Hà Nội: Ngang nhiên đập phá tài sản của dân

Thứ tư, ngày 30/03/2011 12:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lấy danh nghĩa mượn đất để nhà chùa làm nơi tổ chức đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa, hàng trăm người quá khích đã đập phá, hủy hoại tài sản của công dân, doanh nghiệp gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Bình luận 0

Chính quyền bất lực?

Theo trình bày của ông Nguyễn Văn Đích (trú tại xã Đại Mỗ, Từ Liêm) thì khoảng 14 giờ ngày 20.3, tài sản của gia đình ông và Công ty Thành Ba Đình tại thôn Giao Quang, xã Đại Mỗ đã bị gần 100 người xông vào đập phá. Nhiều cây ăn quả, cây cảnh, vật liệu xây dựng, chuồng nuôi gà… đã bị phá hủy.

img
Nhiều người nhổ cây, phá tài sản trên đất gia đình ông Đích đang sử dụng.

Vụ phá hủy này cũng khiến 270 con gà của ông Đích chết do bị một số người kéo sập chuồng. Ông Đích cho biết, khu đất này do gia đình ông quản lý từ lâu, trong đó riêng diện tích hồ Song được xã cho thuê từ hơn 10 năm nay.

Phần diện tích này, gia đình ông liên kết với Công ty Thành Ba Đình để nuôi trồng thủy sản, nuôi trai lấy ngọc, chăn nuôi gia súc, gia cầm và đất trồng cây cảnh, cây ăn quả...

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, ông Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ Nguyễn Minh Giảng và nhiều công an xã, cán bộ xã cũng có mặt nhưng không ngăn cản được các đối tượng trên (?). Ngược lại, những đối tượng này càng hăng máu, lao tới dỡ tường rào ngăn với nhà chùa, phá tài sản, rào chắn lối đi một cách bất hợp pháp. Khi lực lượng Cảnh sát 113 – Công an Từ Liêm có mặt, sự phá hoại vẫn không dừng lại...

Ông Nguyễn Khắc Hải - đại diện cho Công ty Thành Ba Đình cũng tỏ ra vô cùng bức xúc: Sáng 20.3, sư trụ trì chùa Giao Quang có ngỏ ý với gia đình ông Đích là muốn mượn phần đất sát khuôn viên của chùa để tổ chức đón nhận sự kiện nhà chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa vào ngày 24.3.

Gia đình ông Đích xin có thêm thời gian để bàn với Công ty Thành Ba Đình, nhằm mục đích di dời các tài sản đang có trên đất, để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, việc di chuyển còn chưa kịp thì ngay đầu giờ chiều cùng ngày đã xảy ra sự việc nêu trên.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Cũng theo đại diện của Công ty Thành Ba Đình thì mới đây, Công ty đã tự bỏ ra khoảng 40 tỷ đồng để đề nghị UBND TP.Hà Nội cho phép cải tạo hồ Song thành một nơi vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân thủ đô và đã được chấp thuận.

Đây thực chất là một vụ hủy hoại tài sản. Chúng tôi đã có đơn đến Công an huyện Từ Liêm.

“Việc nhà chùa đón nhận sự kiện được công nhận là di tích lịch sử văn hóa là niềm vui chung của nhân dân trong xã, trong đó có cả chúng tôi. Công ty đã bàn với gia đình anh Đích là phải ủng hộ. Chúng tôi xin thời gian để di chuyển tài sản cho đỡ thiệt hại. Vậy mà... xã đang cố tình gây sức ép nhằm chiếm đất. Đây thực chất là một vụ hủy hoại tài sản. Chúng tôi đã có đơn đến Công an huyện Từ Liêm, Công an TP.Hà Nội để đề nghị khởi tố hình sự” - ông Hải.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Tiến Sơn- Bí thư Đảng ủy xã Đại Mỗ cho biết, vì gia đình ông Đích không hợp tác cho nhà chùa mượn đất nên nhiều người dân trong xã đã bức xúc, xông vào san lấp, dọn vệ sinh trên phần đất sát khuôn viên của chùa. Khi được báo cáo có thể xảy ra xô xát, tôi đã yêu cầu đồng chí Chủ tịch xã đến hiện trường để ổn định trật tự.

Ông Sơn cũng cho rằng, “khu đất này trước kia cũng là của chùa”. Tuy nhiên, vấn đề này, cán bộ địa chính của xã cũng không thể xác định được đâu là đất chùa, đâu là đất của nhà ông Đích.

Được biết, sát Tết năm 2010, UBND xã Đại Mỗ đã định cưỡng chế hai gian nhà cấp 4 mà gia đình ông Đích và Công ty Thành Ba Đình đang sử dụng để trông giữ tài sản nhưng phải dừng lại vì TP.Hà Nội đã yêu cầu cho phép Công ty Thành Ba Đình sử dụng 2 gian nhà này phục vụ cho việc kè hồ Song.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem