Hẩm hiu như... phim lịch sử

Thứ bảy, ngày 11/06/2011 06:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều hãng phim tư nhân bỏ hàng chục tỷ đồng ra làm phim lịch sử nhưng đầu ra thì không hề được nâng đỡ, bởi vậy sản phẩm của họ thường có chung số phận rất hẩm hiu.
Bình luận 0

Chi 1,5 tỷ đồng, thu về 400 triệu

Nếu tính từ sau khi bộ phim lịch sử truyền hình "Made in Vietnam" đầu tiên lên sóng VTV là "Hoàng Lê nhất thống chí" bị chê tơi tả cách đây hơn 10 năm, thì "Huyền sử thiên đô" do Công ty Sao Thế Giới đầu tư sản xuất là một sự trở lại khá ấn tượng của dòng phim này.

img
Cảnh trong phim lịch sử “Huyền sử thiên đô” .

Cho dù chưa thật sự xuất sắc nhưng "Huyền sử thiên đô" đã được khán giả và báo chí ghi nhận là một bộ phim làm có nghề, diễn viên tâm huyết, đầu tư trang phục và bối cảnh tốt. Vậy mà cái cách phim được đối xử khiến những người yêu phim lịch sử phải chạnh lòng khi nhà đài chỉ cấp "quota" phát sóng cho đến tập 20, còn 22 tập đã làm xong thì... hãy đợi đấy!

Trần tình với báo chí, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn - tác giả kịch bản của phim đã thốt lên: "Tất cả cũng chỉ vì tiền, nói chính xác hơn là doanh thu từ quảng cáo phát sóng trong giờ phát phim. Nói đến phim lịch sử thì ai cũng biết không thể thu hút quảng cáo nhiều như phim đề tài đương đại. Hiện nay doanh thu trung bình quảng cáo một tập phim "Huyền sử thiên đô" là 800 triệu đồng, sau khi phải nộp cho đối tác phát sóng, nhà sản xuất chỉ còn 400 triệu đồng trong khi vốn sản xuất mỗi tập phim là 1,5 tỷ đồng".

Như vậy, phía sau câu chuyện một bộ phim chỉ được phát sóng một nửa số tập đã hoàn thành không có gì khác hơn là doanh thu quảng cáo. Cũng phải thông cảm cho nhà đài, bởi nếu không có sự hỗ trợ nào về doanh thu quảng cáo, họ không thể có cách nào ưu tiên cho phim lịch sử trong khi phim về đề tài đương đại với người đẹp và nhà lầu, xe hơi... sẽ dễ hút quảng cáo hơn. Chính điều này làm cho các hãng sản xuất tư nhân - những người làm phim lịch sử bằng tiền túi, dù có nhiệt tình đến đâu cũng phải chùn bước.

“Đầu ra” chật hẹp

Ở VN, đã có rất nhiều hội thảo lớn để các nhà điện ảnh kêu khó cho việc làm phim lịch sử, nào là thiếu kịch bản, thiếu trường quay, thiếu sử liệu để dựa vào đó xây dựng kịch bản, thiếu nhân tài vật lực... Thế nhưng đến khi các nhà làm phim vượt qua được hàng chục những cửa ải đó để làm ra một bộ phim được người xem chấp nhận, thì "đứa con" của họ lại phải đối mặt với một nguy cơ là "không có đầu ra" khi buộc phải chấp nhận cuộc chơi "doanh thu quảng cáo" như tất cả những bộ phim về đề tài đương đại khác.

Có thể nói đó là số phận rất hẩm hiu mà phim lịch sử Việt đang phải nhận lấy ngay từ khi lọt lòng vì thiếu "mẹ đỡ đầu".

Sau khi báo chí, khán giả lên tiếng về vụ phim "Huyền sử thiên đô" bị ngừng chiếu giữa chừng, lãnh đạo VTV cho biết đang tiếp tục thương thảo với nhà sản xuất để chiếu tiếp những tập đã hoàn thành. Nhà sản xuất, đạo diễn, nhà biên kịch cùng thở phào nhẹ nhõm và tỏ lòng cảm ơn báo chí đã gỡ cho họ một "bàn thua trông thấy".

Nhưng cũng từ đây, một câu hỏi đặt ra với những người có trách nhiệm của ngành văn hóa là liệu các nghệ sĩ của ta có đáng bị đối xử như vậy không, nếu chỉ vì đã "trót" đam mê và cùng nhau làm nên một bộ phim lịch sử?

Cần mẹ đỡ đầu

Trong tất cả các chủ trương, chiến lược phát triển văn hóa VN, ai cũng thuộc nằm lòng câu "phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", và "dân ta phải biết sử ta"... Nhưng trên thực tế, sẽ rất khó để hiện thực hóa mong muốn tốt đẹp ấy nếu như không có những chính sách cụ thể cho những lĩnh vực cụ thể.

Chẳng hạn như điện ảnh, ngoài những dự án phim lịch sử được Nhà nước tài trợ nhân kỷ niệm các dịp lễ lớn, rất cần có một "bà mẹ" đỡ đầu cho các dự án làm phim lịch sử của các hãng phim tư nhân, hơn là để cho họ "tự bơi" - như trường hợp của "Huyền sử thiên đô".

Từ trường hợp của "Huyền sử thiên đô", có thể hình dung ra sự nản lòng của những người đang nuôi ý định làm phim lịch sử truyền hình. Trong tương lai, ai sẽ dám bỏ hàng chục tỷ đồng ra làm phim lịch sử để rồi chấp nhận lỗ như nhà sản xuất của "Huyền sử thiên đô". Câu hỏi này trả lời thật dễ, đó là không ai cả.

Nhìn sang Trung Quốc và Hàn Quốc, với câu hỏi vì sao phim lịch sử của họ thành công, "làm mưa làm gió" trong cả khu vực châu Á, câu trả lời khá giản đơn, đó là nhờ chính sách của Nhà nước.

Từ năm 1987, Bộ Phát thanh - Truyền hình Trung Quốc đã có chính sách hỗ trợ cho phim lịch sử bằng nhiều mặt: Ưu tiên chiếu vào giờ vàng trên sóng của các đài truyền hình lớn, hỗ trợ xuất khẩu (tặng hoặc bán với giá rẻ) sang các quốc gia trong khu vực.

Còn Hàn Quốc, phim lịch sử được "đỡ đầu" bằng cách mở cửa ra khá thông thoáng ở khâu kiểm duyệt, các nhà làm phim được mặc sức sáng tạo, không nhất nhất phải tuân theo nghiêm ngặt các sự kiện lịch sử có thật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem