Hà Lan và Đan Mạch sẽ không gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Đức sản xuất tới Ukraine, báo Die Welt đưa tin dẫn lời các quan chức chính phủ ở cả hai nước.
Thông tin này được đưa ra khi những người ủng hộ Kiev đang cố gắng thành lập một "liên minh Leopard" gồm các quốc gia sẽ cung cấp đủ xe tăng cho Ukraine để chống lại Nga.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tháng trước cho biết chính phủ của ông đang cân nhắc mua 18 chiếc Leopard 2 thuê từ Đức và chuyển giao chúng cho Ukraine. Tuy nhiên, phương án đó hiện đã bị loại bỏ, theo Die Welt.
"Quyết định được đưa ra với sự phối hợp chặt chẽ giữa Hà Lan và Đức", các quan chức Hà Lan cho biết.
Đan Mạch và Hà Lan trước đây đã đồng ý tài trợ cho việc tân trang xe tăng Leopard 1A5 từ kho dự trữ của Đức sẽ được tặng cho Ukraine. Leopard 1A5 là mẫu cũ hơn và là tiền thân của Leopard 2.
Trong khi đó, Phần Lan có 200 chiếc Leopard 2, nhưng việc xác định các chi tiết cụ thể về việc Helsinki tham gia vào liên minh "vẫn là một quá trình đang diễn ra", Die Welt dẫn lời người phát ngôn của chính phủ cho biết. Tạp chí Phố Wall trích dẫn một quan chức cấp cao của NATO trong tháng này nói rằng Phần Lan có thể sẽ chỉ chuyển giao xe tăng sau khi nước này chính thức gia nhập liên minh.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của những người ủng hộ Ukraine ở Brussels ngày 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng "một tập đoàn" gồm các quốc gia, bao gồm Canada, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và Ba Lan, đang làm việc để cung cấp Leopards cho Kiev. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius cùng ngày thừa nhận rằng liên minh đã không có tiến triển nào về việc này.
Nga đã phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine gần một năm trước, viện dẫn nhu cầu bảo vệ người dân Donbass và việc Kiev không thực hiện hiệp định hòa bình Minsk 2014-2015. Moscow đã cảnh báo rằng vũ khí nước ngoài sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc xung đột và xe tăng phương Tây sẽ "đốt cháy" trên chiến trường.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Ba rằng sự tham gia chặt chẽ của NATO vào cuộc xung đột ngày càng trở nên rõ ràng hơn, với một loạt cam kết mới về viện trợ quân sự cho Ukraine.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.