Hải Phòng: Nông dân trẻ biến đất trũng thành đất “vàng”
Hải Phòng: Nông dân trẻ biến đất trũng thành đất “vàng”
Trần Phượng
Thứ hai, ngày 28/09/2020 06:08 AM (GMT+7)
Đó là anh Đinh Khắc Mậm, SN 1983, trú tại xã Phả Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng, một nông dân trẻ tuổi nhưng rất chịu khó tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ, dám làm và rất sáng tạo trong sản xuất. Anh Mậm đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc nuôi cá trắm đen, nuôi gà đẻ trứng, gà ri chạy bộ và cá rô ta.
Sau nhiều năm bươn trải với nhiều nghề khác nhau anh Mậm nhận thấy sự bấp bênh, không ổn định. Vốn có đam mê làm nông nghiệp nên anh Mậm nghĩ tới việc gom đất ruộng để làm mô hình trồng trọt và chăn nuôi tổng hợp. Nghĩ là làm, năm 2010 được sự đồng ý của chính quyền địa phương trong việc quy vùng chuyển đổi khu vực trồng lúa trũng thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế, gia đình anh Mậm đã mua lại 7.000m2 của các hộ dân liền kề để nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là cá rô phi, cá trắm đen, trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn.
Theo anh Mậm chia sẻ, nhận thấy dưa lưới và rau an toàn nếu trồng đảm bảo thì lượng tiêu thụ ra thị trường sẽ khá ổn định lại rất được giá nên ngay mới đầu bắt tay triển khai mô hình nhà lưới anh Mậm tiến hành trồng rau an toàn cùng với dưa lưới và nuôi cá rô phi.
Để hiệu quả hơn trong việc trồng dưa lưới, anh Mậm tính đi học hỏi kinh nghiệm nâng cao kiến thức và cải thiện năng suất cây và con nuôi, trồng ở nhà lưới. Rất may mắn có người quen ở Sài Gòn mở lời mời anh vào chỉ dẫn không lấy phí về kỹ thuật trồng dưa lưới sao cho hiệu quả. Được lời như cởi tấm lòng, anh Mậm vác ba lô vào người quen ở Sài Gòn học hỏi kinh nghiệm. Người quen cũng chỉ bảo tận tình kỹ thuật trồng dưa từ cách lựa chọn giống, cách gieo trồng, chăm cây, ...
Ngay sau chuyến học hỏi kinh nghiệm anh Mậm về áp dụng tại nhà lưới của mình và kết quả năng suất được cải thiện rõ rệt. Một năm dưa lưới cho thu hoạch 3 vụ và giá từ 70.000 đồng/kg dưa lưới nhập tại vườn. Khi mới làm anh trồng hàng nghìn cây dưa lưới. Nhưng sau khi mở rộng sản xuất rất bận nên anh Mậm giảm bớt số lượng cây dưa chỉ duy trì ở mức 400 cây/ lần trồng.
Triển khai hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho nông dân địa phương
Do diện tích mua gom khá rộng nếu không tận dụng qui hoạch được triệt để sẽ rất lãng phí. Năm 2018, từ các đợt thăm quan, học hỏi từ những điển hình về sản xuất nông nghiệp ở một số nơi, anh Mậm đã quyết định đầu tư nuôi thêm cá rô ta, cải tạo vườn tạp xây dựng trại gà với quy mô 5.000 con, trong đó giống gà siêu trứng Ai cập là 4.000 con, gà ri chạy bộ 1.000 con.
Anh tận dụng diện tích trước đó trồng rau tuần hoàn để nuôi cá rô ta. Theo anh Mậm cho biết, cá rô ta là loại cá rất dễ nuôi, không đòi hỏi mực nước quá sâu, thời gian sinh trưởng trong vòng 3 tháng, kích thước đạt 10 con/1kg, với giá thị trường hiện nay sau mỗi lứa cá rô ta thu hoạch, trừ chi phí anh sẽ thu về khoảng 50 triệu đồng/lứa. Còn đối với giống gà siêu trứng Ai Cập, là giống gà khỏe, ít bệnh, sau 5 tháng nuôi có thể đẻ trứng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giống gà ri chạy bộ được thị trường ưa chuộng nên việc tiêu thụ không gặp khó khăn.
Mỗi năm, trừ tất cả các chi phí anh Mậm còn thu lãi từ 300 đến 350 triệu đồng và tạo việc làm cho 6 lao động địa phương có mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng.
Bà Lê Thị Tý – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phả Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng cho biết, anh Mậm là hội viên trẻ ở địa phương, không chỉ mạnh dạn và thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng mà anh Mậm còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ trong xã học tập, làm theo.
Dự định trong thời gian tới, anh Mậm tiếp tục mở rộng mô hình nuôi cá rô ta, mở rộng trại gà và mong muốn địa phương tiếp tục tạo điều kiện để gia đình anh có thêm nguồn vốn mở rộng diện tích sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động tại chính quê hương mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.