Sơn La: "Thám hiểm" các hang động chứa những cỗ quan tài cổ treo trên vách núi đá cao

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 07/05/2021 05:30 AM (GMT+7)
Nhiều nhà khoa học, nhà dân tộc học lẫn các nhà khảo cổ học đã tìm đến các "hang ma"-các hang động chứa những cỗ quan tài cổ ở xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) . Tuy nhiên, đến nay bí ẩn về những chiếc quan tài cổ treo trên vách núi này vẫn là ẩn số chưa có lời giải.
Bình luận 0

Vùng đất có nghĩa địa...trên cao

Suối Bàng - một xã vùng sâu, vùng xa nằm bên hồ Sông Đà (hồ thủy điện Hòa Bình) thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã từ lâu không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp nguyên sơ, tuyệt tác của thiên nhiên mà còn ẩn chứa bí mật với những "hang ma" treo leo trên những vách núi cao.

Bí ẩn những cỗ quan tài cổ treo trên vách núi ở Sơn La - Ảnh 1.

Quan tài cổ trên vách núi bên dòng sông Đà thuộc xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: Đức Đại

Anh Ngô Thành Đạo, Ban quản lý  Khu Du lịch Quốc Gia Mộc Châu (Sơn La)- người đưa chúng tôi vào Suối Bàng, giới thiệu: Đường đi đến khu di tích Suối Bàng có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thủy. Nếu là đường bộ, Suối Bàng cách trung tâm huyện lỵ Mộc Châu khoảng 70km theo Quốc lộ 43, sau đó là đường tỉnh lộ 101 qua hai xã Mường Khoa, Tô Múa.

Còn đường thủy có hai hướng đến khu di tích, một là đi thuyền từ đập thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) lên mạn ngược khoảng 40km, đến bến Lồi (là một trong những điểm chợ phiên ven hồ sông Đà), từ đó đi bộ khoảng 3km là đến trung tâm xã Suối Bàng.

Quan tài cổ được táng trong các hang đá, thuộc dãy núi quanh khu vực xã Suối Bàng. Đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương gọi là núi "Ma Lang Chánh," nghĩa là "Núi hang ma cổ". 

Hiện trên khu vực núi non xã Suối Bàng có gần 80 hang có các quan tài cổ, mỗi hang có từ 15 đến 35 cỗ quan tài bằng gỗ.

Hệ thống di chỉ khảo cổ Hang mộ Tạng Mè nằm trên các vách núi sông Đà, đã tồn tại trên 1.000 năm, được Bộ Văn hóa-Thể thao và du lịch cấp Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2014.

Ông Mùi Văn Chiền - một thầy Mo của bản kể lại truyền tích mở đất của người Thái ở thung lũng Suối Bàng như sau: Khi xưa người Xá cổ (có thể là người Khơ Mú bây giờ) đã thi bắn tên với người Thái để xem ai là chủ nhân vùng đất linh thiêng này. 

Người Xá to khỏe, cậy sức bắn tên đồng lên núi cao. Người Thái mưu mẹo gắn sáp ong vào đầu mũi tên và cũng bắn lên núi.

Cuối cùng, chỉ có tên gắn sáp ong của người Thái dính trên vách núi cao. Còn tên đồng người Xá bị bật vào đá rơi xuống chân núi nên đành chịu thua. 

Thua trong thi bắn tên, người Xá rời Suối Bàng, lên núi cao ở, giữ lời thề đến khi chết cũng phải chôn cất thi hài trong hang núi.

Video: Khám phá hang Khoang Tuống-1 trong 80 hang động có chứa các cỗ quan tài cổ thuộc hệ thống di chỉ khảo cổ Hang mộ Tạng Mè, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Lại có truyền tích kể rằng một chàng trai cõng mẹ đến đất này, được người tại chỗ giúp dựng nhà, chàng bối rối nói không có thịt mời. Họ trả lời có mẹ già đó, bắt mà làm thịt! 

Chàng trai hoảng sợ và phát hiện bộ tộc này ăn thịt người nên không có nghĩa trang. Chàng cõng mẹ lên núi sống, khi bà chết phải chôn giấu trong hang đá. Người đến sau bắt chước lối chôn cất này để bảo vệ thi hài người thân.

Truyền tích là như vậy, có người tin có người không, nhưng ngày xưa khu vực này người ta không thấy nghĩa địa là có thật. 

Đó là vì tập tục người chết sẽ được an táng vào các quan tài bằng nguyên một cây gỗ đã được đục rỗng ruột rồi bằng cách nào đó mà... treo lên các vách đá. 

Hầu như bản nào của Suối Bàng cũng có các động hang ma và các quan tài cổ bằng gỗ ở trên các hang này.

Bí ẩn những cỗ quan tài cổ treo trên vách núi ở Sơn La - Ảnh 3.

Ông Mùi Văn Chiền chỉ cho PV Dân Việt những vách núi có "hang ma" theo hướng nhìn từ lòng sông Đà. Ảnh: Đức Đại

Bí ẩn nguồn gốc những cỗ quan tài cổ xưa

Theo chân thầy mo Mùi Văn Chiền, chúng tôi vượt rừng lên khu vực hang mộ Tạng Mè. Khu vực các hang mộ táng gỗ được bao bọc bởi dãy núi đá vôi hiểm trở với nhiều suối nhỏ, rừng rậm, đường đi có những đoạn dốc đá lởm chởm, thẳng đứng. 

Bí ẩn những cỗ quan tài cổ treo trên vách núi ở Sơn La - Ảnh 4.

Vách đá cheo leo nguy hiểm là trải nghiệm "thót tim" với nhiều du khách khi khám phá những hang động chứa các cổ quan tài cổ ở xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Ông Chiền cho biết, trước đây, đường đi còn khó khăn hơn, sau này để đảm bảo an toàn cho du khách đến khám phá, tìm hiểu "hang ma", địa phương đã cho xây dựng điểm dừng chân bằng xi măng, có đánh dấu phương hướng dọc đường.

Ở độ cao khoảng 150m so với mặt sông, hang Khoang Tuống hiện ra với mái vòm, rộng khoảng 3m, ăn sâu vào trong vách núi. Trong hang, những chiếc quan tài gỗ ngổn ngang, nhiều mảnh vỡ từ quan tài văng ra khu vực lân cận. 

Các quan tài gỗ đều được bổ đôi, bên trong khoét lòng máng, hai đầu chế tác mấu chốt hình "đầu thuyền đuôi én". Một số quan tài trong hang còn có hình sóng nước. 

Quan tài lớn dài chừng 2.5 mét, rộng 60 cm, trong lòng khoét rộng chừng 40cm lưu giữ 1 hộp sọ và một số mảnh xương vụn. Một số quan tài khác vẫn còn những mẩu xương, ngoài ra là vỏ ốc núi, lá rừng khô... 

Bí ẩn những cỗ quan tài cổ treo trên vách núi ở Sơn La - Ảnh 5.

Chiếc sọ người xưa trong lòng một quan tài trong hang mộ Tạng Mè, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Đã có nhiều câu chuyện kì bí liên quan đến việc tự ý lên núi thiêng, "động chạm" vào những mộ thuyền nên chịu những kết cục nghiệt ngã. Vì vậy, ngay khi bước vào, thầy mo Mùi Văn Chiền đứng ra làm nghi thức xin phép tiền nhân khuất mặt khuất mày cho chúng tôi vào hang với những nén nhang và lời khấn vái thành kính.

Rất nhiều điều bí ẩn không chỉ chúng tôi mà cả những nhà khoa học, nhà khảo cổ học...đã đặt ra khi tới đây. Ví dụ, người dân địa phương cho rằng, gỗ làm quan tài là cây đinh thối - một loại gỗ tốt, chịu được mưa nắng, mối mọt. Vậy nhưng, qua quá trình tìm kiếm thì hầu như không thấy một dấu hiệu nào thể hiện nơi đây có một gốc đinh thối nào cũng như những dấu tích thể hiện loài cây này từng mọc quanh khu vực.

Theo PGS-TS Nguyễn Lân Cường (Viện Khảo cổ học Việt Nam): Tục táng treo phản ánh tư duy của con người về vũ trụ. Các cửa hang thông từ mái vòm hang trên đỉnh núi chính là nơi giao tiếp giữa con người với tổ tiên, thần linh.

Mộ táng ở Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La có giá trị lịch sử văn hóa tín ngưỡng và tư liệu về nhân chủng học của tộc người cổ cần được bảo tồn, giữ gìn phục vụ nghiên cứu.

Giả thuyết thứ hai là người Xá cổ đã dùng thuyền chở gỗ đinh thối từ các khu vực khác, tập kết tại khu bến phà Vạn Yên (nay thuộc xã Tân Phong, Phù Yên, tỉnh Sơn La) rồi lại chuyển tiếp tới bến đò Lồi. 

Từ đó gỗ đinh thối sẽ được chuyển tới các động "hang ma". Nhưng câu hỏi ở đây là những khối gỗ nặng với 400-500kg rất nặng được đưa lên các hàng động bằng cách nào?. Trên các ngọn núi Nà Lồi, Lang Chánh, Suối Bàng, Đá Nẻ, Tạm Háo... nhiều hang động có đến hàng chục quan tài cổ được gác xếp lớp lên nhau. Hang ít nhất cũng có mươi cỗ quan tài chèn kín cả cửa. Đồng bào dân tộc thiểu số địa phương thời nay giỏi đi rừng, leo núi cũng không hiểu người xưa chuyển quan tài gỗ nặng hàng trăm kg lên núi cao rậm rạp rừng nguyên sinh bằng cách nào. Phải chăng họ cõng thi thể người đã khuất lên núi rồi mới hạ cây, đẽo quan tài tại chỗ?

Bí ẩn những cỗ quan tài cổ treo trên vách núi ở Sơn La - Ảnh 8.

Đường lên Hang Ma ở xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La phải đi qua những cánh rừng già nguyên sinh, một bên là núi, một bên là vực. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Một bí ẩn nữa là qua những bộ hài cốt còn lại trong các cỗ quan tài, các nhà nghiên cứu chỉ ra kích thước của những đoạn xương ống tay lại dài hơn nhiều so với xương ống tay của những người cao lớn bây giờ. 

Điều này đã đặt ra giả thuyết mà chưa ai tìm được câu trả lời thỏa đáng: Người xưa có thể trạng to lớn hơn người bây giờ hay đó không phải là hài cốt của người Việt?

Đã có nhiều nhà khoa học, các nhà dân tộc học lẫn các nhà khảo cổ học tìm đến xã Suối Bàng, leo lên các hang đá, diện kiến tiền nhân trong mộ cổ táng treo. Tuy nhiên, đến nay mọi đáp án đưa ra vẫn chỉ là giả thiết, chưa có một kết luận khoa học chính thức nào về nguồn gốc các hài cốt cũng như cách chôn cất người chết ở vùng đất này cách đây hơn 1.000 năm.

Chỉ biết, chính quyền và lực ượng công an địa phương huyện Vân Hồ (Sơn La) đang ngày đêm "gác" ở trước mỗi cửa "hang ma", giữ gìn những mộ thuyền khỏi bàn tay của những tay "mộ tặc" săn lùng cổ vật. Còn những bí ẩn nằm lại rừng sâu, có lẽ sẽ phải chờ mất nhiều thời gian, công sức nữa để tìm ra lời giải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem