Trần Quang
Thứ tư, ngày 13/05/2020 20:44 PM (GMT+7)
Kết luận hội nghị giao ban Chương trình số 02 mới đây tại Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa chống dịch vừa tăng tốc phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) theo kế hoạch.
Chia sẻ với lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành tại hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến hết tháng 4/2020 tổ chức mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Mặc dù quý I/2020, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn song đáng mừng là các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC), liên kết chuỗi vẫn tăng.
"Trước mắt, 6 huyện, thị xã: Thanh Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Thạch Thất, Phú Xuyên, Sơn Tây phải nỗ lực đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; đề nghị các quận tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các huyện, thị xã, đặc biệt là 6 huyện, thị xã phấn đấu đạt chuẩn NTM".
Bà Ngô Thị Thanh Hằng
Cụ thể, đến nay thành phố có 164 mô hình ứng dụng NNCNC (tăng 26 mô hình so với năm 2019) và 141 liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm (tăng 2 chuỗi liên kết so với cuối năm 2019); giá trị sản phẩm NNCNC hiện chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Dù còn khó khăn song TP.Hà Nội đặc biệt quan tâm, ưu tiên kinh phí đầu tư cho xây dựng NTM. Ước tính, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình NTM từ đầu năm 2016 đến hết tháng 4/2020 đạt khoảng trên 56.000 tỷ đồng (tăng trên 11.300 tỷ đồng so với cuối năm 2019).
Bên cạnh kết quả đã đạt được, bà Hằng cũng chỉ ra một số hạn chế trong xây dựng NTM như: Tiến độ điều chỉnh quy hoạch NTM tại một số địa phương còn chậm; công tác vệ sinh môi trường nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; ở các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa tỷ lệ hộ nghèo còn cao...
Do đó, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02 Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu: "Các huyện, thị xã phải coi xây dựng NTM là phong trào thi đua thiết thực nhất ở ngoại thành, lập thành tích chào mừng thành công đại hội đảng bộ các cấp. Các huyện, thị xã đã tích cực với chương trình NTM cần tích cực hơn, phải quyết tâm cao và vào cuộc quyết liệt".
Đối với phát triển nông nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Sở NNPTNT triển khai ngay gói hỗ trợ 700 tỷ đồng "kích cầu" nông nghiệp; triển khai phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt của thành phố; tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thị trường, tạo cơ hội mới cho kinh tế nông nghiệp.
Các huyện, thị xã tiếp tục rà soát và dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương mình để xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; có giải pháp căn cơ, bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... để bảo đảm tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,12% năm 2020...
Phấn đấu có 1.000 sản phẩm OCOP
Tại hội nghị, bà Hằng cũng yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội tháo gỡ khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho nông dân; rà soát diện tích trồng lúa kém hiệu quả để hướng dẫn các huyện, thị xã quy trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...
Nhấn mạnh phát triển Chương trình OCOP nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải nâng cao vai trò trách nhiệm, hỗ trợ các sản phẩm nông sản, làng nghề của địa phương xây dựng OCOP.
"Sở NNPTNT thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2020 để đến cuối năm 2020, Hà Nội có 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online..." - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02 nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.