Hà Nội: Về nơi phế thải nhựa, nylon cao như núi

Thứ sáu, ngày 24/08/2012 13:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những đống phế thải nhựa, nylon cao như núi chất la liệt hai bên đường là hình ảnh thường thấy ở thôn Trung Văn (xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội).
Bình luận 0

Ô nhiễm nặng

Về thôn Trung Văn, khách sẽ “sốc” khi thấy những đống túi nylon, vỏ chai nhựa, bao dứa... chất cao như núi, tràn ra khắp đường làng ngõ xóm. Vào những ngày nắng nóng, trời nồm, từ những đống rác này bốc lên mùi hôi thối nồng nặc rất khó chịu, khiến bất cứ ai qua đây cũng phải che miệng, bịt mũi.

img
Dọc hai bên đường ở thôn Trung Văn la liệt những đống phế thải cao như núi

Ông Đào Đăng Anh - Trưởng thôn Trung Văn cho biết: "Thôn có 780 hộ dân/3.500 nhân khẩu, tất cả đều sử dụng giếng khoan quy mô gia đình, nước bơm lên cứ vàng khè và có mùi hôi tanh, dù đã qua lọc những nước vẫn rất đục. Nhưng vì không có nước máy nên người dân nơi đây đành phải liều dùng, dù biết rất nguy hiểm, độc hại".

Theo ông Anh, sự phát triển của các khu công nghiệp quanh thôn đã làm tắc nghẽn một số hệ thống mương cống, dẫn đến nước thải ứ đọng lại. Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm là do nguồn nước thải từ các hộ làm nghề tái chế nhựa phế thải của thôn gây ra.

“Làng Trung Văn nằm giữa các khu công nghiệp, khu chung cư cao cấp nhưng vẫn "khát" nước sạch.”

Chị Nguyễn Thị Hằng

Cách đây hơn chục năm, hầu hết người dân ở đây đều làm nông nghiệp, nhưng vài năm gần đây họ đành "nhường đất" cho xây dựng các khu công nghiệp và đô thị. Lúc hết đất cũng là lúc nghề tái chế nhựa được người dân du nhập về, ban đầu chỉ vài hộ, nhưng hiện nay đã có khoảng 70% số hộ làm nghề tái chế nhựa.

Chị Nguyễn Thị Hằng - người dân trong thôn phân trần: "Mỗi ngày ở đây nhập về hàng chục tấn phế thải và thải ra hàng nghìn m3 nước chưa qua xử lý, nên không khí và nguồn nước ô nhiễm rất nặng nề. Ở thôn cũng đã có một số người mắc bệnh ung thư, không biết có phải do không khí, nguồn nước ô nhiễm gây nên không?".

“Dài cổ” ngóng nước sạch

Được biết, sau khi được cọ rửa, những túi nylon, chai nhựa… được đưa vào lò nung để rồi làm các sản phẩm như dây thừng, rổ, rá nhựa… Phải thừa nhận rằng, nghề tái chế nhựa đã giúp cho đời sống của bà con ở đây ngày một khá giả, nhưng đi liền với đó là sự ô nhiễm môi trường không khí và nước sinh hoạt. Đây là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng.

Trưởng thôn Đào Đăng Anh cho hay: Năm 2000, UBND TP.Hà Nội đã đầu tư cho huyện Từ Liêm xây dựng một nhà máy nước sạch tại thôn Trung Văn công suất 1.000m3/ngày, với kinh phí 5,7 tỷ đồng, dự kiến năm 2004 sẽ đi vào hoạt động.

Cuối năm 2004 Công ty Nước sạch và đô thị Hà Nội mới xây xong khu nhà máy và trục chính đường dẫn nước, nhưng sau đó đơn vị thi công đã "bỏ của chạy lấy người". Đầu năm 2006, UBND xã Trung Văn buộc phải tiếp quản và triển khai lắp đặt hệ thống đồng hồ, đường ống đến từng hộ dân, nhưng khi vừa vận hành thử thì hệ thống đường ống chính vỡ tung, nên một lần nữa nhà máy nước lại "đắp chiếu", còn người dân thì "dài cổ" ngóng nước sạch...

Theo kết quả phân tích của Viện Công nghệ môi trường, mẫu nước thải tại các cơ sở tái chế nhựa ở Trung Văn có chứa các chất như: BOD5, COD, các chất lơ lửng, dầu thực vật… đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Các chất khí thải trong quá trình sản xuất như: H2S, NO2, CO… đều là khí độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân.

Mới đây Trung tâm Y tế dự phòng huyện Từ Liêm phối hợp với xã Trung Văn kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt tại thôn Trung Văn. Kết quả cho thấy, chỉ có 3/5 mẫu nước được kiểm tra đạt về tiêu chuẩn vi sinh; 1/5 mẫu nước đạt tiêu chuẩn lý - hóa, 4 mẫu còn lại không đạt do nước có màu vàng, chỉ tiêu sắt và amoni cao hơn nhiều so với giới hạn cho phép.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem