Hà Nội sở hữu đàn bò 130.000 con, nhiều giống bò khổng lồ nặng gần 1 tấn, nông dân nuôi đều có lãi

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 07/10/2022 18:34 PM (GMT+7)
Với tổng đàn bò khoảng 130.000 con, hàng năm, Hà Nội cung cấp cho thị trường khoảng 8.000 con bê sữa, 55.000 bê thịt các loại. Đặc biệt, Hà Nội đang là địa phương đi đầu cả nước về chăn nuôi bò thịt BBB - giống bò khổng lồ, cho tỷ lệ thịt xẻ cao.
Bình luận 0

Nhờ đầu tư chăn nuôi các giống bò lai cho năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo bò miễn phí, triển khai các mô hình nuôi bò sinh sản, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội không chỉ thoát nghèo mà còn có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Tạo sinh kế bền vững từ mô hình nuôi bò sinh sản

Vợ chồng chị Đỗ Thị Khuyên (thôn 3, xóm Vao, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) cùng là người khuyết tật, vì vậy hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn. Thu nhập của vợ chồng chị chỉ trông vào việc đi bán hàng từ thiện của chồng và vài sào ruộng.

May mắn, chị Khuyên được Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất chọn tham gia mô hình chăn nuôi bò sinh sản của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Chị Khuyên được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn cách chăm sóc, phòng dịch và phối giống.

Nâng tầm ngành chăn nuôi bò ở Thủ đô - Ảnh 1.

Khu chuồng trại chăn nuôi 170 con bò đực 3B vỗ béo nuôi hướng thịt của gia đình anh Vũ Kim Tuyền (ở xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: T.Q

Giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt 3 mục tiêu lớn. Cụ thể: Đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho 4.000 lượt hộ chăn nuôi; 50 dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo bò có tay nghề cao và 240 cán bộ kỹ thuật tại cơ sở.

Hỗ trợ 207.000 liều tinh bò có năng suất chất lượng cao, tập trung cho các giống bò có năng suất, chất lượng nổi trội.

Sản xuất trên 100.000 bò cái, bò thịt, bò sữa chất lượng cao; giám định bình tuyển 15.000 bò sữa và bò thịt; cấy truyền 150 phôi bò thuần chủng giống Wagyu.

Lứa bê đầu, vợ chồng chị đem bán được 16 triệu đồng. Chị Khuyên đã dành ra một khoản để mua xe đạp điện cho con gái lớn đi học, số tiền còn lại vợ chồng chị tiếp tục đầu tư làm ăn, dần dà đã thoát nghèo. Hiện tại, bò giống nhà chị Khuyên đã sinh sản lứa thứ 2 được 3 tháng.

Bà Vương Thị Chung - Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất cho biết, mô hình chăn nuôi bò sinh sản được đơn vị triển khai trên địa bàn từ năm 2017 tới nay, chủ yếu tập trung hỗ trợ cho các hộ nghèo tại các xã dân tộc miền núi, các hộ có điều kiện chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, khoảng 90% hộ gia đình tham gia mô hình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Là một trong những hộ được Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ chăn nuôi giống bò cao sản, anh Nguyễn Bá Anh (khu 5, xã Minh Châu, huyện Ba Vì) chia sẻ: "Nếu như trước đây, nuôi bò cỏ truyền thống cho lãi 5 - 6 triệu đồng/năm thì từ khi chuyển sang nuôi giống bò cao sản, gia đình tôi lãi 8 - 10 triệu đồng/con. Hiện, gia đình tôi đang nuôi 28 con bò, trong đó có 4 con Wagyu. Với việc phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao, gia đình tôi có thu nhập 250 - 300 triệu đồng/năm".

Những đàn bò chất lượng

Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, hiện tổng đàn bò của TP là 130.000 con, so với thời điểm năm 2008, tổng đàn giảm 6,9% nhưng năng suất tăng 36%. Trong đó, đàn bò sữa hơn 13.800 con, bò thịt và bò sinh sản hơn 117.000 con.

Đặc biệt, Hà Nội đang là địa phương đi đầu cả nước về chăn nuôi bò thịt BBB. Giống bò BBB có tỷ lệ thịt xẻ rất cao, khoảng 61,6%, trong khi các giống bò khác chỉ đạt 38-40%. Phẩm chất thịt thơm ngon. Bò cái mang thai lứa đầu nặng 700 – 750 kg/con, cái cơ bản nặng 850 – 900 kg/con, bò đực trưởng thành nặng tới 1.100 – 1.200kg.

Theo Công ty CP Giống gia súc Hà Nội, bê lai F1 BBB sinh ra khỏe mạnh, có trọng lượng từ 28 đến 32kg, tăng trung bình 1 kg/ngày. Một con bò lai BBB 18 tháng tuổi có thể nặng 700kg, tỷ lệ thịt đạt 63%, cho giá trị cao hơn từ 8 đến 10 triệu đồng so với bò nuôi truyền thống.

Nhìn lại Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn thành phố, trước năm 2010, tổng đàn bò trên địa bàn khoảng 149.000 con, trong đó bò sữa 7.700 con, còn lại là bò thịt và bò sinh sản. Giai đoạn này, chủ yếu là các giống bò có năng suất, chất lượng thấp.

Đối với bò sữa, sản lượng sữa chỉ đạt dưới 4.000 lít/chu kỳ. Đối với bò thịt, tỷ lệ bò lai Zebu chiếm 70% (các giống chủ yếu là bò lai Sind), tỷ lệ bò được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo mới đạt khoảng 34%.

Song từ năm 2011 đến nay, với việc thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo bò miễn phí, Hà Nội đã đưa các giống bò mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Chất lượng đàn bò đã được nâng lên tầm cao mới.

Hàng năm, Hà Nội cung cấp cho thị trường khoảng 8.000 con bê sữa, 55.000 bê thịt các loại. Cụ thể đối với bò thịt, đã đưa các giống bò năng suất, chất lượng cao vào lai tạo (Brahman, Droghmatterr, BBB, Charolai, Angus, Wagyu...). Đây đều là những giống bò "khổng lồ", cho sản lượng thịt xẻ cao, được thị trường ưa chuộng. 

Nhờ đó, khối lượng trung bình ở giai đoạn trưởng thành (24 tháng tuổi) từ 220 - 300 kg/con (bò vàng) tăng lên 350 - 380 kg/con (bò lai sind) và đến nay khối lượng của các giống bò lai chất lượng cao đã tăng lên 480 - 650 kg/con. 

Theo đánh giá của Sở NNPTNT Hà Nội, các giống bò mới đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi thêm từ 3 - 6 triệu đồng/con bê. Ngoài ra, công tác cải tạo đàn bò cái nền bằng tinh bò Brahman, Senepol là tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo, sản xuất giống bò thịt trên địa bàn Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem