Thanh Hóa: Nông dân Vĩnh Lộc thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới

Tuấn Anh - Hữu Dụng Thứ tư, ngày 24/07/2024 07:20 AM (GMT+7)
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần tác động tích cực đến hội viên, nông dân, tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vì thế luôn được các cấp Hội Nông dân huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) triển khai sâu rộng.
Bình luận 0

Xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến

Năm 2009, được Hội Nông dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở tỉnh Hưng Yên. Sau khi trở về địa phương gia đình chị Hoàng Thị Tuyền đã quyết định đầu tư trồng 1.500 gốc ổi Đài Loan và 1.700 gốc bưởi da xanh. 

Nhờ áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất theo hướng hữu cơ nên sản phẩm của gia đình chị Tuyền làm ra được thương lái đến tận vườn thu mua. Hiện nay, bình quân 1 năm, gia đình chị Hoàng Thị Tuyền bán được 35 tấn ổi, 30 tấn bưởi, thu nhập trên 1,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Cũng như gia đình chị Hoàng Thị Tuyền, sau chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ trang trại nuôi chim bồ câu Pháp ở tỉnh Hưng Yên. Năm 2022, gia đình chị Hà Thị Duyên ở thôn 6, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn đầu tư gần 3 tỷ đồng để nuôi giống chim bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp. Với khu chuồng 3 tầng kiên cố trên diện tích 3.000m2. Đến nay, gia đình chị Duyên đã phát triển được 4.000 đôi chim bố mẹ.

Ở một huyện của Thanh Hóa xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân, có hộ nuôi chim gì mà thu 1 tỷ?- Ảnh 2.

Hiện gia đình chị Hoàng Thị Tuyền đã quyết định đầu tư trồng 1.500 gốc ổi Đài Loan và 1.700 gốc bưởi da xanh.

Để tỷ lệ ấp trứng nở cao gia đình chị Hà Thị Duyên đã đầu tư máy ấp trứng nở đạt trên 90%. Ngoài ra, chị còn đầu tư máy nghiền thức ăn, chủ động nguyên liệu tại chỗ nên giảm được 15% chi phí thức ăn. Chuồng nuôi còn được gia đình đầu tư hệ thống quạt mát và uống nước tự động để đảm bảo quá trình nuôi bồ câu được thuận tiện và khoa học. 

Ở một huyện của Thanh Hóa xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân, có hộ nuôi chim gì mà thu 1 tỷ?- Ảnh 3.

 Hiện chim bồ câu Pháp của gia đình chị Duyên đang sinh sản và phát triển tốt. Theo dự tính, 5 tháng cuối năm, chị bán ra thị trường 25.000 con chim thịt thương phẩm, giá bán từ 120 đến 150 nghìn đồng/1 đôi. Sau khi trừ chi phí, chị lãi khoảng 300 triệu đồng.

Lấy thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Hội Nông dân huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã phát động mạnh mẽ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới bằng nhiều nội dung phong phú, thiết thực có chiều sâu, tạo mọi điều kiện để nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất.

Ở một huyện của Thanh Hóa xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân, có hộ nuôi chim gì mà thu 1 tỷ?- Ảnh 4.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa thăm quan mô hình kinh tế của hội viên nông dân ở Vĩnh Lộc.

Năm 2023, huyện Vĩnh Lộc có 467 hộ nông dân phát triển các mô hình kinh tế có lợi nhuận từ 300 đến 500 triệu đồng/năm và 28 hộ có lợi nhuận từ 500 triệu đồng trở lên. Không chỉ làm giàu cho mình, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn tạo việc làm cho gần 4.000 lao động địa phương.

Để tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Vĩnh Lộc đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về giống cây trồng, vật nuôi, vốn để đầu tư sản xuất. Hội cũng chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân; tổ chức tham quan học tập và xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ đó, nhiều hội viên nông dân đã đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai để đầu tư sản xuất hiệu quả.

Ở một huyện của Thanh Hóa xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân, có hộ nuôi chim gì mà thu 1 tỷ?- Ảnh 6.

Hội Nông dân huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) luôn lấy thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, từ năm 2018 đến nay Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng hơn 3.000 tấn phân bón chậm trả; tổ chức 50 lớp tư vấn, xuất khẩu lao động cho 1.200 lượt hội viên, nông dân, trong đó đã có 190 người đi xuất khẩu lao động; tổ chức 658 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 56.319 lượt người. Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong huyện đạt trên 3 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 3.915 hộ vay tín chấp, ủy thác với các ngân hàng với tổng dư nợ trên 158 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Lam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cho biết, trong những năm qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới đã được các cấp Hội trên địa bàn huyện phát động mạnh mẽ, tạo được khí thế mới trong việc thúc đẩy hội viên lao động sản xuất, nâng cao đời sống gia đình của các hội viên. Từ đó, hàng năm trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi có thu nhập cao, đời sống khá giả, giúp đỡ cho nhiều hộ khó khăn có điều kiện vươn lên.

Ở một huyện của Thanh Hóa xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân, có hộ nuôi chim gì mà thu 1 tỷ?- Ảnh 7.

Phong trào nông dân Vĩnh Lộc thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới luôn xuất hiện ngày càng nhiều điển hình kinh tế.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Lam, thông qua phong trào nông dân thi đua thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã kích thích nông dân huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) phát huy ý chí tự lực tự cường, quyết tâm vươn lên làm giàu, phát huy tiềm năng lao động, trí tuệ để đầu tư phát triển thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi hiệu quả cao. Phong trào cũng góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường cũng như tạo sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem