Từ ngày 6/10, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn - thị xã Sơn Tây) dừng tiếp nhận rác khiến cho toàn bộ lượng rác thải phải chuyển tải qua Khu liên hợp xử lý chất thải rắn (bãi rác Nam Sơn - huyện Sóc Sơn).
Điều này cảnh báo nhiều mối lo ngại, đáng chú ý đã có hiện tượng ùn ứ rác tại một số quận, huyện trên địa bàn TP.Hà Nội.
Nhiều hệ lụy
Theo báo cáo khẩn cấp của Chi nhánh Xuân Sơn (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - URENCO), cả 3 hồ chứa nước rỉ rác tại bãi rác này đều đang vượt quá công suất chứa tối đa.
Cụ thể: Hồ giai đoạn 1, dung tích 31.695m3 đang chứa vượt gần 2.000m3; h giai đoạn 2 dung tích 10.000m3, đang vượt 294m3; Hồ chứa Ba Vì dung tích tối đa 9.180m3 đang vượt 240m3.
Lượng nước rỉ rác đang lưu chứa tại các hồ khoảng 54.000m3; lượng nước rỉ rác tại các vị trí đất lưu không khoảng 3.000m3.
Ngoài việc không còn khả năng lưu chứa nước rỉ rác, còn có hiện tượng nước rỉ rác thấm tràn lên mặt đường quanh hồ, khu đất lưu không. Việc để nước rỉ rác tại các hồ quá cao khiến các hồ thường trực nguy cơ vỡ bờ bao.
Trước tình trạng này, đơn vị quản lý đề xuất phải bơm khẩn cấp nước rác sang lưu chứa tạm thời tại ô chôn lấp bùn thoát nước của UBND Thị xã Sơn Tây và có thể xem xét thi công ô chứa dự phòng nước rác tại ao chứa nước mưa có sẵn ở khu 5,6 ha Ba Vì.
Để tránh rác ùn ứ trên đường, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Thị xã Sơn Tây cho biết, địa phương đã đưa rác tập kết tại 6 bãi tạm thời, đồng thời có biện pháp che phủ, phun khử trùng đảm bảo vệ sinh. Tương tự, địa bàn các huyện còn lại như Thanh Oai, Mỹ Đức... cũng phải tìm mặt bằng để chứa rác tạm thời trong thời gian bãi rác Xuân Sơn dừng hoạt động.
Là đơn vị thu gom rác ở một số huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai… vận chuyển lên bãi rác Xuân Sơn để xử lý, sáng 22/10, ông Nguyễn Ngọc Oanh - Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị (MTĐT) Xuân Mai khẳng định công ty đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bãi rác Xuân Sơn phải tạm dừng hoạt động.
"Việc ảnh hưởng là điều chắc chắn. Hiện chúng tôi gặp nhiều khó khăn về việc này nhưng cũng không còn cách nào khác. Để phải giải quyết bằng giải pháp tình thế, hiện tại rác theo phân luồng, sau khi thu gom rác thải trong dân khoảng 50% được chuyển về bãi rác Xuân Sơn, 50% còn lại về bãi rác Nam Sơn. Tuy nhiên việc này cũng chỉ là giải pháp tình thế, có giới hạn nhất định, không thể kéo dài", ông Oanh nói.
Theo ông Oanh, việc bãi rác Xuân Sơn tạm dừng hoạt động không chỉ ảnh hưởng đến riêng Công ty MTĐT Xuân Mai mà kéo theo cả các đơn vị thu gom rác khác theo phân luồng của thành phố về bãi rác Xuân Sơn.
"Bây giờ thành phố và các Sở điều hành cho phép 50% lượng rác đưa đi, còn 50% để ở bãi tập kết, nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định, còn kéo dài thì không thể được. Bãi tập kết rác đầy rất nhanh, chúng tôi phải rắc vôi bột, phun khử khuẩn rất nhiều, nhất là trong điều kiện thời gian mưa gió rất tốn kém", vị Giám đốc Công ty MTĐT Xuân Mai nói và cho biết, mỗi ngày công ty của ông thu gom – vận chuyển khoảng 200 tấn rác. Thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tăng chi phí, giờ lại đến cảnh này. "Nếu chỉ là tình thế thì có thể tạm thời khắc phục được, nhưng kéo dài mãi mà không xử lý được thì rất mệt mỏi", ông Oanh lo ngại.
"Gồng mình cõng rác"
TP.Hà Nội hiện có 2 khu xử lý chất thải rắn là Xuân Sơn (Sơn Tây ) và Nam Sơn (Sóc Sơn) xử lý rác theo phương thức chôn lấp. Tuy nhiên, đến thời điểm này các bãi chôn lấp dần quá tải và sắp không còn khả năng tiếp nhận rác.
Tại bãi rác Xuân Sơn mỗi ngày xử lý chôn lấp 1.400 tấn rác, cao hơn kế hoạch được giao 230 tấn/ngày tương đương khoảng 20% dẫn đến quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Trong khi đó, dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý được kỳ vọng sẽ xử lý trên 90% lượng rác sinh hoạt đổ về bãi rác Nam Sơn đến nay vẫn chưa rõ thời điểm vận hành chính thức. Do vậy, bãi rác Nam Sơn cũng luôn trong tình trạng quá tải. Đến nay đơn vị vận hành phải tiếp nhận vượt kế hoạch 76% tổng khối lượng được giao năm 2021.
Ngày 22/10, Urenco – đơn vị quản lý vận hành bãi rác Xuân Sơn cho biết, bãi rác Xuân Sơn đã tiếp nhận rác trở lại để xử lý theo quy trình sau thời gian tạm dừng.
Khối lượng tiếp nhận của bãi rác Xuân Sơn là khoảng 700 tấn/ngày đêm.
Cùng với đó, Urenco đang tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố, đảm bảo vệ sinh môi trường tại bãi rác Xuân Sơn.
Đại diện chủ đầu tư Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý cho biết, thời điểm này đơn vị đang gặp khó trong tuyển dụng lao động, nhất là sau đợt dịch Covid-1 vừa qua gần như chủ đầu tư phải tuyển lại công nhân từ đầu.
Hiện nay, Công ty đang trả lương cho lao động phổ thông với mức 30 triệu đồng/tháng, lao động tay nghề cao thì không tuyển được. Bên cạnh đó, các chuyên gia Trung Quốc vẫn chưa được cấp giấy tờ để sang Việt Nam. "Chúng tôi đã chủ động liên hệ với cơ quan chức năng để hỗ trợ về lực lượng lao động nhưng vẫn hết sức khó khăn", đại diện chủ đầu tư cho hay.
Về việc quá tải tại bãi rác Xuân Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông chỉ đạo, cho phép Sở Xây dựng tiếp nhận rác tại khu hợp nhất giữa bãi chôn lấp số 1 và giai đoạn 2 từ ngày 1/11/2021, hoàn thành ô chôn lấp 2,2 ha tại bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh huyện Ba Vì song song với các thủ tục về môi trường theo quy định.
Với tình huống trạm xử lý nước rác phải ngừng vận hành do mất an toàn, lãnh đạo Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ động tính toán và thực hiện các giải pháp phân luồng rác và bơm nước rác tạm thời sang ô chứa bùn. Cho phép bổ sung kinh phí phát sinh vào gói vận hành bãi rác Xuân Sơn.
Đối với dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, ông Đông yêu cầu chủ đầu tư nỗ lực hoàn thành thi công vận hành nhà máy theo quy định. Trong tháng 10/2021 phải tăng khối lượng tiếp nhận rác tại bể xử lý (tối thiểu 500 tấn/ngày). Kể từ tháng 3/2022 đưa vào sử dụng khai thác đủ công suất 5 lò đốt rác.
Được biết, bãi rác Xuân Sơn đang là nơi tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 13 địa bàn gồm 12 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây với khối lượng bình quân hiện nay khoảng 1.500 tấn/ngày (trong thời điểm dịch Covid-19 lượng rác tiếp nhận khoảng 1.250 tấn/ngày).
Trong đó, xử lý chôn lấp 1.400 tấn/ngày (tăng 230 tấn/ngày, khoảng 20% so với kế hoạch) và khối lượng gói thầu, quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thiếu vị trí tiếp nhận, xử lý.
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn. Nhưng đến nay, Hà Nội mới có 2 khu xử lý (Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) hoạt động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.