Hai pho tượng cổ hình voi đá thành Đồ Bàn ở Bình Định là báu vật của người Champa còn bí ẩn

Thứ ba, ngày 22/08/2023 08:40 AM (GMT+7)
Trong số 27 bảo vật quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận, hai con voi đá thành Đồ Bàn (nay thuộc địa phận tỉnh Bình Định) là những pho tượng nguyên độc đáo, có kích thước lớn nhất được người Champa chế tác trong lịch sử, cho thấy nghệ thuật điêu khắc tài tình của những người thợ thủ công xưa.
Bình luận 0

Thành Đồ Bàn là tên gọi theo bia ký của người Champa để chỉ kinh thành Vijaya, tồn tại từ trong suốt năm thế kỷ (1000-1471). Với chức năng là kinh đô của người Champa, thành Đồ Bàn đã trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, tôn giáo của vương triều Vijaya.

Hai pho tượng cổ hình voi đá thành Đồ Bàn ở Bình Định là báu vật của người Champa chứa bí ẩn - Ảnh 1.

Thành Đồ Bàn ngày nay nằm trên địa bàn phường Nhơn Hậu và một phần thị trấn Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: UBND tỉnh Bình Định

Thành Đồ Bàn được nhiều sử gia ghi chép khi hội nhập vào lãnh thổ chung của dân tộc với tên gọi là thành Phật Thệ, Chà Bàn, thành Cũ. 

Mỗi tên gọi đều có nguồn gốc và ẩn chứa nội dung của một thời kỳ, nhưng nhìn chung đều chỉ một tòa thành cổ nằm trên địa bàn phường Nhơn Hậu và một phần thị trấn Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Lần theo dấu xưa thành cổ, lắng nghe chuyện cũ trong dân gian chúng tôi tìm đến hai pho tượng voi vẫn hiện hữu trong ngôi thành cổ. 

Hai voi đá gồm một voi đực và một voi cái thuộc quyền quản lý, sở hữu của Bảo tàng tỉnh Bình Định, chúng được đặt chầu đối xứng nhau, gần cửa nam thành Hoàng Đế.

Thành Hoàng Đế là tên gọi của Thành Đồ Bàn dưới thời Tây Sơn, thành được xây dựng trên cơ sở kinh thành Đồ Bàn của Champa và mở rộng thêm 15 dặm về phía Đông với tường thành bằng đá ong. Năm 1982, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng thành Đồ Bàn là Di tích Quốc gia.

Theo hồ sơ di tích, hai tượng voi đá này là những tác phẩm điêu khắc Champa, là hiện vật gốc, độc bản mang phong cách nghệ thuật điêu khắc tháp Mẫm, có niên đại khoảng thế kỷ 12-13.

Mặc dù được thể hiện dưới hình thức tượng tròn, hiện tượng hiếm thấy trong điêu khắc cổ Champa, hai con voi thành Đồ Bàn vẫn mang những nét thể hiện voi truyền thống của người Champa. 

Hai pho tượng cổ được chế tác từ hai tảng đá sa thạch nguyên khối lớn, chạm khắc trau chuốt, tỉ mỉ đển từng chi tiết.

Hai pho tượng cổ hình voi đá thành Đồ Bàn ở Bình Định là báu vật của người Champa chứa bí ẩn - Ảnh 2.

Tượng voi đá thành Đồ Bàn, những bảo vật như bị lãng quên. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Tượng voi đực cao 200 cm, dài 240 cm, rộng 100 cm, trọng lượng ước khoảng 800 kg. Tượng voi được tả thực rất sống động,  đứng trên bệ đá liền khối hình chữ nhật, voi như đang vươn về phía trước với hai chân bên trái đang bước lên, cổ đeo băng trang trí hình ô trám, trong lồng cánh hoa kết dải. 

Đầu voi ngẩng cao, vòi voi buông xuôi xuống như đang dùng vòi nhổ cây lên - một hình tượng phổ biến trong nghệ thuật tạc tượng voi Champa.

Tượng voi cái cao 176 cm, dài 220 cm, rộng 85 cm, trọng lượng ước khoảng 750 kg. Tượng được tạo tác trong tư thế động, thân voi thẳng, dáng đang đi, hai chân sau được tạo liền khối với hai chân trước và đế tượng.

Đồ trang sức thể hiện những đặc điểm của nghệ thuật điêu khắc Champa với trán trang trí vương niệm hình hoa nhọn kết dải, cổ đeo yếm rộng có hai vòng lục lạc trang trí hình quả trám và nửa quả trám xen kẽ nhau – một trong những motip trang trí tiêu biểu ở đền tháp Dương Long, đền tháp Champa bằng gạch cao nhất Đông Nam Á.

Vòi voi quấn vào cọng sen phía dưới. Nhìn chung, tượng được tạo tác đẹp, động tác tự nhiên, sống động, nhìn vào tượng voi ta thấy toát lên một vẻ quyền quý và vương giả.

Ngày nay, trải qua bao tang thương dâu bể, thành Đồ Bàn chỉ còn là rêu phong tích cũ thì hai voi đá thành Đồ Bàn mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, như là chứng nhân thăng trầm của thời gian.

Sau 1.000 năm lịch sử, cặp tượng voi trở thành những dấu tích hiếm hoi còn sót lại của kinh đô Champa xưa, đáng lẽ cần được gìn giữ lâu dài. Thế mà cặp tượng voi được đặt chơ vơ giữa khu dân cư và trường học, hoàn toàn thiếu bảo vệ, hy vọng rằng khi được công nhận là bảo vật quốc gia, các cấp chính quyền sẽ có phương án bảo tồn hai pho tượng quý giá này.

Ai biết được, bỗng một ngày hai pho tượng bảo vật này đứng trơ gan giữa trời sẽ không bị một người thiếu hiểu biết tô vẽ, bôi sơn lên bảo vật nghìn năm  tuổi này.

Hiện nay, tỉnh Bình Định có 11 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Toàn bộ những bảo vật này đều là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Champa, cho thấy vùng đất Bình Định đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử.

Trong số này, có 6 bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định, gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini Rừng Cấm, phù điêu thần Brahma Dương Long, cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn Tháp Mắm, phù điêu nữ thần Sarasvati Châu Thành, phù điêu Thần hộ pháp Mả Chùa; 5 bảo vật quốc gia còn lại là cặp tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn; tượng thần Shiva chùa Linh Sơn.


Nguyễn Hữu Mạnh (Báo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem