Hà Nội xe khách chạy ban đêm có “tái diễn” việc chạy lốt 600 triệu vào bến xe?

Hiếu Anh Thứ ba, ngày 21/04/2020 11:27 AM (GMT+7)
Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc Sở GTVT Hà Nội đang dự thảo cho phép các bến xe khách hoạt động thêm vào ban đêm, xe khách tuyến cố định chạy đêm được đi vào tuyến đường ngắn nhất (có thể chạy xuyên tâm), thay vì áp dụng quy hoạch luồng tuyến phân theo khu vực.
Bình luận 0

Cho phép xe khách chạy ban đêm?

Đề xuất cho xe khách chạy "xuyên tâm" vào ban đêm của Sở GTVT Hà Nội đã gây ra nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều. Nhiều doanh nghiệp vận tải, người dân, cũng lo lắng việc này liệu có đúng với quy hoạch chi tiết vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến 2020, định hướng đến 2030 của Hà Nội hay không? Đồng thời, có thể khiến "bức tranh" vận tải hành khách liên tỉnh của Hà Nội "vỡ trận" như câu chuyện của 10 năm trước đối với bến xe Mỹ Đình quá tải?

img

Bến xe Mỹ Đình từng quá tải.

Trước những thông tin trên, Sở GTVT Hà Nội đã chính thức lên tiếng về vấn đề này, trong văn bản 1748/SGTVT-QLVT liên quan tới hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô do Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, ông Vũ Hà ký ban hành nêu rõ, Hà Nội có 980 chuyến xe khách có "lốt" giờ xuất bến trong khoảng thời gian từ 19h hôm trước đến 6h hôm sau. Ngoài ra, còn các xe xuất bến từ các tỉnh, thành phố từ đêm hôm trước tới các bến xe của Hà Nội trong khung giờ ban ngày.

Về khung giờ hoạt động, giờ xuất bến tại bến xe Nước Ngầm từ 5h đến 24h hằng ngày; Bến xe Giáp Bát từ 5h đến 20h hằng ngày; Bến xe Mỹ Đình từ 5h đến 23h45 hằng ngày; Bến xe Gia Lâm từ 6h đến 23h hằng ngày; Bến xe Yên Nghĩa từ 6h đến 21h45 hằng ngày và bến xe Sơn Tây từ 6h đến 19h hằng ngày. Ngoài các khung giờ trên, nếu có xe đến, các bến xe vẫn tiếp nhận kể cả khi đã đóng bến.

Lý giải về đề xuất cho xe khách chạy ban đêm, Sở GTVT Hà Nội cho rằng: "Đang nghiên cứu là kéo dài thời gian phục vụ, tăng khả năng tiếp nhận của bến, đáp ứng thêm nhu cầu đi lại của nhân dân vào các khung giờ thấp điểm, qua đó tạo thuận lợi cho công tác tổ chức giao thông. Việc kéo giãn mật độ xe và hành khách sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông trong các khung giờ cao điểm".

Phương án vận tải được tổ chức hoạt động phải đáp ứng được 5 yêu cầu: Không làm tăng thêm áp lực giao thông trên địa bàn thành phố trong thời gian từ 6h đến 19h hằng ngày; Doanh nghiệp phải cam kết duy trì hoạt động tại khung giờ đã đăng ký, không đổi "lốt" giờ xuất bến từ khung giờ thấp điểm sang khung giờ cao điểm; Việc đăng ký hoạt động của tuyến xe mới không gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị hiện đang hoạt động. Các bến xe hai đầu tuyến phải có phương án hoạt động khi kéo dài thời gian phục vụ của bến, đáp ứng yêu cầu theo quy định hiện hành; Phải được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và có sự thống nhất của liên ngành, được sự chấp thuận của UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT.

img

Dù Hà Nội chưa cho phép xe khách hoạt động vào ban đêm nhưng một số tuyến phố đã xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc hoạt động công khai vào ban đêm.

Có đúng quy hoạch của Bộ GTVT?

Còn nhớ, trong quá khứ, bến xe Mỹ Đình từng là tâm điểm về việc quá tải vì lượng phương tiện đổ dồn về đây quá lớn, gây ùn tắc giao thông tại nhiều tuyến phố do xe khách chạy xuyên tâm. Đặc biệt, để có được "lốt" xe hoạt động các doanh nghiệp vận tải, nhà xe phải đấu tranh bằng nhiều cách khác nhau, kéo theo đó là hàng loạt những hệ luỵ, "tiêu cực" gây nhức nhối trong dư luận một thời gian dài.

Điển hình của hiện tượng "tiêu cực" đã từng gây "rúng động" dư luận Hà Nội trước phát ngôn của một cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong cuộc họp của Bộ GTVT diễn ra vào ngày 15/10/2015 về việc xin một "lốt" xe vào bến xe Mỹ Đình mất đến 500 - 600 triệu đồng.

Điều cũng khiến các nhà quản lý đau đầu và dư luận "nhức nhối" nữa, phải kể đến vấn nạn xe dù, bến cóc hoạt động ngang nhiên, công khai, xe chạy kiểu "rùa bò" để bắt khách dọc các tuyến đường xung quanh các bến xe gây ùn tắc giao thông đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh.

Cùng với đó, tình trạng xe khách bỏ bến bắt khách dọc đường, sự "bùng nổ" của xe hợp đồng trá hình dạng Limousine gây nên cảnh "hỗn loạn" ùn tắc giao thông tại nhiều tuyến phố mặc dù Hà Nội đã có nhiều giải pháp mạnh nhưng đến nay vẫn chưa thể dẹp được tình trạng này, gây bức xúc giữa các doanh nghiệp vận tải chân chính.

Để xoá bỏ vấn nạn xe dù, bến cóc, giảm ùn tắc giao thông nội đô, vào cuối năm 2016, Sở GTVT Hà Nội đã điều chuyển các luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh giữa các bến xe Mỹ Đình về các bến xe khác trên địa bàn thành phố, xoá bỏ tình trạng xe khách chạy xuyên tâm vào nội đô. Đây là giải pháp mạnh được Sở GTVT kiên quyết thực hiện để sắp xếp đưa các luống tuyến xe khách trở lại đúng với biểu đồ quy hoạch.

Thời điểm này, Sở GTVT Hà Nội cũng đã vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp vận tải, tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã cứng rắn khẳng định, việc điều chuyển xe khách khỏi bến Mỹ Đình không đúng với quy hoạch của Bộ GTVT, nếu việc điều chuyển sai các doanh nghiệp có thể kiện Sở.

Như vậy, dù Hà Nội chưa cho phép xe khách hoạt động thêm vào ban đêm đã xảy ra nhiều lùm xùm, kéo theo nhiều hệ luỵ ùn tắc giao thông. Liệu rằng, việc cho xe khách chạy vào ban đêm có khiến cho giao thông Hà Nội trở nên phức tạp hơn? Có đi ngược lại với chủ trương trước đây của Sở GTVT, quy hoạch của Bộ GTVT?

Theo Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt quy hoạch chi tiết vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến 2020, định hướng đến 2030 có nêu rõ: Đối với các tuyến xe khách liên tỉnh đi và đến địa bàn TP Hà Nội sẽ bố trí luồng tuyến đến/đi từ các tỉnh/thành phố vào các bến xe Hà Nội theo nhu cầu và theo hướng tuyến cũng như tính kết nối với mạng lưới giao thông.

Cụ thể, các tuyến theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 1B đi vào bến xe Gia Lâm; các tuyến đi theo hướng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6 đi vào bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo hướng Quốc lộ 32, Cầu Thăng Long đi vào bến xe Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng Quốc lộ 1, đường Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát. Đối với các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020, chỉ tăng cường vào các dịp lễ, tết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem