Vườn lan nhà ông Hồng lúc nào cũng tấp nập kẻ mua, người bán. Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới tranh thủ gặp được ông để trò chuyện về nghề trồng địa lan rừng này.
Ông Hồng thuê ruộng của người ở quê làm nơi nhân giống hoa địa lan. Ảnh: A.V
Mang địa lan rừng xuống phố
Khi chúng tôi đến, trong vườn nhà ông Hồng còn hơn 300 chậu địa lan rừng lớn bé đang được người làm công chăm sóc tỉ mỉ để chuẩn bị chuyển tới nơi khách đã đặt hàng. Vừa dẫn khách tham quan, ông Hồng vừa cho hay gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên ở Sapa trồng địa lan rừng. Hiện tại, gia đình ông có hơn 4ha trồng địa lan. Còn tại xã Chấn Hưng ông thuê 2.000m2 đất để vừa nhân giống cho hoa địa lan, vừa là nơi bán sản phẩm.
Ông Hồng cho hay: “Từ tháng 9 khi thời tiết ở Sapa bắt đầu trở lạnh, tôi sẽ cho chở lan về Vĩnh Phúc tránh rét, tận dụng thời tiết ấm ở đây để giúp cho hoa nở đúng dịp tết. Đối với những chậu lan làm giống, tôi giữ lại chăm sóc, đến tháng 3 năm sau lại chuyển ngược trở lại Sapa để cây nảy mầm, ra nụ vào đúng tháng 7 và để đến tháng 9 lại quay trả về Vĩnh Phúc để kịp nở bán tết”.
Cách làm của ông Hồng khá độc đáo và tận dụng được lợi thế là mang hoa về gần Hà Nội để bán dễ dàng hơn. Thông thường, mỗi khi đến mùa rét, các chủ vườn trên Sapa lại đưa hoa địa lan tới những khu vực ấm để cho hoa nở, mà tiền thuê những khu đất như thế rất đắt. Còn với ông Hồng, việc đưa địa lan rừng về Vĩnh Phúc đã giúp ông tiết kiệm rất nhiều chi phí.
Bởi trong vụ đông ở đây, bà con thường không cấy lúa nên bỏ trống ruộng, ông thuê lại để làm nơi dựng giá đỡ các chậu hoa, che phông bạt tránh mưa nắng cho hoa cũng như các chậu cây giống. Đến tháng ông chuyển cây giống đi thì bà con vẫn lấy lại ruộng đất để cấy lúa như bình thường.
Vừa tỉa những chiếc lá vàng trên chậu hoa, ông Hồng vừa tâm sự: Những ngày đầu rời quê lên Sapa làm kinh tế, khi còn đang băn khoăn không biết trồng cây gì hay nuôi con gì, thì trong một buổi đi dạo, ông thấy những người dân tộc đi rừng về mang theo nhiều cành địa lan đem xuống chợ bán. Vốn cũng có máu yêu cái đẹp, lại thấy giá trị của loại cây này cao hơn hẳn những giống cây nông nghiệp khác, ông quyết định mua để nhân giống bán ra thị trường.
Ông Hồng nhớ lại: “Những năm đầu tiên trồng giống hoa này bán tết cũng thất bát nhiều lắm, tiền tỷ trôi sông. Năm 2005, tôi đưa hoa địa lan rừng về Hà Nội, thuê xe 5 tấn chở được 25 chậu hoa từ vườn trên Sapa về. Người mua lắt nhắt qua vài hôm mới bán gần hết, còn lại vài chậu tôi đem cho bạn bè chơi thử cho biết. Đến nay, qua nhiều lời giới thiệu của bạn bè, của khách hàng quen, hoa địa lan rừng của gia đình tôi đã có mặt không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, vào đến tận Thanh Hóa”.
Theo ông miêu tả, giống hoa địa lan rừng có lá hẹp bản, dài, lả lướt, đầu nhọn. Hoa có ba cánh xòe rộng màu vàng chanh, hai cánh trên úp lại che phần nhụy hoa, cánh dưới cong cong điểm thêm màu sắc. Hoa địa lan rừng có mùi thơm nhẹ, thường nở theo từng cành, dài nhất có đến 40 bông hoa và duy trì hoa nở được tận 3 tháng. Những năm gần đây, tết đến, người thành phố thường săn những thứ đặc sản độc lạ của núi rừng nên ông đã vận chuyển cây địa lan rừng từ vườn của gia đình trên Sapa về vườn ở Vĩnh Phúc để phục vụ khách không có điều kiện lên Sapa.
Mỗi vụ tết, từ vườn chính ông chuyển về gần 1.000 chậu địa lan rừng đều được khách hàng thân quen mọi năm đến đặt hàng từ sớm. Mỗi chậu địa lan có từ 10 đến 100 cành, giá bán cũng khác nhau theo từng chậu, từ 5 triệu đến 70 triệu đồng/chậu. Ông còn đưa về hơn 1 vạn cành địa lan, cành dài có trên 40 nụ hoa có giá bán 1 triệu đồng/cành, những cành nhỏ có 20-25 nụ hoa có giá bán 500.000 - 600.000 đồng/cành. Mỗi năm gia đình ông thu về hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng.
Không sợ thất bại
Hơn 15 năm trồng hoa địa lan rừng để đưa xuống phố phục vụ khách mua ngày tết, với vô số lần thử nghiệm để đưa ra sản phẩm đẹp nhất mang thương hiệu của riêng mình, ông Hồng đã gặp không ít thất bại, lỗ vốn nhưng ông vẫn mạnh dạn đầu tư để chọn hướng đi mới phát triển kinh tế của gia đình.
Ông Hồng cho biết, kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa địa lan rừng là do ông tích lũy được qua những lần thất bại, rủi ro. Ông còn nhớ rõ, có năm nhuận 2 tháng mới tới tết, tôi vẫn nghĩ hoa sẽ nở đúng hẹn như mọi năm nhưng đến 20 tết, khách mang hoa trả lại vì biết chắc sẽ không nở.
Có cành lúc đó bán rẻ chỉ được 120.000 đồng, chưa thu đủ vốn. Đến 23 tết trời lạnh thêm, xót của tôi đem hoa vào nhà ủ ấm thì đến 26 tết lại thấy hoa nở bung cánh. Vì thế, rút kinh nghiệm những năm nhuận, ông chuyển hoa về vườn ở Vĩnh Phúc muộn hơn.
Chỉ riêng mùa tết năm nay, ông Hồng bán được cả mấy trăm chậu địa lan rừng. Theo ông, nhu cầu chơi lan của người dân trong những năm gần đây ngày càng tăng lên. Do đó, số lượng làm ra bao nhiêu hết bấy nhiêu. Riêng vụ tết này, ông thu cả tỷ đồng tiền bán địa lan rừng.
|
Gần đây, ông còn mạnh dạn thí điểm trồng thử hoa địa lan rừng tại Vĩnh Phúc, nhưng chỉ sau 5-6 tháng cây thối rễ, cây nào sống sót được cũng vì thời tiết không lạnh nên không nảy mầm, ra nụ được mà chỉ có xanh lá.
Bởi vậy, ông chọn cách nhân giống để trời ấm giúp cho cây phát triển nhanh, đến giai đoạn cần nảy mầm lại vận chuyển về Sapa để thời gian hoa nở vào tết sẽ đúng hẹn.
“Hiện nay, tôi đang tiến hành trồng thử nghiệm hoa địa lan rừng trong vùng núi Tam Đảo. Tôi không chọn giống nhân cấy mô, vì sẽ làm mất giống gen quý của rừng nên đã tự tay mua và nhân giống trồng. Nếu thời tiết của vùng núi Tam Đảo phù hợp cho cây phát triển và ra hoa thì tôi sẽ đầu tư nhân giống hàng loạt trồng ở địa phương để tiết kiệm được nhiều chi phí”- ông Hồng chia sẻ thêm.
Nảy ra ý tưởng này, bởi ông Hồng nhận thấy hoa địa lan nở trên Sapa bị sương muối nên màu hoa xỉn hơn và không đẹp mắt, còn đưa về xuôi thì do thời tiết ấm, có nắng nên hoa nở cánh nào cũng có màu vàng tươi đẹp mắt thu hút người mua. Ông còn hướng dẫn người làm công lấy khăn sạch tuốt bụi của từng lá để lá nhìn bóng hơn, người mua thấy chậu hoa sạch cũng thích mua hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.