UBND Thị xã Sơn Tây (TP.Hà Nội) cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô có tính chất là đô thị văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng.
Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng về điều kiện tự nhiên, di sản văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch địa phương vào lúc 19h30 phút tối 30/4/2022, Thị xã Sơn Tây sẽ tổ chức khai mạc năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây.
Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài sẽ tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa kết hợp với các điểm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vui chơi trên địa bàn và các vùng lân cận. Những quần thể văn hóa tiêu biểu, như Thành cổ Sơn Tây, đền Và, chùa Mía, Làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Sơn Tây...,
Cùng khu du lịch hồ Đồng Mô với sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam và hệ thống các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn sẽ là điểm đến thăm quan, nghỉ dưỡng của đông đảo du khách.
Đặc biệt là hoạt động của Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Đây là một trong bốn tuyến phố đi bộ của thành phố Hà Nội.
Tuyến phố đi bộ đưa vào hoạt động sẽ phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm nhằm tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, vui tươi, ấn tượng, mới lạ, sống động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của Nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi dịp cuối tuần.
Từ đó, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thị xã.
Tuyến phố đi bộ sẽ bắt đầu từ phố Phó Đức Chính - Phan Chu Trinh - Nguyễn Thái Học với điểm đầu là Cổng cũ UBND Thị xã và điểm cuối là Ngã ba Quang Trung - Nguyễn Thái Học (cầu cửa Tiền), với tổng chiều dài khoảng 820m, tổng diện tích khoảng: 34.550m2.
Thời gian hoạt động từ 19 giờ thứ Bảy đến 12 giờ Chủ nhật hàng tuần. Các hoạt động chính diễn ra trên Tuyến phố đi bộ gồm: hoạt động biểu diễn văn nghệ, đua thuyền, câu cá, múa rối nước, đi cà kheo, các trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật đương đại, ca nhạc đường phố, dân vũ, vũ quốc tế, vẽ chân dung, ký họa, thư pháp, các giải đấu vật, cờ vua, cờ tướng; triển lãm tranh, ảnh, sinh vật cảnh, giới thiệu sách, báo, tạp chí và các hoạt động dành cho thiếu nhi; các hoạt động giao lưu văn hóa xứ Đoài và các vùng miền…
Cùng với đó là hoạt động kinh doanh dịch vụ, giải khát, ẩm thực đường phố; giới thiệu các mặt hàng lưu niệm, mỹ phẩm, thời trang, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Sơn Tây - xứ Đoài và các địa phương, dịch vụ mobile house ( nhà di động )…
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Đăng Thạo – Trưởng ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, Phó ban Thường trực Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây cho biết thêm, đến nay, đơn vị đã hoàn thành toàn bộ công tác chỉnh trang vỉa hè, tổ chức sơn vạch kẻ đường các tuyến phố xung quanh thành cổ.
Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã nuôi 80 đôi chim bồ câu từ nguồn xã hội hóa, hiện đang huấn luyện, gây đàn để hình thành và phát triển “Đàn chim thành cổ Sơn Tây”, thả 500 con cá koi và cá chép vào hai giếng ngọc tạo cảnh quan; xây dựng lắp 2 điểm quét mã Qrcode với giao diện 360o tại 2 cổng Thành cổ giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây cho du khách và nhân dân tìm hiểu.
“Nét mới của tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là gắn với không gian di sản Thành cổ Sơn Tây và các điểm di tích tâm linh khác như Đường Lâm, Đền Và, Văn Miếu. Khách đến với Sơn Tây sau khi thăm quan các di sản ban ngày buổi tối sẽ tham quan tuyến phố đi bộ và trực tiếp tham gia vào các hoạt động thể thao đường phố, các trò chơi dân gian như cà kheo, chắt chuyền, rồi múa nước... Giao lưu văn hóa giữa các địa phương, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, còn có các bạn Lào, Campuchia tham gia giao lưu văn hóa... Mua sắm các sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm đặc trưng của khu vực xứ Đoài”, ông Thạo chia sẻ.
Theo ông Thạo, việc triển khai tuyến phố đi bộ sẽ là điểm nhấn để kết nối các điểm di sản, tạo không gian văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí cho nhân dân thị xã và các huyện lân cận như Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất và huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần thúc đẩy ngành thương mại dịch vụ, du lịch,.. phát triển kinh tế Thị xã Sơn Tây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.