Hạn chế quỹ đất, TP.HCM muốn liên kết các tỉnh phát triển ngành công nghiệp tái chế, quản lý chất thải rắn
Hạn chế quỹ đất, TP.HCM muốn liên kết các tỉnh phát triển ngành công nghiệp tái chế, quản lý chất thải rắn
Chinh Hoàng
Thứ bảy, ngày 02/11/2024 12:14 PM (GMT+7)
Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đang tham mưu UBND TP đề án phân loại rác tại nguồn gồm ba loại theo Luật bảo vệ môi trường 2020, phục vụ cho hoạt động tái chế. Tuy nhiên, TP.HCM đang hạn chế quỹ đất, muốn làm được việc này cần phải có phối hợp với các địa phương lân cận: Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Ngày 2/11, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết Sở đang tham mưu UBND TP.HCM đề án phân loại rác tại nguồn gồm ba loại theo Luật bảo vệ môi trường 2020, phục vụ cho hoạt động tái chế.
Theo bà Mỹ, để làm được điều này, TP.HCM cần có hạ tầng kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, TP.HCM hiện chưa có quy hoạch lĩnh vực tái chế rác thải và phát triển công nghiệp tái chế. "Cần lập quy hoạch cấp độ vùng, khu vực chứ không thể giải quyết cấp độ địa phương", bà Mỹ nói và giải thích TP.HCM không còn quỹ đất cho quy hoạch tái chế rác. Các địa phương lân cận có thể phối hợp gồm: Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Hiện Thành phố phối hợp với tỉnh Long An chuẩn bị khoảng 200ha tại Khu liên hiệp xử lý rác ở Thủ Thừa phục vụ xử lý rác, trong đó bao gồm việc di dời các nhà máy tái chế chất thải vào khu vực này. Ngoài vị trí này, TP.HCM dự kiến có hai nhà máy xử lý rác tại TP.Thủ Đức và một ở huyện Cần Giờ. "TP đã đặt những viên gạch đầu tiên cho công nghiệp tái chế tại Long An", bà Mỹ nói.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM mỗi ngày phát sinh hoảng 13.000 tấn rác sinh hoạt, trong số này có khoảng 20%-30% rác thải có thể tái chế. Năm 2020, thành phố có chủ trương ưu tiên chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt rác phát điện, tái chế với mục tiêu đến 2027 đạt trên 80%.
Hiện, nhà máy Tâm Sinh Nghĩa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Củ Chi sử dụng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng và làm phân compost (hữu cơ). Hồi tháng 7, nhà máy này khởi công ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện với tổng vốn khoảng 4.600 tỷ đồng. Nhà máy VietStar ứng dụng công nghệ sản xuất compost và hạt nhựa. Nhà máy xử lý rác lớn nhất TP.HCM tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh đang sử dụng công nghệ chôn lấp và sản xuất compost.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.