Hà Nội: Thường xuyên rà soát, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến thiên tai xảy ra

PV Thứ bảy, ngày 09/12/2023 11:19 AM (GMT+7)
Hiện nay các quận, huyện, thị xã đều thường xuyên rà soát, bổ sung phương án hộ đê, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương án để sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất thường xảy ra.
Bình luận 0

Các ban ngành thường xuyên kiểm tra công trình đê điều

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, năm 2023 được dự báo tình hình mưa lũ, bão có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động trong công tác phòng, chống lụt, bão, bảo đảm an toàn đê điều, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã chỉ đạo các Hạt Quản lý đê phối hợp với Phòng Kinh tế (hoặc Phòng ban phụ trách công tác phòng, chống thiên tai) của các quận, huyện, thị xã thường xuyên triển khai tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều.

Đồng thời, xác định các trọng điểm và các điểm đê điều xung yếu; trên cơ sở kết quả kiểm tra, lập phương án bảo vệ các trọng điểm, các điểm đê điều xung yếu, phương án hộ đê toàn tuyến trên địa bàn quản lý.

Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê điều trước lũ 2023, trên các tuyến đê thuộc Thành phố xác định còn 05 trọng điểm xung yếu cấp Thành phố gồm: Khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu, tương ứng K0+000÷K2+000 đê tả Đuống, huyện Đông Anh;

Công trình cống Liên Mạc, tương ứng K53+450 đê hữu Hồng, quận Bắc Từ Liêm; Cống Cẩm Đình tại K1+350 đê Vân Cốc, huyện Phúc Thọ;  Khu vực đê, kè, cống thuộc địa bàn xã Tân Hưng, xã Bắc Phú tương ứng K22+500 đến K26+000 đê hữu Cầu, huyện Sóc Sơn;

Hà Nội: Thường xuyên rà soát, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến thiên tai xảy ra - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý sự cố đê.

Khu vực kè Liên Trì tương ứng từ K46+000¸ K47+000 có cống lấy nước Đan Hoài 2 cửa (2,5x1,7)m và dự án xây dựng nhà máy Nước mặt Sông Hồng.

Cũng trong năm 2023, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3180/QĐ-UBND ngày 12/6/2023 phê duyệt Phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2023.

Ngoài ra, Ngày 12/6/2023, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai có văn bản số 444/ĐĐ-QLĐĐ; trong đó xác định đoạn đê hữu Hồng thuộc Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên nêu trên là trọng điểm đê điều xung yếu cấp Thành phố năm 2023.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành tổ chức thực hiện phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện và các điều kiện đảm bảo thực hiện phương án theo phương châm "4 tại chỗ";

Kịp thời huy động lực lượng, vật tư, phương tiện hỗ trợ quận, huyện, thị xã phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai khi vượt quá khả năng của các địa phương. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố ban hành quy định về việc chuẩn bị dụng cụ, vật tư và hoạt động của đội tuần tra canh gác bảo vệ đê phục vụ công tác hộ đê năm 2023.

Các quận huyện phối hợp chặt chẽ trong công tác an toàn đê điều

Sở Nông nghiệp & PTNT - Cơ quan thường trực Phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2023, thành phố Hà Nội phù hợp với tình hình thực tế.

Song song với đó, UBND quận, huyện, thị xã cũng theo dõi chặt chẽ, báo cáo kịp thời mọi diễn biến sự cố, thiên tai trên địa bàn; chủ động huy động mọi nguồn lực xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo an toàn đê điều, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Hà Nội: Thường xuyên rà soát, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến thiên tai xảy ra - Ảnh 2.

Cán bộ diễn tập các phương án xử lý đối với sự cố đê ở Hà Nội.

Những điểm xung yếu được thống kê được Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã giao tiểu ban kỹ thuật lập phương án, trình cơ quan chức năng phê duyệt. Vào mùa lũ cần tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực để sẵn sàng xử lý nếu có tình huống bất lợi xảy ra.

Hiện nay, từ Thành phố đến các quận, huyện, thị xã đã triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu đã duyệt: chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương án để sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất thường xảy ra.

Ngoài ra, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho các lực lượng tham gia công tác hộ đê (lực lượng xung kích, lực lượng tuần tra canh giác đê…), chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư trên các điếm canh đê, tổ chức và thực hiện nghiêm chế độ tuần tra canh gác bảo vệ đê theo quy định của tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp & PTNT, để phát hiện và xử lý kịp thời sự cố ngay từ giờ đầu đảm bảo an toàn cho công trình đê, kè, cống; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời khi có sự cố công trình đê điều xảy ra trong mùa mưa bão.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem