Hà Nội:Tập trung nguồn lực bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, đảm bảo an toàn đời sống nhân dân sau mưa lũ

PV Thứ hai, ngày 07/10/2024 15:57 PM (GMT+7)
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 2960/SNN-TTBVTV gửi UBND các quận, huyện, thị xã tập trung mọi nguồn lực thực hiện bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt.
Bình luận 0

Tuyên truyền hướng dẫn người dân gieo cấy đúng thời vụ

Ảnh hưởng của mưa lớn và bão số 3 - Yagi đã gây gẫy đổ, ngập úng diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt trên địa bàn Hà Nội. Vì vậy, để khắc phục thiệt hại trong lĩnh vực trồng trọt, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ Mùa và mở rộng diện tích cây trồng vụ Đông năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện và thị xã tập trung mọi nguồn lực bơm thoát, tiêu úng. Đồng thời, tuỳ thuộc vào các trà lúa cần thực hiện các biện pháp cụ thể sau: 

Đối với cây lúa: Với diện tích lúa đang giai đoạn trỗ cần tiến hành dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi, đứng nhanh và thúc đẩy lúa trỗ thoát; 

Đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch cần tập trung thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" nhằm giải phóng đất để gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm như Ngô, Đậu tương, Ớt và Dưa, Bí các loại… theo phương châm gieo trồng càng sớm càng tốt.

Với các trà lúa chuẩn bị thu hoạch: Cần tính toán thời gian để làm bầu với nhóm cây ưa ấm cho phù hợp với thời gian thu hoạch lúa, tránh để cây con quá ngày trong bầu, khi trồng phục hồi chậm và bị còi cọc. Sau trồng, nếu thời tiết thuận lợi, sau 3 - 4 ngày cây bén rễ cần tưới thúc ngay bằng phân NPK kết hợp nước phân chuồng loãng để thúc cây ra rễ nhanh. 

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, khơi thông, vét mương máng và tạo rãnh thoát nước kết hợp rãnh tưới quanh ruộng và bề mặt ruộng đề phòng mưa lớn gây úng cục bộ, tháo cạn nước mặt ruộng, giữ nước nông hệ thống kênh mương vùng lúa đã chín và sắp chín để tạo thuận lợi cho trồng cây vụ đông. Bố trí nguồn lực để tăng cường công tác tập 2 huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gieo trồng cây vụ đông, các giải pháp làm đất tối thiểu, không làm đất với đậu tương, khoai tây, bí xanh, dưa chuột ….

Cây rau, màu: Tập trung tranh thủ, kịp thời thu hoạch diện tích đã đến thời kỳ thương phẩm để đảm bảo năng suất và chất lượng.

Tập trung nguồn lực bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, đảm bảo an toàn đời sống nhân dân sau mưa lũ - Ảnh 1.

Người dân thu hoạch lúa ở vùng ngoại thành Hà Nội. Ảnh: D.V.

Đối với những diện tích chưa đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại không có khả năng phục hồi. Sau khi nước rút cần thực hiện thu gom các cây hoa, rau bị thiệt hại nặng để tiêu hủy, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ.

Đối với diện tích thiệt hại nhẹ, cần chủ động kiểm tra, thoát nước kịp thời, không để nước đọng trên mặt luống, sau mưa, cần tiến hành dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa các thân cành bị dập, gãy sau mưa tạo điều kiện cho ruộng thông thoáng, hạn chế nấm bệnh; sau khi nước rút, trời tạnh ráo cần xới xáo nhẹ mặt luống, vun gốc và dựng cây.

Với vùng chuyên rau, màu: khuyến cáo nông dân khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng; sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau, đồng thời mở rộng diện tích cây vụ Đông 2024 nhằm bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Triển khai các chính sách hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ... để khuyến khích người dân gieo trồng cây vụ Đông; phát triển các chuỗi liên kết giá trị, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhất là rau, quả tươi tại vùng sản xuất chuyên canh, tập trung.

Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn gieo trồng đúng thời vụ, các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại thấp nhất do thiên tai, dịch bệnh; tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và hiệu quả sản xuất;

Có các biện pháp phòng trừ sự bùng phát của sâu bệnh hại như: rầy nâu, sâu sâu đục thân, bệnh bạc lá, đạo ôn, lùn sọc đen...Đối với bệnh lùn sọc đen: theo dõi, kiểm tra, lấy mẫu, giám định để kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu bệnh. 

Tập trung nguồn lực bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, đảm bảo an toàn đời sống nhân dân sau mưa lũ - Ảnh 2.

Cán bộ chiến sĩ giúp bà con thu hoạch lúa. Ảnh: D.V.

Tăng cường công tác quản lý chất lượng và giá vật tư nông nghiệp trên địa bàn, tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở buôn bán vật tư nông nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý sản xuất, buôn bán giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Kiên quyết xử lý các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trái với quy định của pháp luật.

Đảm bảo an toàn đời sống của nhân dân sau mưa lũ

Để đảm an toàn, ổn định đời sống của Nhân dân, tại Công văn số 3064/UBND-KTN ngày 16/9/2024, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, khi nước rút, chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đánh giá kỹ toàn bộ công trình, nhà ở, hệ thống hạ tầng ở những khu vực có địa hình thấp trũng, khu vực sát sông...vừa bị ngập lũ;

Trường hợp đảm bảo an toàn mới cho phép người dân quay trở lại sinh sống; đồng thời triển khai ngay công việc thu dọn, tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, không để phát sinh dịch bệnh tại các khu vực vừa bị ngập lũ.

Đối với những khu vực vẫn chịu ảnh hưởng do ngập lũ, những khu vực sát sông, khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tính mạng của người dân, kiên quyết không để người dân quay trở lại sinh sống để đảm bảo an toàn tính mạng.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, canh gác đê điều, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố, hư hỏng công trình ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn, sẵn sàng ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra thời gian tới.

Theo tổng hợp báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố, cập nhật đến ngày 16/9/2024, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố (ước tính có khoảng 57.229 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó lúa: 36.086 ha; rau, màu là 12.251; cây ăn quả 8.892 ha; 320.109 con gia cầm và 3.446 con gia súc bị chết, cuốn trôi, thất lạc; 4.270 ha thuỷ sản bị tràn bờ (số liệu vẫn đang được các địa phương, đơn vị cập nhật).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem