Hải Phòng: Chủ tịch Hội Nông dân thành phố đối thoại trực tuyến với các tổ chức, cá nhân

Trần Phượng Thứ ba, ngày 14/12/2021 15:30 PM (GMT+7)
Ngày 14/12, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hải Phòng Đỗ Đức Hoà chủ trì phiên Đối thoại trực tuyến lần thứ 23 trên Cổng Thông tin điện tử TP với chủ đề “Hội Nông dân TP chung sức, đồng hành hỗ trợ hội viên, nông dân khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định trong đại dịch Covid-19”.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Quốc Dũng trú tại quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng hỏi: Trước muôn vàn khó khăn, thử thách của đại dịch Covid – 19, đại diện cho hơn 50% dân số của thành phố đang sinh sống tại nông thôn, Hội Nông dân thành phố đã có những hoạt động gì thiết thực để giúp hội viên, nông dân thành phố phát triển các mô hình kinh tế, giảm nghèo và vươn lên làm giàu bền vững?.

Trả lời câu hỏi nêu trên, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đỗ Đức Hòa cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp của thành phố vừa là cầu nối, vừa trực tiếp hỗ trợ các nguồn lực giúp hội viên, nông dân.

Toàn thành phố hiện có 191.185 hội viên nông dân, chiếm 9,2% dân số và bằng 22% dân số ở nông thôn. Tính đến 31/10/2021 nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Hội là trên 968.378 tỷ đồng cho 28.081 hộ vay vốn, thông qua 776 tổ Tiết kiệm & vay vốn. 

Bên cạnh đó, thông qua kênh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp Hội đã thực hiện ủy thác qua các cấp Hội là 38 tỷ đồng, thông qua 18 tổ tín chấp. 

Thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân thành phố Hải Phòng, đến nay dư nợ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố đang quản lý 3 cấp khoảng 50,8 tỷ đồng đồng, thực hiện 617 dự án, giúp đỡ cho 1.865 hộ vay.

Về hỗ trợ cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, Hội đã phối hợp tổ chức cung ứng 1.692 tấn vật tư trả chậm các loại trị giá 6.980 tỷ đồng. Điển hình là các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, An Dương

Về hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, Hội đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền thực hiện Đề án 03 của Trung ương Hội về "Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025" tại các quận, huyện thu hút 300 hội viên, nông dân tham dự.

Trong công tác an sinh xã hội, giúp các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, Hội vận động kinh phí hỗ trợ xây, sửa 24 nhà "Mái ấm nông dân" với tổng kinh phí 753 triệu đồng. Chỉ tiêu mỗi cơ sở Hội đăng ký giúp đỡ từ 1- 2 hộ nghèo thoát nghèo, đến nay đã giúp đỡ 376 hộ hội viên nông dân thoát nghèo với số tiền quyên góp, hỗ trợ số vật tư, cây con giống giá trị là 3,452 tỷ đồng, 6.586 ngày công.

Hội Nông dân TP.Hải Phòng: Đối thoại trực tuyến với các tổ chức, cá nhân - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi đối thoại trực tuyến phiên chuyên đề lần thứ 23 do Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hải Phòng Đỗ Đức Hoà chủ trì. Ảnh: Trần Phượng

Một độc giả khác có câu hỏi như sau, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, Hội Nông dân thành phố đã có những sáng kiến, hoạt động cụ thể gì trong việc tháo gỡ, đồng hành cùng bà con nông dân thành phố ổn định sản xuất?

Ông Đỗ Đức Hòa, đại diện Hội Nông dân cho biết, Hội Nông dân thành phố Hải Phòng đã có rất nhiều hoạt động trong việc tháo gỡ, đồng hành cùng bà con nông dân thành phố ổn định sản xuất.

Cụ thể, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức chung tay hỗ trợ những người nơi tuyến đầu chống dịch của thành phố như Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2, trao 500 phần quà cho 3 xã thuộc huyện Vĩnh Bảo bị cách ly.

Phát động chương trình "Nông dân Hải Phòng hướng về Việt Nam ruột thịt". Đơn vị đã tiếp nhận được gần 67,5 tấn gạo cùng nhiều hàng hóa hàng thiết yếu với trị giá gần 3 tỷ đồng.

Với tinh thần "Đoàn kết - Tương trợ", đơn vị đã kêu gọi các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, hệ thống Hội Nông dân các cấp trên địa bàn thành phố chung tay tiêu thụ 1,6 tấn cá, nhuyễn thể các loại từ các lồng bè bị tháo dỡ trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà (trong quá trình thực hiện các chính sách của nhà nước).

Đồng thời, kết nối với các đơn vị trong thành phố tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Sơn La do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hàng chục tấn rau, quả và trứng các loại trị giá gần 700 triệu đồng; tổ chức 03 địa điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La tại thành phố Hải Phòng...

Song song với đó, Hội Nông dân các cấp tích cực phối hợp với chính quyền, các sở, ngành tuyên truyền Kế hoạch số 210 của Ủy ban nhân dân thành phố về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Hội Nông dân TP.Hải Phòng: Đối thoại trực tuyến với các tổ chức, cá nhân - Ảnh 2.

Hội Nông dân Hải Phòng phát động chương trình "Nông dân Hải Phòng hướng về Việt Nam ruột thịt" và tiếp nhận lương thực. Ảnh: Trần Phượng

Hội Nông dân TP.Hải Phòng: Đối thoại trực tuyến với các tổ chức, cá nhân - Ảnh 3.

Hội Nông dân thành phố đã tổ chức chung tay hỗ trợ những người nơi tuyến đầu chống dịch của thành phố Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2. Ảnh: Trần Phượng

PV Đinh Mười (Báo Nông nghiệp Việt Nam) có câu hỏi, hiện nguồn nông sản do nông dân Hải Phòng sản xuất ra cơ bản không đáp ứng được nhu cầu, đa số phải đưa từ các tỉnh thành khác về tiêu thụ. Trong tình hình dịch Covid – 19 phức tạp, lan rộng, việc đi lại khó khăn, Hội Nông dân thành phố có giải pháp gì trước mắt và lâu dài để tham mưu cho lãnh đạo thành phố có chính sách phát triển khả năng sản xuất nông nghiệp địa phương cũng như đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân?

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Đức Hoà tiếp tục trao đổi, đối với trồng trọt, năm 2020, diện tích gieo cấy trên 61 nghìn ha, chiếm 68% diện tích gieo trồng (90 nghìn ha). Sản lượng thóc đạt 387 nghìn tấn, bằng 1,21 nhu cầu của thành phố (320 nghìn tấn/năm); diện tích cây ăn quả là 6,7 nghìn ha, sản lượng 122,2 nghìn tấn, bằng 1,18 lần nhu cầu tiêu thụ (103 nghìn tấn); diện tích trồng rau là 12.991 ha, sản lượng đạt 306 nghìn tấn/năm, bằng 1,23 lần nhu cầu tiêu thụ (248.000 tấn/năm).

Đối với sản phẩm chăn nuôi: Có 9.458 con bò, đàn trâu 4.015 con, gia cầm 8.629 con. Sản lượng thịt hơi 90 nghìn tấn, trứng gia cầm đạt 178 triệu quả; Diện tích thủy sản đạt 10.058 ha, sản lượng trên 37.000 tấn, sản lượng khai thác đạt 57.848 tấn.

Nhu cầu cá các loại 5.178 tấn/tháng, thực tế sản xuất 14.600 tấn/tháng, cao gấp 2,82 lần nhu cầu; Nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm cụ thể, thịt lợn trên 730.000 con/năm, thịt gia cầm >7.300.000 con/năm, thịt trâu bò >12.750 con/năm. Với tổng đàn hiện có, chăn nuôi thành phố đáp ứng 70% nhu cầu thịt lợn (30% nhập từ các tỉnh ngoài), 100% nhu cầu thịt gia cầm, 30% thịt trâu bò (70% nhập từ tỉnh ngoài).

Như vậy, sản phẩm rau, quả của Hải Phòng vẫn tiêu thụ nội địa là chính, tiêu thụ dưới dạng sản phẩm tươi thông qua thương lái và tiêu thụ tại các chợ truyền thống. Sản lượng cung ứng cho chế biến không đáng kể (chủ yếu dưa chuột bao tử, cà chua dùng để sản xuất tương ớt, sản lượng trung bình 100 tấn/năm). Một số ít sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (như dưa hấu với sản lượng trung bình 300-500 tấn/năm).

Doanh nghiệp ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm ít, chủ yếu có sản phẩm dưa chuột bao tử; xuất hiện một số ít các doanh nghiệp nhỏ mở cửa hàng tiêu thụ sản phẩm, thu mua sản phẩm cung ứng cho các bến ăn tập thể, khu công nghiệp...

Các HTX, THT ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, thuốc thú y; mặt hàng sản xuất chủ yếu là lợn thịt, gà thịt lông màu và trứng vịt thương phẩm.

Một số sản phẩm thủy sản đã có thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Thị trường chủ yếu là phục vụ trong nước và xuất khẩu (thị trường Đông Âu, Nga); tỷ trọng các sản phẩm đồ hộp chiếm 50%. Các sản phẩm đông lạnh chủ yếu cá biển, chả cá, bạch tuộc với tổng khối lượng 4.105 tấn, xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, …

Hội Nông dân TP.Hải Phòng: Đối thoại trực tuyến với các tổ chức, cá nhân - Ảnh 4.

Ông Đỗ Đức Hoà, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hải Phòng chủ trì phiên đối thoại với cá nhân, tổ chức ngày 14/12. Ảnh: Trần Phượng

Trên địa bàn thành phố có 278 chợ kinh doanh thịt và sản phẩm gia súc, gia cầm (187 chợ; 91 chợ cóc, chợ tạm) cung cấp khoảng 115.000 kg thịt gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân thành phố. 05 siêu thị lớn và hệ thống các cửa hàng, siêu thị mini trên địa bàn thành phố kinh doanh thịt, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm như siêu thị Vinmart, Công ty CP...,

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp ở một số lĩnh vực như cây trồng vẫn chủ yếu là lúa, chiếm 78,75% diện tích gieo trồng. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn tương đối lớn, chiếm trên 70% tổng đàn vật nuôi; diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh còn thấp, chiếm 12,90% tổng diện tích nuôi trồng. Sản phẩm chủ lực như (rau, củ, quả; lợn thịt, gà lông màu; tôm thẻ chân trắng) chiếm tỷ lệ thấp cho năng suất, giá trị và hiệu quả cao chiếm tỷ trọng nhỏ (1,0-3,0%); Diện tích sản xuất có chứng nhận GAP hữu cơ, an toàn dịch bệnh chiếm tỷ lệ còn thấp: 1,55% diện tích thủy sản; 0,25% diện tích trồng trọt.

Ông Hoà đánh giá, nguyên nhân chính hiện nay do sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, dịch bệnh như dịch bệnh Lùn sọc đen trên cây lúa; dịch tả lợn châu Phi; dịch bệnh Covid-19; giá trị sản phẩm nông nghiệp thấp; giá ngày công lao động cao; lao động trong nông nghiệp ngày một thiếu.

Một số giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, tiếp tục làm tốt công tác giám sát, phản biện để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, …; Kiến nghị thành phố rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, kế hoạch ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố, của vùng, của quận, huyện; Phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất nông sản, thực phẩm áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP, được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hỗ trợ thiết kế, in tem nhãn phục vụ truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn hỗ trợ kinh phí đăng ký và duy trì gian hàng điện tử cho cơ sở có sản phẩm đạt tiêu chí được hỗ trợ; Khuyến kích các tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực chế biến bảo quản nông sản, thực phẩm (kho lạnh; thiết bị bảo quản, chế biến…) để nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa và thời gian tiêu thụ sản phẩm; thường xuyên nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa của các địa phương; đổi mới tư duy xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đa dạng hóa các kênh bán hàng như: đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn giao dịch điện tử (voso.vn; postmart.vn...); …

Bên cạnh những câu hỏi trên, còn rất nhiều câu hỏi của cá nhân, tổ chức khác đưa ra được Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hải Phòng Đỗ Đức Hoà đối thoại ngay tại phiên đối thoại trực tuyến.


"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem