Hai loại hạt này của Việt Nam bán đắt hàng nhờ Trung Quốc, Mỹ tăng tốc thu mua

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 02/04/2023 19:04 PM (GMT+7)
3 tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp đối mặt với hai khó khăn lớn. Thứ nhất, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao hơn so với năm trước. Thứ hai, thị trường xuất khẩu nông sản biến động.
Bình luận 0

Xuất khẩu nông sản sụt giảm

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2023 và một số nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023 của Bộ NNPTNT mới đây, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết, 3 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp, nông thôn đối mặt với hai khó khăn lớn. 

Thứ nhất, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao hơn so với năm trước. Thứ hai, thị trường xuất khẩu biến động, nhu cầu dùng nhiều loại nông sản, thủy sản, lâm sản trên thế giới giảm.

Cụ thể, báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho thấy, tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,66 tỷ USD. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 5,73 tỷ USD, tăng 3,8%; lâm sản đạt 3,11 tỷ USD, giảm 28,3%; thủy sản đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29,0%; chăn nuôi đạt 115 triệu USD, tăng 46,5%; đầu vào sản xuất đạt 458 triệu USD, giảm 26,8% và muối đạt 0,9 triệu USD, giảm 31,3%.

Vực dậy đà tăng trưởng xuất khẩu nông sản - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh. Trong ảnh: Thu hoạch lúa đông xuân ở Cần Thơ. Ảnh: H.X

"Càng khó khăn, thách thức càng đòi hỏi chúng ta phải "dốc hết sức" thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh; kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến.

Theo Bộ NNPTNT, nguyên nhân xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm trong 3 tháng đầu năm 2023 là do nhiều mặt hàng xuất khẩu chính giảm về kim ngạch, như cà phê đạt 1,27 triệu USD (giảm 2,3%), cao su đạt 552 triệu USD (giảm 22,9%), chè đạt 35 triệu USD (giảm 22,9%), hạt tiêu đạt 239 triệu USD (giảm 3,8%), cá tra đạt 422 triệu USD (giảm 33,1%), tôm đạt 578 triệu USD (giảm 39,4%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD (giảm 28,3%)...

Đáng chú ý, trong sự trầm lắng của xuất khẩu nông lâm thủy sản, có một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao như gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả đạt 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều đạt 708 triệu USD (tăng 14,2%); sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD (tăng 22,2%)...

Nhờ mở cửa trở lại sau thời gian dài thực hiện chính sách Zero Covid, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Mỹ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%); thứ 4 Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).

Lý giải về xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp bị suy giảm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho hay những tháng đầu năm xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chịu tác động từ các thị trường, do tiếp tục chịu ảnh hưởng của lạm phát kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới.

"Bộ NNPTNT xác định năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn: Lãi suất ngân hàng cao, room ngân hàng hạn chế, sức tiêu thụ của thị trường giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng… Do đó, phải coi đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy, hành động nhanh, kết quả thật để khai thông thị trường là nhiệm vụ ưu tiên"- Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Ưu tiên mở cửa thị trường tiềm năng cho xuất khẩu nông sản

Vực dậy đà tăng trưởng xuất khẩu nông sản - Ảnh 3.

Thứ trưởng Tiến cũng cho rằng hiện nay, hạ tầng nông nghiệp, hệ thống logistics còn yếu kém nên việc giải ngân đầu tư công là yếu tố quan trọng để đưa sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp. Cùng với đó, cần tập trung hạn chế tối đa thủ tục hành chính, có các kế hoạch, mô hình sản xuất sáng tạo, phù hợp. 

"Tổ chức sản xuất cần gắn với rải vụ để giảm giá thành sản xuất, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu. Khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo là động lực để thay đổi bộ mặt sản xuất của ngành"- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về mở rộng thị trường, Thứ trưởng Tiến lưu ý, cần xem xét thị trường nào tiềm năng để tập trung ưu tiên mở cửa, thông qua các tham tán nông nghiệp, các đại sứ, tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi thăm cơ sở sản xuất, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong quý II/2023, mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành phấn đấu đạt 2,9 - 3,0%, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 14 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ NNPTNT sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tập trung vào nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi đề xuất chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.

Bộ yêu cầu ngành chăn nuôi, Thú y phải theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn), tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc.

Đối với ngành thủy sản, Bộ yêu cầu kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về thủy sản tại địa phương về IUU; Theo dõi diễn biến của thời tiết, dự báo ngư trường, nhu cầu của thị trường kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản hiệu quả, đạt các mục tiêu kế hoạch năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem