Hai điều hạnh phúc của GS-TS- bác sĩ Trần Đông A

Chủ nhật, ngày 19/07/2020 10:03 AM (GMT+7)
BS Trần Đông A cho rằng được tham gia các ca phẫu thuật tách các bé song sinh là hạnh phúc mà không phải phẫu thuật viên nào cũng có
Bình luận 0

Rất hạnh phúc, hứng khởi khi các thế hệ học trò, đàn em của mình đã vững vàng về chuyên môn, đủ sức thay thế những thế hệ đi trước. Đây là chia sẻ của GS-TS-BS Trần Đông A, người từng có mặt trong ca phẫu thuật lịch sử, vang danh thế giới tách rời anh em Việt - Đức cách đây hơn 30 năm.

Ca phẫu thuật kỷ lục

GS-TS-BS Trần Đông A là thành viên Hiệp hội Các phẫu thuật viên tách dính thế giới. Ông cũng là một trong 9 chuyên gia có mặt trong ca đại phẫu tách rời 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi sáng 15/7, trong vai trò cố vấn chuyên môn. Dù ở tuổi gần 80 nhưng GS-TS-BS Trần Đông A cho rằng ông vẫn sung sức, đầy năng lượng để tiếp xúc các thế hệ học trò và đồng nghiệp.

Nhớ lại trường hợp tách Việt - Đức do ông làm phẫu thuật viên chính kiêm trưởng ê-kíp phẫu thuật, vị giáo sư cao niên cho rằng trước đó, chưa từng có việc phẫu thuật tách dính cặp song sinh. Dính nhau như Việt - Đức thì trên thế giới chỉ có 6 cặp nhưng không có bé nào bại não.

Theo GS-TS-BS Trần Đông A, dù rất khó khăn nhưng nếu ai ở trong vị trí của ông lúc đó cũng sẽ thấy rất hạnh phúc vì đã trải qua một ca phẫu thuật cực kỳ phức tạp. Nhất là thời điểm đó, đất nước rất khó khăn do đang bị cấm vận, đến chỉ khâu cũng không có, kháng sinh và thuốc sát trùng da thì càng hiếm.

Thế mà chỉ với sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản về phương tiện và các dụng cụ mà Việt Nam đã tách thành công Việt - Đức. Ca phẫu thuật đó không chỉ khó đối với Việt Nam mà còn với cả thế giới. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi ca phẫu thuật này được ghi vào sách Kỷ lục Guinness thế giới.

GS-TS-BS Trần Đông A khẳng định đến giờ này, chưa có ai phá kỷ lục về số giờ phẫu thuật như lúc đó là 12 giờ liên tục và là ca đầu tiên thế giới đối với cháu bé bị bại não.

Hai điều hạnh phúc của GS-TS- bác sĩ Trần Đông A - Ảnh 1.

GS-TS-BS Trần Đông A chia sẻ cảm xúc về ca đại phẫu tách rời Trúc Nhi - Diệu Nhi

Hai điều hạnh phúc của GS-TS- bác sĩ Trần Đông A - Ảnh 2.

GS-TS-BS Trần Đông A (người đứng cao nhất) cùng một số thành viên ê-kíp phẫu thuật tách Trúc Nhi - Diệu Nhi

Vô cùng hạnh phúc

Nói về ca tách 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi, vị giáo sư bày tỏ vui mừng cho nền y học Việt Nam vì ca phẫu thuật thực hiện trong điều kiện tiện lợi hơn do Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố được trang bị rất hiện đại, đúng tầm mức thế giới chứ không khó khăn như 32 năm trước. Ông đã có mặt suốt trong phòng của ca đại phẫu kéo dài 12 giờ này.

Bày tỏ cảm xúc về 2 ca phẫu thuật tách đôi Trúc Nhi - Diệu Nhi, vị thầy thuốc tiền bối của nhiều thế hệ y khoa cho rằng ông rất vinh dự vì trong 32 năm qua đã được tham gia 2 ca mổ thuộc loại cực khó. Đối với ca Việt - Đức là bụng chậu có 3 chân, còn ca Trúc Nhi - Diệu Nhi là bụng chậu có 4 chân, thì thuộc loại 6% trong số các ca khó của thế giới.

Ông bày tỏ có 2 điều hạnh phúc. Thứ nhất, đó là cột mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam. Ông được chứng kiến một sự kiện gọi là sự tiến bộ vượt bậc của nền y khoa Việt Nam về mọi mặt, đặc biệt là trang thiết bị y tế của ngành y tế nước ta giờ đã hiện đại. Những trang thiết bị được viện trợ từ nước bạn Nhật Bản lúc trước thì bây giờ tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố có đủ và còn tốt hơn.

Điều hạnh phúc thứ 2 là được tham gia ca phẫu thuật khó mà phẫu thuật viên chính là các học trò của ông. Ông thấy hạnh phúc vì các học trò giờ đều vững vàng. Như TS-BS Trương Quang Định hiện là Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, trưởng ê-kíp phẫu thuật cho Trúc Nhi - Diệu Nhi. Đó là điều hạnh phúc không phải ai cũng có được.

Dù đã 80 tuổi nhưng ông vẫn làm cố vấn cho các học trò. GS-TS-BS Trần Đông A nói ông rất hào hứng khi tham gia những ca phẫu thuật như thế này, không phải phẫu thuật viên nào cũng có được diễm phúc như thế.

"Nhớ hồi đó, cặp Việt - Đức chỉ có 3 chân. Thực ra là 2 chân bình thường với 1 chân phụ rất ngắn. Tôi lấy chân phụ kéo ra 90 độ vừa da, vừa cơ. Giờ nhìn cháu đi đứng, có vợ con đàng hoàng khiến tôi vô cùng hạnh phúc" - vị giáo sư hoài niệm. 

Được sách Kỷ lục Guinness ghi danh

GS-TS-BS Trần Đông A sinh ngày 11/6/1941, tại xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông được sách Kỷ lục Guinness ghi danh sau ca phẫu thuật tách hai cháu bé song sinh dính nhau Việt - Đức; được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân vì những đóng góp của ông cho nền y học Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội khóa XI và XII. Nơi ông công tác trước khi nghỉ hưu là Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM).

Nguyễn Thạnh (Người Lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem