Hạn nẻ đồng ở Đăk Lăk

Thứ hai, ngày 25/02/2013 06:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chưa năm nào Đăk Lăk lại "đối mặt" với cơn hạn sớm như năm nay. Ngay đầu mùa khô mà nhiều diện tích lúa của nông dân đã chết cháy, hàng ngàn ha cây trồng khác cũng đứng trước nguy cơ này.
Bình luận 0

Cái đói hiện hữu

Gần 1 tháng qua, ông Ama Khoanh (buôn Pốk A, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'Gar, Đăk Lăk) đã dùng máy dầu để bơm nước cứu lúa. Chỉ có 8 sào, nhưng mỗi đợt tưới, ông Khoanh phải mất từ 2- 3 ngày ruộng mới đủ nước. Trung bình mỗi ngày tưới, ông Khoanh mất gần 700.000 tiền dầu. Thế nhưng ruộng vừa được tưới xong hôm sau đã bắt đầu khô khốc. Kết quả sự nỗ lực của ông Khoanh thời gian qua là hơn nửa diện tích lúa chết cháy, số còn lại cũng đứng trước nguy cơ đó.

img
Nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk chết cháy, chỉ để cho bò ăn.

Nhà ông Khoanh có 11 người, cái ăn của gia đình gần như chỉ nhờ vào mấy sào lúa ấy. Không chỉ ông Khoanh, hàng chục gia đình khác tại buôn Pốk A cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu đói do mất mùa. 64ha lúa tại buôn này đang khô khát. Chính quyền đang vận động bà con tự bơm tưới để vớt vát. Theo ông Bùi Ngọc Thanh- Phó Chủ tịch thị trấn Ea Pốk: "Hiện toàn xã đã có gần 150ha lúa đang nằm trong tình trạng này. Điều này đồng nghĩa sẽ có khoảng 3.000 người dân đứng trước nguy cơ thiếu đói".

Tại huyện Krông Bông, ông Phạm Phú Thiên - Trưởng phòng NNPTNT, cho hay: Do tình hình thời tiết, trong vụ này, huyện Krông Bông đã bỏ không 200ha. Thế nhưng hiện đã có hơn 90ha lúa mất trắng, 200ha bị khô hạn và con số này sẽ tăng thêm gấp 5 lần nếu không có mưa trong vòng 1 tháng nữa. Nhưng đáng lo ngại nhất đó là diện tích khô hạn lại tập trung nhiều vào các xã khó khăn.

Xảy ra trên diện rộng

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Đăk Lăk, khả năng đến cuối vụ đông xuân sẽ không còn nước chống hạn. Báo cáo của Sở NNPTNT thôn tỉnh này cho hay, do lượng mưa năm 2012 đạt thấp nên lượng nước tại các hồ đập so với các năm trước thấp hơn từ 20- 30%. Cá biệt tại một số hồ lớn, lượng nước chỉ đạt dưới 50% so với dung tích thiết kế. Dự kiến các hồ lớn như: Hồ Vụ Bổn (huyện Krông Păk), Buôn Tría, Buôn Triết (huyện Lăk), Yang Ré (huyện Krông Bông), Ea Bông (huyện Krông Ana, Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), Ea Kar (huyện Ea Kar) và hầu hết các hồ nhỏ sẽ bị thiếu nước vào cuối mùa.

Trong vụ hè thu vừa qua, nông dân trên địa bàn đã thiệt hại đến hơn 150 tỷ đồng do khô hạn. Nếu trong vụ đông xuân này, hạn hán tiếp tục hoành hành thì không riêng gì người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà hàng trăm hộ dân các vùng khác cũng sẽ lâm vào cảnh khốn cùng.

Đến thời điểm hiện tại, ngoài thị xã Buôn Hồ và TP.Buôn Ma Thuột, các huyện thị còn lại của tỉnh Đăk Lăk đều đã có diện tích cây trồng bị hạn. Toàn tỉnh đã có gần 2.000ha lúa bị hạn, hơn 100ha khác đã mất trắng, gần 1.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Trong khi đó, nguồn nước chống hạn đang giảm rất nhanh; nguồn nước ngầm đang duy trì ở mức thấp và đang suy giảm đáng kể do việc khai thác bừa bãi. Mặt khác, mực nước trên các sông suối ở cuối vụ hè thu đã thấp hơn trung bình nhiều năm.

Vì thế hiện nay mực nước cũng như dòng chảy trên các sông suối tiếp tục giảm và thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Dự kiến đến giữa tháng 3 sẽ có nhiều diện tích cà phê và lúa thiếu nước tưới trầm trọng. Riêng cây cà phê, nếu thời tiết nắng nóng kéo dài đến cuối tháng 3 đầu tháng 4 thì sẽ có nhiều diện tích tại các huyện Krông Păk, Krông Năng, Cư M'Gar, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ… bị khô cháy do thiếu nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem