Hãng hàng không IPP Air Cargo "tan rã" vốn điều lệ 300 tỷ đồng có bị phong toả?
Hãng hàng không IPP Air Cargo "tan rã" vốn điều lệ 300 tỷ đồng có bị phong toả?
Thế Anh
Thứ năm, ngày 17/11/2022 10:26 AM (GMT+7)
Hãng hàng không IPP Air Cargo xin rút hồ sơ và xin dừng thủ tục cấp giấy phép, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, phí thẩm định hồ sơ vẫn phải nộp ngân sách.
Việc Công ty cổ phần IPP Air Cargo xin rút hồ sơ để dừng thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải với thương hiệu là hãng hàng không IPP Air Cargo khiến cho nhiều người bất ngờ, bởi trước đó, doanh nghiệp này đã rất tha thiết xin được cấp phép.
Cụ thể, vào cuối tháng 10/2022, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần IPP Air Cargo đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không IPP Air Cargo.
Theo hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không, dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động.
Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.
IPP Air Cargo đưa ra lý do xin dừng "cuộc chơi" vì đánh giá mới của doanh nghiệp trước "tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu hiện nay cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động về giá nhiên liệu và nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng".
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã báo cáo tới Bộ GTVT về việc này. Việc đề nghị rút hồ sơ và dừng thủ tục cấp giấy phép là mong muốn chủ quan của doanh nghiệp.
Phí thẩm định hồ sơ vẫn phải nộp
Theo ông Thắng, việc này cũng không liên quan đến quá trình tiếp nhận hồ sơ, xem xét thẩm định hồ sơ từ Cục Hàng không Việt Nam đến Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Nghị định Chính phủ số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 về kinh doanh vận chuyển hàng không.
Do phí thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đã qua bước tổ chức thẩm định tại Cục Hàng không Việt Nam và báo cáo Bộ GTVT kết quả thẩm định nên không được hoàn trả lại, vẫn nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.
Cũng do Công ty IPP Air Cargo đã có văn bản về việc không tiếp tục xin Giấy phép nên doanh nghiệp này có thể chủ động làm việc với ngân hàng để giải tỏa khoản tiền vốn điều lệ (300 tỷ đồng).
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đang thích ứng với "trạng thái bình thường mới", việc thành lập mới hãng hàng không chuyên chở hàng hóa của Việt Nam là phù hợp.
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, hàng hoá kèm theo các báo cáo, tài liệu pháp lý cập nhật, bổ sung bản chính của cơ quan có thẩm quyền hoặc có công chứng trong vòng 6 tháng của Công ty IPP Air Cargo, Cục Hàng không Việt Nam đã kiểm tra, rà soát theo yêu cầu của Bộ GTVT.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty IPP Air Cargo vẫn đảm bảo đáp ứng các điều kiện để cấp Giấy phép quy định tại Nghị định số 89 của Chính phủ.
Cụ thể, IPP Air Cargo là Công ty cổ phần được thành lập vào tháng 3/2021, gồm 4 cổ đông sáng lập là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Johnathan Hạnh Nguyễn); Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện là ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam; bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Nguyễn William Hiếu.
Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.