Hai huyện miền núi Khánh Hòa có hơn 5.510 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp

Công Tâm Thứ bảy, ngày 03/08/2024 11:11 AM (GMT+7)
Ngày 2/8, Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh giỏi trong nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bình luận 0

Tại hội thảo, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, hàng năm có 64.101 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Riêng huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh bình quân hằng năm có 5.512 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh hiện có 35 dân tộc thiểu số đang sinh sống, với dân số trên 72 nghìn người, chiếm tỷ lệ 5,8% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Raglai nhiều nhất, chiếm tỷ lệ 77,62%. 

Hai huyện miền núi Khánh Hòa có hơn 5.510 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi- Ảnh 1.

hai đơn vị Hội Nông dân Khánh Hòa và Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk ký kết chương trình phối hợp. Ảnh: HND

Thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, huy động nhiều nguồn lực và thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, chính sách để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình phát triển nguồn nhân lực,… 

 Sản xuất kinh doanh nông nghiệp vùng đồng bào DTTS và MN phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: Huyện Khánh Sơn có vùng trồng sầu riêng 2.300ha; huyện Khánh Vĩnh có vùng trồng bưởi da xanh khoảng 700ha. 

Hai huyện miền núi Khánh Hòa có hơn 5.510 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Công Tâm

Ngoài ra, còn có một số vùng trồng xen ghép mía tím, chuối, chôm chôm, măng cụt và nuôi dê, bò, gia cầm... ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tạo ra các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương có giá trị kinh tế cao.

Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, đặc biệt đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Bình quân hàng năm có 64.101 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Riêng huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh bình quân hằng năm có 5.512 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. 

Hai huyện miền núi Khánh Hòa có hơn 5.510 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi- Ảnh 3.

Những sản phẩm đặc sản của huyện miền núi được quảng bá, giới thiệu

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tác động tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh thâm canh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; nhiều mô hình nông nghiệp đã được hội viên, nông dân vùng đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đầu tư hợp lý đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai nhanh chóng, kịp thời đúng đối tượng thụ hưởng, phủ khắp đến 136 xã, phường, thị trấn; góp phần quan trọng giúp cho tỉnh Khánh Hòa thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội và giải quyết việc làm. 

Hai huyện miền núi Khánh Hòa có hơn 5.510 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi- Ảnh 4.

Thông qua các phiên chợ do Hội Nông dân tỉnh tổ chức sẽ góp phần quảng bá sản phẩm cho các hộ dân, nhất là hộ dân vùng đồng bằng dân tộc miền núi.

Hoạt động của tín dụng chính sách xã hội không thể tách rời vai trò của Hội đoàn thể các cấp nói chung và Hội Nông dân nói riêng. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai tại tỉnh Khánh Hòa đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nghèo và các đối tượng chính sách nói chung và nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tạo cơ hội để chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, dịch vụ; từ kinh tế đơn lẻ sang kinh tế hợp tác, liên kết. 

Hai huyện miền núi Khánh Hòa có hơn 5.510 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi- Ảnh 5.

Hơn 80 đại biểu tham dự tại hội thảo. Ảnh: Công Tâm

Tính đến 30/6/2024 có 125 Hội Nông dân cấp xã có dư nợ ủy thác tại NHCSXH với dư nợ 1.563,7 tỷ đồng, chiếm 35,5% tổng dư nợ nhận ủy thác, với 903 tổ TK&VV, 40.928 hộ vay vốn đang còn dư nợ. 

Hai huyện miền núi Khánh Hòa có hơn 5.510 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi- Ảnh 6.

Nhiều hộ dân miền núi ở Khánh Hòa đã có công ăn việc làm nhờ mô hình trồng sầu riêng. Ảnh: Công Tâm

Tại hội thảo, các đại biểu còn chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, các mô hình làm nông nghiệp có hiệu quả cho thu nhập cao. 

Dịp này, hai đơn vị Hội Nông dân Khánh Hòa và  Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk ký kết chương trình phối hợp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem