Người dân xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) đã được canh tác trên những ô thửa lớn sau dồn đổi. Ảnh: Trần Quang
Nếu không tính huyện Từ Liêm cũ, hiện Hà Nội có 109/386 xã NTM. Theo ông Cương, trong 4 năm qua, ngoài nguồn đầu tư của Nhà nước, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân ủng hộ xây dựng NTM với số vốn lên tới nhiều nghìn tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp, tổ chức đóng góp 1.306 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 2.985 tỷ đồng…
Về phát triển nông nghiệp, giá trị sản xuất của Hà Nội đã tăng lên tới 231 triệu đồng/ha đất nông nghiệp với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản hiệu quả cao, nổi bật là các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa cây cảnh… Từ việc phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM, đời sống của nông dân Thủ đô đã được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 28,6 triệu đồng/năm, tăng 14,6 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ số hộ đói nghèo ở nông thôn giảm còn 2,89%.
Riêng về công tác dồn điền đổi thửa, đến nay toàn thành phố đã thực hiện được gần 76.000ha (đạt xấp xỉ 99,5% kế hoạch). Tuy nhiên, hiện vẫn còn 7 huyện chưa hoàn thành dồn đổi với diện tích 1.936ha, tập trung nhiều nhất ở 4 huyện là Đông Anh, Hoài Đức, Quốc Oai, Ứng Hòa.
Trả lời câu hỏi của NTNN về việc, đến thời điểm này công tác dồn điền đổi thửa của thành phố vẫn còn một số vướng mắc, thậm chí tiêu cực, ông Đào Duy Tâm- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, bên cạnh những kết quả thành công, trong quá trình thực hiện vẫn nảy sinh những mâu thuẫn, nhất là lúc làm mạnh dạn thì không tránh khỏi những khiếm khuyết. Ở một số địa phương như Thạch Thất, Thanh Oai vẫn còn có xã, thôn làm chưa đầy đủ, chưa đến nơi, đến chốn.
“Trong khi làm dồn điền đổi thửa, vướng mắc, khó nhất không phải là nông dân mà chính là do một vài bác lão thành. Lúc đầu được chia đất chỗ tốt, giờ bốc thăm lại vào chỗ không tốt, nên các bác không đồng tình. Chúng tôi có hướng dẫn quy trình làm dồn điền đổi thửa rất chi tiết và cụ thể, có 4 bước đều phải làm quy hoạch xong, phải công khai, phải họp. Sau đó lên ô, lên thửa mới bốc thăm”- ông Tâm khẳng định. Mặc dù vậy, ông Tâm cũng thừa nhận, vẫn có tình trạng một số thành viên không đồng tình, có xã ở huyện Thanh Oai phản đối bằng cách không cấy lúa. Lúc đó ngành nông nghiệp có xin chủ trương thành phố, trước mắt cứ làm quy hoạch và công khai, nhưng vẫn cho cấy, song hôm sau vẫn bốc thăm chứ không bỏ cả ruộng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.