Chính quyền địa phương dù rất cố gắng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này.
Tư nhân hóa rừng nhà nước
Phóng viên NTNN có mặt tại cánh rừng phòng hộ Đông Tiễn và thấy xót xa trước cảnh hoang tàn của khu rừng khi hàng loạt thân cây có đường kính 40 - 50cm bị chặt hạ nằm la liệt, còn nhánh và lá cây bị người dân đốt cháy khói bay mịt mù.
Những người phá rừng còn dựng lán trại bên cạnh để làm chỗ tá túc, nấu ăn, thậm chí họ còn làm vườn ươm cây con ngay bên cạnh để chờ triệt hạ xong rừng đầu nguồn là trồng ngay cây con của mình vào để tư nhân hóa rừng của Nhà nước.
|
Những cây lâu năm có đường kính từ 40 - 50cm ở rừng phòng hộ Đông Tiễn bị chặt hạ nằm la liệt. |
Một người dân địa phương bức xúc: Tình trạng chặt phá rừng phòng hộ ở khu vực hồ chứa nước Đông Tiễn diễn ra như chốn không người. Ngày nào cũng có 3 - 4 chiếc xe ô tô ra vào tấp nập để chở gỗ đã chặt hạ ra khỏi rừng đưa đi tiêu thụ.
UBND xã Bình Trị cũng đã phát hiện và cố gắng ngăn chặn tình trạng này. Mới đây, UBND xã Bình Trị phát hiện ông Lê Văn Xuân (trú thôn 3, xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước) phá 1,5ha rừng phòng hộ Đông Tiễn. UBND xã đã tạm giữ xe máy, 1 cưa máy và dụng cụ khai thác gỗ trái phép của ông này. Sau đó, UBND xã Bình Trị triệu tập 16 hộ dân thôn Vinh Nam, Nam Tiễn (sát rừng phòng hộ Đông Tiễn) để ký vào biên bản phá rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, chỉ có 4 hộ dân, gồm Lê Văn Thanh, Trần Văn Minh, Võ Văn Bằng (thôn Nam Tiễn) và Lê Hữu Chung (thôn Vinh Nam) thừa nhận đã phát dọn (phá) rừng phòng hộ với tổng diện tích hơn 10ha để trồng keo.
Rừng phòng hộ nguy cơ trơ gốc
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Diên - Chủ tịch UBND xã Bình Trị, thừa nhận: Tình trạng xâm hại rừng đầu nguồn hồ chứa nước Đông Tiễn diễn ra phức tạp, vượt ngoài sự kiểm soát của xã.
Ông Diên nhấn mạnh thêm, thẩm quyền xử lý của xã có hạn, nên xã đã có văn bản đề nghị lên cấp trên giải quyết. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm đã không làm hết trách nhiệm, chưa thực sự hỗ trợ địa phương trong việc xử lý nghiêm những đối tượng phá rừng.
“Thống kê ban đầu có ít nhất 30ha rừng khoảng vài chục năm tuổi bị người dân chặt phá. Nếu cơ quan chức năng có trách nhiệm không vào cuộc quyết liệt, rừng phòng hộ Đông Tiễn sẽ không còn nữa”.
Ông Nguyễn Văn Diên
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Tấn Đạt - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thăng Bình, lại cho rằng: “Do lực lượng mỏng nên khó ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng Đông Tiễn. Hiện chúng tôi đã có báo cáo lên cấp trên để có hướng giải quyết tình trạng này”.
Còn ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, nói rằng: Huyện đang chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành chốt chặn, xử lý những trường hợp xâm lấn rừng bất hợp pháp, đồng thời xử lý nghiêm theo pháp luật.
Thiết nghĩ, nếu cơ quan thẩm quyền không sớm vào cuộc ngăn chặn tình trạng phá rừng bừa bãi này, rừng phòng hộ Đông Tiễn sẽ nhanh chóng bị biến thành rừng cây con kinh tế và khả năng giữ nước cho hồ Đông Tiễn sẽ mất đi, hậu quả dây chuyền đến nhiều mặt đời sống, xã hội.
Trương Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.