Cách đây mấy ngày, lúc 9 giờ sáng, như thường lệ tôi đi chợ. Dắt xe đạp về đến giữa hẻm (ở đường Nguyễn Văn Đậu, Bình Thạnh, TP HCM) thì thấy có hai vợ chồng đang ngồi trên xe máy. Trên tay người vợ còn ẵm theo đứa con chỉ vài tháng tuổi và xe vẫn đang nổ máy.
Ngay khi tôi đi ngang qua, người chồng đột ngột thò tay giựt chiếc bông tai của tôi trong chớp mắt và rồ ga chạy đi. Tôi hô hoán nhưng không ai bắt được.
Sau đó tôi mới biết mấy người xe ôm, bán hàng ngay đầu ngõ chỉ chăm chăm nhìn xem có đứa thanh niên nào phóng xe qua không, chứ chẳng ai ngờ rằng hai vợ chồng chở con nhỏ thế kia lại đi cướp.
Vụ việc xảy ra ngay trước cửa phường đội. Khi tôi kể với bà con hàng xóm thì được biết tại hẻm này đã xảy ra nhiều vụ tương tự. Thậm chí cướp còn vào tận hẻm giật laptop và mở khóa nhà để trộm ngay ban ngày khi chủ nhà đi làm vắng.
Hành vi của bọn cướp gần đây trở nên táo tợn và biến hóa nhanh. Chúng vào cướp tận trong hẻm, nơi tưởng rất yên bình vì đa số người lớn đi làm, trẻ con đi học, chỉ có người già ở nhà.
Tôi thiết nghĩ công an và dân phòng tại các phường, quận là những người nắm địa bàn, hiểu biết về dân tình, tình hình an ninh, trật tự rõ nhất. Đây là lực lượng trực tiếp có thể bảo vệ, hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa phát huy tầm ảnh hưởng của mình đối với việc giữ trật tự, an toàn cho người dân. Chúng tôi nhiều khi cảm thấy vô vọng khi báo cáo sự việc đến các cơ quan này.
Hy vọng những chiêu thức, hành vi táo tợn này được báo, đài, những trang mạng phổ biến để người dân cảnh giác. Đồng thời, điều đó cũng sẽ khiến giới lãnh đạo, quan chức để tâm, nhằm đưa ra biện pháp khắc phục. Để rồi xây dựng an ninh đường phố được trật tự, an toàn cho cả nhân dân trong nước và khách du lịch đến Việt Nam.
Tôi đã hơn 60 tuổi rồi, sống ngay tại con hẻm này. Mỗi sáng đều đi chợ bằng xe đạp, gặp cướp như vậy thực sự cảm thấy thật bất an.
Theo VnExpress
Vui lòng nhập nội dung bình luận.