Hai năm không ra được Nghị định, Bộ Công Thương sẽ ra Thông tư về "Made in Vietnam"
Hai năm không ra được nghị định, Bộ Công Thương sẽ ra thông tư về "Made in Vietnam"
An Linh
Thứ tư, ngày 01/06/2022 09:45 AM (GMT+7)
"Made in Vietnam" - Sản xuất tại Việt Nam sẽ không được xây dựng bằng nghị định thuộc Chính phủ mà được chuyển sang hình thức thông tư do Bộ Công Thương xây dựng.
Bộ Công Thương sẽ ra thông tư về "Sản xuất tại Việt Nam"
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 73/NQ-CP về việc rút nhiệm vụ xây dựng nghị định "sản xuất tại Việt Nam", đồng ý kiến nghị của Bộ Công Thương tại Tờ trình số 713/TTr-BCT ngày 16/02/2022.
Chính phủ giao Bộ Công Thương có nhiệm vụ xem xét, quyết định ban hành văn bản "sản xuất tại Việt Nam" ở cấp thông tư theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư và các quy định có liên quan.
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quyết định của mình.
Bộ Tư pháp được yêu cầu kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và xử lý văn bản trái pháp luật (nếu có) theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định có liên quan.
Quy định "sản xuất tại Việt Nam" nổi lên từ vụ việc điều tra các cáo buộc gian lận của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đầu năm 2020. Khi ấy, Asanzo nhập các linh phụ kiện điện tử từ Trung Quốc về lắp ráp trong nước, sau đó dán nhãn "Made in Vietnam". Việc cần thiết xây dựng quy định thế nào là sản xuất tại Việt Nam được đặt ra và Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì đứng ra xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ.
Như vậy, sau 2 năm (2020-2022) Việt Nam vẫn chưa có văn bản chính thức hoá quy định về "sản xuất tại Việt Nam", việc hạ cấp từ nghị định xuống cấp thông tư có thể được xem là đơn giản hoá các điều kiện, quy định và cách thức áp dụng.
Tuy nhiên, thông tư có thể bổ sung, sửa đổi hàng năm, là loại giấy phép con thuộc quản lý của Bộ chủ quản; vì vậy, cần kiểm soát chặt để tránh thay đổi chính sách, tác động xấu đến sản xuất của doanh nghiệp.
Trong quá trình xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt bản dự thảo nghị định về sản xuất tại Việt Nam, cuối năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Đây được cho là quy định khắc phục được phần nào những vướng mắc phát sinh và các lỗ hổng của chính sách liên quan đến hoạt động lắp ráp, sản xuất mang thương hiệu Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.