là cây trồng truyền thống ở những miền quê Bắc Bộ nói chung, Hà Nội nói riêng. Hiện, tổng diện tích mít trên địa bàn thành phố khoảng 1.135ha, năng suất bình quân đạt gần 148 tạ/ha, sản lượng 14.100 tấn/năm, giá trị kinh tế mang lại từ cây mít là hơn 280 tỷ đồng.
Bình luận 0

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, mít là cây trồng truyền thống ở những miền quê Bắc Bộ nói chung, Hà Nội nói riêng. Hiện, tổng diện tích mít trên địa bàn TP đạt khoảng 1.135ha. Năng suất bình quân đối với những diện tích trồng mít đạt gần 148 tạ/ha; tổng sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 14.100 tấn. Giá trị kinh tế mang lại từ cây mít là hơn 280 tỷ đồng.

Bên cạnh những giống mít truyền thống (mít dai, mít na, mít mật), còn có một số giống nhập nội với đặc điểm ra quả sớm, quả sai như: mít Thái da xanh, mít nghệ siêu sớm, mít ruột đỏ Malaysia, Indonesia… Tuy nhiên, chất lượng về độ giòn, độ ngọt, mùi thơm của các giống mít đặc sản truyền thống của các địa phương như mít dai Sơn Tây, mít dai Cổ Loa - Đông Anh, mít Na Ba Vì... vẫn có sự vượt trội, ổn định và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Thị xã Sơn Tây có diện tích trồng mít lớn nhất TP nhờ có địa hình bán sơn địa, rất thích hợp để phát triển một số loại cây ăn quả lâu năm, đặc biệt là cây mít. Hiện, trên địa bàn thị xã này có hơn 105ha trồng mít, phân bố tại 9/15 xã, phường, trong đó tập trung chủ yếu tại các xã vùng đồi gò như: Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ…

Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Đào Xuân Hồng Hải cho biết, cây mít hiện đang cho thu nhập kinh tế khá cao, với bình quân từ 2 - 5 triệu đồng/cây/năm; cá biệt có những cây cổ thụ lâu năm, chất lượng ngon có thể mang lại 10 - 15 triệu đồng/năm. Ngoài quả, cây mít còn cho thêm nguồn thu từ gỗ đối với các cây trồng từ vài chục năm tuổi trở lên.

Năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm quả mít tươi được trồng tại thị xã Sơn Tây. Đây là tiền đề giúp người trồng mít Sơn Tây nói riêng, Hà Nội nói chung quảng bá, phát triển kinh tế từ cây mít, sản phẩm chế biến từ mít.

Hà Nội có một loại quả đặc sản, mùi thơm nức, giá trị 280 tỷ đồng/năm, được trồng nhiều nhất ở Sơn Tây, Phúc Thọ- Ảnh 1.

Hiện, tổng diện tích mít trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 1.135ha, năng suất bình quân đối đạt gần 148 tạ/ha, sản lượng 14.100 tấn/năm, giá trị kinh tế mang lại từ cây mít là hơn 280 tỷ đồng.

Cùng với thị xã Sơn Tây, cây mít cũng đang được trồng khá phổ biến tại một số huyện khác như: Phúc Thọ (55ha), Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đông Anh, Thanh Oai... 

Theo bà Nguyễn Thị Loan, một hộ trồng mít lâu năm tại xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), việc tiêu thụ mít hiện nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tư thương. Vào thời điểm chính vụ, mít chín nhiều, thương lái thu mua với giá thấp, nhiều thời điểm nông dân bị chèn ép, phải bán với giá chỉ từ 7.000 - 1.000 đồng/kg.

Việc tiêu thụ sản phẩm mít với giá cả không ổn định đang là vấn đề nan giải hiện nay không chỉ tại thị xã Sơn Tây mà trên bình diện toàn TP Hà Nội. Điều này có nguyên nhân từ liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm mít giữa tư thương và người nông dân hiện nay chưa chặt chẽ, thiếu bền vững.

Việc tiêu thụ hiện nay chủ yếu dưới dạng mít tươi nguyên quả; chưa tạo ra được những sản phẩm mít đa dạng, đã qua sơ chế, chế biến sâu. Bên cạnh đó, quy mô trồng mít trên địa bàn Hà Nội nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị…

Với tiềm năng và giá trị của cây mít đem lại, ngày 5/7 vừa qua Sở Nông NNPTNT Hà Nội phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây tổ chức vòng chung kết Hội thi tôn vinh, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ các giống mít đặc sản Hà Nội năm 2024. Hội thi có 17 đội tham dự. Đây cũng là lần đầu tiên, Hà Nội tổ chức Hội thi mít quy mô cấp thành phố.

Thiếu tá Đỗ Thị Thùy, thuộc đội thi Lữ đoàn 45 (đóng quân tại thị xã Sơn Tây), cho biết: Đội có các sản phẩm, gồm: Mít tươi, thạch, xôi, bánh xu xê, sữa chua mít cùng một số vật chất huấn luyện làm từ gỗ mít như guồng thông tin, bọc phá cối, cọc tâm, vồ thông tin. Trước đó, đội Lữ đoàn 45 từng tham gia Hội thi mít do thị xã Sơn Tây tổ chức năm 2023 và đạt giải Nhì.

Hà Nội có một loại quả đặc sản, mùi thơm nức, giá trị 280 tỷ đồng/năm, được trồng nhiều nhất ở Sơn Tây, Phúc Thọ- Ảnh 2.

Hội thi mít năm 2024 có sự tham gia của 17 đội thi đến từ 7 huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Sóc Sơn (riêng thị xã Sơn Tây có 10 đội thi đến từ 9 xã, phường và Lữ đoàn 45).

Đội xã Đường Lâm tham dự hội thi với hơn 20 sản phẩm, trong đó có 14 sản phẩm như mít kho, chè mít, bánh chưng mít, bánh gatô mít, rượu mít… Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ rễ và thân cây mít như cổng làng cổ, bình gốm, mõ, hình tượng các linh vật trâu, gà…

Riêng đội xã Cổ Đông mang đến trưng bày quả mít ta dai to nhất hội thi, nặng 37kg. Ngoài ra, còn có những sản phẩm được chế biến từ mít như: Múi và xơ mít muối chua, nộm mít, chả mít... Anh Nguyễn Văn Khiêm, Đội phó đội thi xã Cổ Đông cho biết, xã đã hai lần tham gia thi mít cấp thị xã và giành giải Đặc biệt năm 2022, giải Ba năm 2023.

Đội xã Sơn Đông - là địa phương tổ chức hội thi mít cấp xã đầu tiên của thị xã Sơn Tây, có các sản phẩm: Sữa hạt mít, rượu múi mít, mâm cỗ chay từ mít, trà làm từ vỏ mít, bánh pizza mít…; 2 cây cổ thụ tiểu cảnh mít hơn 80 năm tuổi.

Hà Nội có một loại quả đặc sản, mùi thơm nức, giá trị 280 tỷ đồng/năm, được trồng nhiều nhất ở Sơn Tây, Phúc Thọ- Ảnh 3.

Ban tổ chức trao giải cho các đội đạt giải tại Hội tôn vinh, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ các giống mít đặc sản Hà Nội năm 2024.

Ban Tổ chức trao thưởng cho các đội đạt giải. Cụ thể, Giải cây mít ngon nhất được trao cho chủ hộ đội xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ. Các giải thưởng cho các đội thi có clip thuyết trình hay nhất, trưng bày, trang trí các sản phẩm từ mít đẹp nhất, gồm: Giải Nhất xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây; 2 giải Nhì (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Lữ đoàn 45) và 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích. Đội thi của xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây đoạt giải Đặc biệt; đội xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ đoạt giải Nhất; đội xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ và đội xã Đường Lâm - thị xã Sơn Tây đoạt giải Nhì…

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, Hội thi mít thành phố năm nay nhằm mục tiêu quảng bá, giới thiệu các giống mít đặc sản Hà Nội, đồng thời, tuyển chọn các giống mít có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao đưa vào quản lý và khai thác..., góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng mít.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem