Hàng không Việt Nam được ICAO đánh giá cao năng lực đảm bảo an toàn

Gia Linh Thứ tư, ngày 05/06/2024 17:21 PM (GMT+7)
Đánh giá sơ bộ của ICAO, Việt Nam đã nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số thực hiện hiệu quả (EI) công tác đảm bảo an toàn cao hơn mức trung bình của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (65,31%) và mức trung bình của thế giới (68,81%).
Bình luận 0

Hàng không Việt Nam tăng các chỉ số đảm bảo an toàn

Đoàn Thanh sát an toàn hàng không toàn cầu USOAP (Universal Safety Oversight Audit Programme) của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (International Civil Aviation Organisation - ICAO) vừa thực hiện đánh giá tổng thể năng lực đảm bảo an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam.

Được biết, chương trình USOAP tập trung đánh giá vào các lĩnh vực: Hệ thống pháp luật (LEG); Cơ cấu tổ chức (ORG); Cấp phép nhân sự (PEL); Khai thác tàu bay (OPS); Sự khả phi của tàu bay (AIR); Điều tra tai nạn và sự cố (AIG); Dịch vụ dẫn đường hàng không (ANS); Sân bay và thiết bị hỗ trợ mặt đất (AGA).

Trong đó, lĩnh vực quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay (AGA) được các Thanh sát viên ICAO đánh giá kết quả thực hiện dựa trên 143 câu hỏi theo bộ PQs USOAP - CMA năm 2020 của ICAO.

Theo kết quả đánh giá công bố năm 2016, điểm trung bình chỉ số thực hiện hiệu quả (EI) trong công tác đảm bảo an toàn của ngành hàng không Việt Nam là 65,56%, trong đó lĩnh vực AGA của Việt Nam chỉ đạt 54,95%, nằm trong nhóm quốc gia có số điểm lĩnh vực AGA thấp hơn 60% của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Hàng không Việt Nam được ICAO đánh giá cao năng lực đảm bảo an toàn- Ảnh 1.

Ngành hàng không Việt Nam tăng các chỉ số đảm bảo an toàn. Ảnh: Gia Linh

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, đã thành lập ngay một Tổ công tác để phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng không Việt Nam nhằm thực hiện rà soát và khắc phục triệt để các tồn tại đã được chỉ ra trong năm 2016 và triển khai các yêu cầu tiêu chuẩn mới của ICAO trong công tác đảm bảo an toàn trong lĩnh vực quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

Cụ thể, như xây dựng mô hình tàu bay phục vụ cho công tác huấn luyện thực hành cứu nạn chữa cháy theo tiêu chuẩn của ICAO và mời tổ chức nước ngoài huấn luyện thực hành công tác cứu nạn chữa cháy tàu bay; xây dựng các phương án cứu nạn chữa cháy tàu bay tại khu vực có địa hình phức tạp; đầu tư bộ thiết bị cứu hộ tàu bay để di dời tàu bay mất khả năng di chuyển...

Trong quá trình đánh giá của Đoàn Thanh sát an toàn hàng không ICAO, ACV đã phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng không  thực hiện công tác chuẩn bị, cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công tác đảm bảo an toàn, khai thác tại các cảng hàng không để cung cấp cho Đoàn Thanh sát ICAO.

Hàng không Việt Nam được ICAO đánh giá cao năng lực đảm bảo an toàn- Ảnh 3.

Công tác đảm bảo an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam tăng 11,54%. Ảnh: Gia Linh

Trong thời gian đánh giá thực tế tại Cảng HKQT Nội Bài, Đoàn Thanh sát ICAO đã đánh giá rất cao công tác triển khai áp dụng thực hiện các tiêu chuẩn, khuyến cáo thực hành của ICAO (Annex 14) trong lĩnh vực đảm bảo an toàn hàng không và khai thác cảng hàng không, sân bay.

Theo kết quả đánh giá sơ bộ được công bố, chỉ số thực hiện hiệu quả (EI) trong công tác đảm bảo an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam đạt được 77,1% tăng 11,54% so với kết quả đánh giá năm 2016, trong đó lĩnh vực khai thác cảng hàng không, sân bay (AGA) đạt 83,85%, tăng 28,9% so với kết quả đánh giá năm 2016.

Với kết quả đánh giá sơ bộ của Đoàn Thanh sát an toàn hàng không ICAO, Việt Nam đã nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số thực hiện hiệu quả (EI) công tác đảm bảo an toàn cao hơn mức trung bình của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (65,31%) và mức trung bình của thế giới (68,81%).

Trong đó, chỉ số thực hiện hiệu quả (EI) của lĩnh vực AGA của Việt Nam cao hơn 23,12% so với mức trung bình của các quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và cao hơn 23,85% so với mức trung bình của các quốc gia trên thế giới.

Chương trình Thanh sát an toàn hàng không toàn cầu USOAP tập trung đánh giá năng lực của mỗi quốc gia trong công tác đảm bảo an toàn hàng không thông qua Chỉ số thực hiện hiệu quả (EI – Effective Implementation) bằng cách đánh giá xem quốc gia đó có triển khai đầy đủ các yếu tố trọng yếu (CE – Critical Element) của Hệ thống giám sát an toàn một cách hiệu quả thông qua việc thiết lập Hệ thống quy định pháp luật từ tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành (SARP) của ICAO đến việc triển khai áp dụng, thực hiện hiệu quả trong quá trình cung cấp dịch vụ hàng không.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem